21:39 14/01/2010

Kinh tế Đức suy giảm 5% trong năm 2009

Mai Phương

Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức đã chịu sự suy giảm GDP mạnh nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai

Những yếu tố tác động nặng nề nhất tới tăng trưởng năm 2009 là sự suy giảm mạnh mẽ của cả lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư vào các loại máy móc, thiết bị - Ảnh: Getty Images.
Những yếu tố tác động nặng nề nhất tới tăng trưởng năm 2009 là sự suy giảm mạnh mẽ của cả lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư vào các loại máy móc, thiết bị - Ảnh: Getty Images.
Năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất châu Âu là Đức đã chịu sự suy giảm GDP mạnh nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai. Mức suy giảm này thậm chí còn vượt qua cả những dự báo vốn dĩ đã bi quan trước đó của giới quan sát.

Cơ quan Thống kê Liên bang Đức ngày 13/1 cho biết, GDP nước này sụt 5% trong năm 2009, so với mức dự báo 4,8% mà các nhà phân tích đưa ra. Tuy không đưa ra con số thống kê về tăng trưởng kinh tế Đức trong quý cuối cùng của năm 2009, cơ quan này cho biết, nền kinh tế đang ở trong tình trạng trì trệ.

 “Những yếu tố tác động nặng nề nhất tới tăng trưởng năm 2009 là sự suy giảm mạnh mẽ của cả lĩnh vực xuất khẩu và đầu tư vào các loại máy móc, thiết bị. Ngoại thương, lĩnh vực trong những năm trước đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính của kinh tế Đức, đã làm chậm lại tốc độ phát triển kinh tế trong năm 2009”, cơ quan thống kê của Đức nhận định.

Trước khi lập kỷ lục mới về sự co cụm trong năm 2009, kinh tế Đức thời hậu Chiến tranh Thế giới thứ hai sụt giảm mạnh nhất vào năm 1975, với tốc độ suy giảm 0,9%. Kể từ khi nước Đức thống nhất, năm suy giảm tăng trưởng mạnh nhất trước năm 2009 là năm 1993, với GDP của nền kinh tế này giảm 0,8%.

Năm 2009 cũng là năm đầu tiên kinh tế Đức suy giảm trong vòng 6 năm trở lại đây.

Các nhà kinh tế học cho biết, phải quay về những năm 1930 mới có thể tìm thấy những con số thống kê xứng tầm so sánh với sự suy giảm GDP của Đức năm qua. Trong thời gian Đại suy thoái, kinh tế Đức giảm 10,9% vào năm 1931 và giảm 4,9% vào năm 1932.

Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức chịu ảnh hưởng nặng nề từ vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers vào tháng 9/2008. Đến quý 2/2009, nền kinh tế này đã nhanh chóng thoát khỏi suy thoái.

Tuy nhiên, kinh tế Đức hiện vẫn đang đối mặt với tình trạng nhu cầu ảm đạm và tỷ lệ thất nghiệp tăng. Có khoảng hơn 3,4 triệu người Đức thất nghiệp trong năm 2009, tăng khoảng 155.000 người so với năm 2008.

Các nhà phân tích tỏ ra lạc quan thận trọng về triển vọng kinh tế Đức năm 2010. Dự báo, kinh tế Đức sẽ tiếp tục phục hồi trong năm nay, với mức tăng trưởng trên 2%. Trong bối cảnh các nền kinh tế khác ở châu Âu phục hồi chậm, kinh tế Đức được kỳ vọng là sẽ tiếp tục đóng vai trò đầu tàu cho sự phục hồi của kinh tế khu vực.

(Theo Guardian, BBC)