06:00 31/12/2012

Kinh tế 2013: Thoát đáy vượt dốc?

Dương Ngọc

Nếu không có biện pháp quyết liệt và đồng bộ thì việc “thoát đáy vượt dốc đi lên” sẽ khó đạt được

Một kết quả nổi bật là dự trữ ngoại hối tăng, cao gấp đôi cuối năm 
trước, gần đạt mức 12 tuần nhập khẩu - ranh giới an toàn theo thông lệ 
quốc tế - Ảnh: TT.
Một kết quả nổi bật là dự trữ ngoại hối tăng, cao gấp đôi cuối năm trước, gần đạt mức 12 tuần nhập khẩu - ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế - Ảnh: TT.
Kinh tế năm 2012 bên cạnh nhiều kết quả tích cực, cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Những kết quả tích cực

Rõ nhất là lạm phát đã được kiềm chế. Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2012 so với tháng 12/2011 thấp hơn nhiều so với con số tương ứng của năm 2010, 2011 (tương ứng là 6,81% so với 11,75% và 18,13%), thấp xa so với bình quân thời kỳ 2004 - 2011 (11,58%), thấp hơn so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 10%).

Đáng lưu ý trong năm có tới 7 tháng tăng thấp và giảm; giá lương thực giảm sâu và giá thực phẩm tăng rất thấp - trong khi hai nhóm này chiếm tới gần 40% tổng tiêu dùng của dân cư và chiếm tỷ trọng cao hơn nữa đối với người nghèo, người có thu nhập thấp. Đây là niềm vui của người tiêu dùng nói chung và người nghèo, người có thu nhập thấp nói riêng.

Lạm phát được kiềm chế do nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân trực tiếp là tiền tệ, tài khoá được thắt chặt, với lãi suất cho vay cao, kéo dài; tăng trưởng tín dụng thấp (năm 2011 thấp chưa bằng một nửa mấy năm trước, năm 2012 giảm trong nửa năm, tính chung cả năm cũng chưa bằng một nửa năm trước). Đầu tư, sản xuất, tiêu dùng co lại. Giá lương thực giảm (5,66%), giá thực phẩm tăng thấp (0,95%).

Một kết quả nổi bật là dự trữ ngoại hối tăng, cao gấp đôi cuối năm trước, gần đạt mức 12 tuần nhập khẩu - ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế.

Dự trữ ngoại hối tăng do hai yếu tố. Yếu tố thứ nhất do cán cân thanh toán quốc tế có số dư, ước đạt 10 tỷ USD, kỷ lục từ trước tới nay.

Cán cân thanh toán có số dư do hai yếu tố.

(1) Cán cân thương mại lần đầu tiên sau 20 năm nhập siêu, đặc biệt 5 năm qua (bình quân 13,5 tỷ USD/năm), năm nay đã chuyển sang xuất siêu (gần 0,3 tỷ USD).

Cán cân thương mại đạt thặng dư, do xuất khẩu đạt được nhiều sự vượt trội về tổng kim ngạch xuất khẩu (114,6 tỷ USD), về kim ngạch bình quân đầu người (đạt 1300 USD), về tỷ lệ xuất khẩu so với GDP (đạt trên 82%), về tốc độ tăng cao hơn so với tốc độ tăng của nhập khẩu (18,3% so với 7,1%), tăng cao so với kế hoạch.

(2) Lượng ngoại tệ vào Việt Nam từ các nguồn đạt khá. Lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện ước đạt 10,5 tỷ USD, tương đương với mức thực hiện trong 4 năm trước. Lượng vốn hỗ trợ phát triển chính thức giải ngân đạt mức kỷ lục từ trước tới nay.

Lượng kiều hối gửi về nước ước đạt khoảng 10,5 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Chi tiêu của khách quốc tế tới Việt Nam ước có thể đạt 6,6 tỷ USD, tăng khoảng 1 tỷ USD so với kỷ lục đạt được trong năm trước chủ yếu do lượng khách quốc tế tăng và một phần do chi tiêu bình quân 1 khách tăng.

Yếu tố thứ hai do lượng ngoại tệ mua được ở trong dân cư và doanh nghiệp đạt khá, không những góp phần tăng dự trữ ngoại hối mà còn hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chống Đôla hoá.

Do lạm phát được kiềm chế, do cán cân thanh toán quốc tế được cải thiện, do lãi suất gửi tiết kiệm bằng VND cao hơn nhiều lần ngoại tệ,... nên tỷ giá VND/USD cả năm lần đầu tiên tính từ năm 2007 đã giảm 0,96%, trong khi mấy năm trước tăng cao (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%, năm 2010 tăng 9,68%, năm 2011 tăng thấp hơn cũng ở mức 2,24%). Dự trữ ngoại hối tăng, cao gấp đôi so với cuối năm 2011, tỷ giá giảm là một kết quả nổi bật của năm 2012, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng kinh tế có kết quả tích cực, thể hiện ở một số điểm. Tăng trưởng đã cao lên qua các quý (quý 1 tăng 4,64%, quý 2 tăng 4,80%, quý 3 tăng 5,05%, quý 4 tăng 5,44%). Tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành, trong đó nhóm ngành dịch vụ tăng cao hơn tốc độ chung (6,42%% so với 5,03%). Tăng trưởng 5,2% được coi là hợp lý, với nhiều lý do.

Tăng trưởng đạt được trong điều kiện phải thực hiện mục tiêu ưu tiên là kiềm chế lạm phát - mà các giải pháp thực hiện mục tiêu này thường có hiệu ứng phụ là tăng trưởng kinh tế bị suy giảm.

Tăng trưởng đạt được trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều điểm nghẽn lớn: nợ xấu tăng cao, tồn kho lớn, bất động sản đóng băng. Tăng trưởng đạt được trong điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư xã hội/GDP năm 2012 ước đạt 33,5%, thấp so với các thời kỳ trước (năm 2011 là 34,6%, bình quân thời kỳ 2006 - 2010 là 42,7%); trong điều kiện tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, nếu loại trừ yếu tố tăng giá, thấp chưa bằng một nửa bình quân thời kỳ 2006 - 2011 (6,2% so với 15%).

Công cuộc cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng được khởi động và đẩy mạnh trong điều kiện nguồn lực tài chính của doanh nghiệp, ngân sách nhà nước khó khăn...

Những hạn chế, bất cập và thách thức

Ngay trong những kết quả tích cực đã đạt được như trên cũng chứa đựng những hạn chế, bất cập, nếu xét về nguyên nhân của chúng. Lạm phát thấp hơn năm trước và thấp hơn mục tiêu buôn bán với nước ngoài, chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu, có một phần quan trọng do đầu tư, sản xuất và tiêu dùng bị “co lại”.

Sự “co lại” này trước mắt tuy góp phần kiềm chế lạm phát, cải thiện cán cân thương mại, nhưng việc kiềm chế, cải thiện đó sẽ không vững chắc. Yếu tố tiềm ẩn và nguyên nhân sâu xa của lạm phát là hiệu quả đầu tư, năng suất lao động, thì cả 2 yếu tố này của Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước và việc cải thiện còn chậm.

Nguyên nhân chủ yếu của nhập siêu là hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, là cơ cấu sản xuất và xuất khẩu mang tính gia công lắp ráp..., mà về mặt này, sự cải thiện của Việt Nam còn chậm. Nền kinh tế vẫn còn đứng trước thách thức lạm phát và nhập siêu quay trở lại. Lạm phát quay trở lại bởi có những yếu tố tác động.

Sự nới lỏng chính sách tiền tệ - tài khoá từ giữa năm 2012, nay có thể được tiếp tục với liều lượng cao hơn để tháo gỡ nợ xấu, tồn kho, thị trường bất động sản, cơ cấu lại các ngân hàng thương mại.

Giá thực phẩm đã có dấu hiệu tăng cao trở lại khi đàn gia súc tại thời điểm 1/10 giảm, mùa cưới hỏi, tổng kết, Tết cổ truyền, lễ hội đang đến gần. Việc thực hiện lộ trình giá thị trường của các doanh nghiệp giữ vị thế độc quyền thường thực hiện khi giá tiêu dùng vừa mới tăng thấp, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, giữa Trung ương, địa phương, cơ sở, nếu không cân nhắc về liều lượng, về thời gian điều chỉnh như đã xảy ra hồi tháng 8, tháng 9 thì sẽ làm cho CPI tăng cao.

Giá thế giới có thể tăng lên khi các nền kinh tế lớn bơm tiền kích thích kinh tế; nếu tỷ giá không được giữ ổn định và nhập siêu trở lại, thì sẽ làm xuất hiện “nhập khẩu lạm phát” và “khuếch đại lạm phát” ở trong nước. Năm 2012 xuất siêu, nhưng mục tiêu năm 2013 lại nhập siêu khi tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng nhập khẩu...

Tăng trưởng kinh tế năm 2012 là mức thấp nhất trong 13 năm qua, tính từ năm 2000. Trong đó, tăng trưởng của nhóm ngành công nghiệp và xây dựng (sau nhiều năm tăng trưởng cao nhất và với tỷ trọng cao nhất trong GDP, đã trở thành động lực và đầu tàu tăng trưởng của toàn bộ nền kinh tế), thì nay đã 2 năm liên tiếp thấp hơn tốc độ tăng chung- tức là chưa thoát đáy.

Thu, chi ngân sách năm 2012 gặp khó khăn nhất trong nhiều năm qua, do nguồn thu bị hạn chế khi tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, nhập khẩu tăng thấp, trong khi chi cho việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, tháo gỡ các điểm nghẽn, tái cơ cấu, chi bảo đảm an sinh xã hội tăng...

Doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản, thu hẹp sản xuất kinh doanh đã tăng trong năm 2011, tiếp tục tăng lên trong năm 2012 và gặp khó khăn do bị suy kiệt trong mấy năm qua.

Thị trường chứng khoán lình xình, bị sụt giảm về điểm số, về giá trị giao dịch. Thị trường bất động sản “đao” xuống thời gian khá dài. Thị trường tiền tệ gặp khó khăn hiếm thấy, khi tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu cao, xuất hiện các nhóm lợi ích thâu tóm ngân hàng...

Mục tiêu năm 2013, với chỉ tiêu chủ yếu là lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn, là một kỳ vọng theo hai ý nghĩa: kinh tế sẽ tốt đẹp hơn nếu mục tiêu đó thực hiện được; nhưng nếu không có biện pháp quyết liệt và đồng bộ thì việc “thoát đáy vượt dốc đi lên” sẽ khó đạt được.

Cần lưu ý, các mô hình kinh tế khi bị khủng hoảng có 4 dạng.

Dạng một là hình chữ V, tức là xuống đáy nhanh, nhưng ngắn và vượt dốc đi lên cũng nhanh.

Dạng hai là hình chữ W, tức là xuống đáy 2 lần nhanh, nhưng ngắn và vượt dốc cũng nhanh.

Dạng ba là hình chữ U, tức là xuống đáy nhanh, nhưng phải mất thời gian tương đối dài mới vượt dốc đi lên.

Dạng bốn là hình chữ L, tức là xuống đáy nhanh, nhưng nằm ở đó khá lâu, chưa biết bao giờ mới vượt dốc đi lên được.

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)