20:59 02/10/2019

Kinh tế có nhiều cái nhất: “Chính phủ đã đánh giá khách quan”

Hà Vũ

2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng

Chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 10/2019 chiều muộn 2/10, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết nhiều con số ấn tượng của kinh tế 9 tháng và khằng định Chính phủ đã đánh giá khách quan.

Đó là tăng trưởng GDP 9 tháng đạt 6,98%, cao nhất 9 năm qua. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10,3%, nhất là khu vực ngoài nhà nước chiếm tỷ trọng 45,3%, tăng 16,9%.

Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh nếu không có cơ chế thúc đẩy mạnh kinh tế tư nhân thì chắc không có con số ấn tượng này.

Kết quả tiếp theo được Bộ trưởng Dũng nhắc tới là vốn FDI thực hiện cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% (vốn FDI thực hiện các năm 2015-2019 lần lượt là: 9,8 tỷ USD; 11 tỷ USD; 12,5 tỷ USD; 13,3 tỷ USD; 9 tháng của năm 2019 đạt 14,2 tỷ USD).

Thu ngân sách cũng là năm đầu tiên đạt 1 triệu tỷ, xuất siêu đạt cao nhất, 5,9 tỷ USD. Số lượng doanh nghiệp thành lập mới đạt kỷ lục với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp (tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 34% về số vốn đăng ký). Bên cạnh đó, còn có 27,6 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.

Kết quả trên càng khẳng định sự phù hợp của nhận định, đánh giá tình hình mà Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị để báo cáo Trung ương tại kỳ họp sắp tới, đó là dự kiến năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện, vượt mức các mục tiêu kế hoạch đề ra, là năm thứ 2 liên tiếp đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu, Bộ trưởng nói.

Về triển vọng đến cuối năm, Bộ trưởng nhấn mạnh, các tổ chức quốc tế cũng đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam và dự báo Việt Nam sẽ là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm nay với tốc độ tăng trưởng dự kiến đạt 6,9%, và tốc độ này được kỳ vọng sẽ duy trì trong vài năm tới. Điều này cho thấy sự khách quan của báo cáo Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận còn nhiều tồn tại hạn chế và khó khăn thách thức cần phải vượt qua.

Đó là ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp thấp nhất trong 3 năm qua.

Một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định được thời gian hoàn thành; giải ngân vốn đầu tư công hiện nay còn rất chậm, không có nhiều chuyển biến (mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt 50,93%).

Sản xuất kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (số doanh nghiệp giải thể tăng 4,7% so với cùng kỳ, trong đó 40% là các doanh nghiệp thương mại, dịch vụ; giá xuất khẩu bình quân của nhiều mặt hàng nông sản giảm.

Trong tháng 9 và quý 3, phát sinh nhiều vấn đề về văn hóa, xã hội, an ninh trật tự cần phải quan tâm nhiều hơn nữa trong thời gian tới, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, chân tay miệng và sởi, hay về an ninh trật tự như tội phạm yếu tố nước ngoài, tổ chức sản xuất ma túy, đánh bạc qua mạng, lừa đảo qua mạng, làm giả thẻ ATM, cướp của, giết người, cho vay nặng lãi... gây bức xúc trong nhân dân; còn xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng; hay vấn đề môi trường 2 đô thị lớn là Hà Nội, Tp.HCM.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Bộ trưởng thông tin, trên cơ sở các ý kiến và thảo luận, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tinh thần quyết tâm, kiên định thực hiện các mục tiêu đề ra; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, như Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh là "không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế".

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ đạo những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: về kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, phải tạo dựng thêm dư địa cho điều hành kinh tế vĩ mô, vận dụng các chính sách kinh tế vĩ mô linh hoạt; tăng tính chủ động và khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những biến động khó lường từ bên ngoài; tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thực chất thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, coi đây là một khâu đột phá thúc đẩy tăng trưởng… đồng thời phải nỗ lực, thực hiện các hoàn thành nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ trưởng cho biết.