14:01 03/12/2008

Kinh tế đi xuống, năng lượng “bẩn” lên ngôi

Trung Việt

Khủng hoảng tài chính đã khiến nhiều nước tăng cường sử dụng những công nghệ "bẩn" và rẻ tiền, gây ô nhiễm

Một cảnh tượng thường thấy ở các ao hồ của Trung Quốc hiện nay, cá chết hàng loạt vì nước bị ô nhiễm - Ảnh: Guardian.
Một cảnh tượng thường thấy ở các ao hồ của Trung Quốc hiện nay, cá chết hàng loạt vì nước bị ô nhiễm - Ảnh: Guardian.
Khủng hoảng tài chính đã khiến nhiều nước tăng cường sử dụng những công nghệ "bẩn" và rẻ tiền, gây ô nhiễm.

Trong khi đó, nhiều mục tiêu bảo vệ môi trường có nguy cơ bị đẩy ra khỏi chương trình nghị sự của các nhà hoạch định chính sách.

Đó là cảnh báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và người đứng đầu Công ước khung về chống biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (UNFCCC), đưa ra nhân dịp Hội nghị HQ về biến đổi khí hậu lần thứ 14 (COP 14) đang diễn ra tại thành phố Poznan của Ba Lan, từ 1-12/12, với sự tham dự của gần 11.000 đại biểu.

Thiếu tiền, bớt chi cho môi trường

Tại Hội nghị COP 14, người đứng đầu Công ước khung về chống biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (UNFCCC), ông Yvo de Boer đã đưa ra cảnh báo về thực trạng nhiều nước đang đầu tư vào "năng lượng bẩn và rẻ".

Ông cho biết trong vòng 5-10 năm tới, thế giới sẽ phải thay thế khoảng 40% công suất phát điện trên toàn cầu và trong thời kỳ phải "thắt lưng buộc bụng" do khủng hoảng tài chính hiện nay, chính phủ nhiều nước đang phải cắt giảm các khoản đầu tư vào môi trường.

Nhưng theo ông, với cách "tiết kiệm" đầu tư bằng các nhà máy nhiệt điện gây ô nhiễm cao có thời hạn tới 30-50 năm, thế giới có thể sẽ lại gánh chịu hậu quả với những đợt sụt giảm của thị trường chứng khoán theo chu kỳ trong 10, 15, 20 năm tới.

Do vậy, việc các chính phủ lấy cớ khủng hoảng kinh tế để cắt giảm những khoản chi bảo vệ môi trường là cách nghĩ "thiển cận".

Năng lượng tái sinh "chùn bước"

Theo IEA, nhân tố chủ đạo trong tiêu thụ năng lượng sẽ là Trung Quốc. Đến năm 2015, ba nước có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất sẽ là Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ.

Tuy nhiên, những dự báo gần đây của IEA cho thấy, đầu tư vào các dự án tìm kiếm, khai thác, chế biến dầu lửa, cũng như những dự án năng lượng khác đang bị chững lại, do khủng hoảng tài chính. Ngay tại các nước EU - khu vực đi đầu trong phát triển các nguồn năng lượng sạch và các nỗ lực giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, nhiều dự án cũng có nguy cơ đình trệ.

Báo cáo "Toàn cảnh thị trường năng lượng châu Âu", do công ty tư vấn Capgemini (Pháp) vừa công bố, nhu cầu năng lượng giảm làm giá năng lượng xuống thấp, khiến các nhà đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái sinh "chùn bước".

Ước tính, 25 năm tới, châu Âu cần đầu tư khoảng 1.000 tỷ Euro xây các nhà máy điện mới, phát triển năng lượng sạch, mạng lưới phân phối điện... Nhưng trong điều kiện hiện nay, các khoản đầu tư vào năng lượng, không hứa hẹn nhiều lợi ích kinh tế như trước đây.

Các chuyên gia về năng lượng nhận định, do nhiên liệu truyền thống giảm giá, năng lượng tái sinh đã mất đi lợi thế cạnh tranh trong chiến lược năng lượng của các quốc gia. Nếu các nhà đầu tư không quyết tâm vượt qua cuộc khủng hoảng, thì chiến lược đầu tư dài hạn cho năng lượng sẽ bị đứt quãng và để lại nhiều hậu quả khó lường.

Nhiều khả năng EU sẽ phải xem xét lại mục tiêu cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2020 và mất đi vị trí "tiên phong" trong lĩnh vực phát triển năng lượng sạch.