12:47 31/10/2013

Kinh tế Nhật được gì sau một năm áp dụng Abenomics?

An Huy

Đang có những quan điểm trái chiều về mức độ thành công của các chính sách mà ông Abe áp dụng, thường được gọi là Abenomics

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: Bloomberg.<br>
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: Bloomberg.<br>
Đã gần một năm trôi qua kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe lên tiếng về sự cần thiết phải có những thay đổi triệt để để thổi một luồng sinh khí mới cho nền kinh tế đã trì trệ hàng thập kỷ của nước này.

Hiện tại, giới phân tích đang có những quan điểm trái chiều về mức độ thành công của các chính sách mà ông Abe áp dụng, thường được gọi là Abenomics.

Theo trang CNBC, một số chuyên gia cho rằng, từ đầu năm đến nay, sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ nới lỏng mạnh mẽ, kích cầu bằng chi tiêu công, và cải cách kinh tế đã đem tới một sự khởi sắc chưa từng có ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới suốt một thời gian dài.

Một bằng chứng cho sự khởi sắc này là chỉ số Nikkei của thị trường chứng khoán Nhật tăng điểm khoảng 40% tính đến thời điểm này của năm 2013, dễ dàng trở thành chỉ số chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới trong năm.

Tuy nhiên, cũng có những chuyên gia lập luận rằng, mức độ thành công của Abenomics sẽ phụ thuộc chủ yếu vào các cải cách mang tính dài hạn, mà việc Thủ tướng Nhật sẽ tiến tới những cải cách như vậy thế nào còn phải chờ xem.

“Abenomics mới chỉ thực thi được có một năm và tiến bộ lớn duy nhất mà chúng tôi nhận thấy là chủ trương tăng thuế tiêu thụ”, ông Andrew Sullivan, một chuyên gia thuộc công ty chứng khoán Kim Eng Securities, nhận xét.

Ông Sullivan đang nhắc đến quyết định của Thủ tướng Abe hồi đầu tháng 10 về việc sẽ thúc đẩy tăng thuế tiêu thụ ở Nhật. Đây vốn là một vấn đề vốn gây tranh cãi, nhưng tăng thuế tiêu thụ được xem là chìa khóa để cắt giảm khối nợ công khổng lồ của Nhật.

Giới phân tích cho rằng, chính sự thất vọng của các nhà đầu tư trước việc thiếu vắng những cải cách dài hạn cho kinh tế Nhật trong Abenomics là nguyên nhân khiến đà tăng của chỉ số Nikkei chững lại và đồng Yên Nhật không thể giảm giá quá 100 Yên đổi 1 USD.

Hiện chỉ số Nikkei đang ở quanh ngưỡng 14.500 điểm, giảm 9% so với mức đỉnh của 5 năm rưỡi thiết lập vào tháng 5. Tuy nhiên, mức điểm này đã tăng khoảng 65% kể từ đầu tháng 11/2012, thời điểm mà Thủ tướng Abe bắt đầu nói về sự cần thiết phải có những chính sách kinh tế mới trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 12. Trong cuộc bầu cử đó, đảng của ông Abe đã thắng áp đảo, đưa ông trở lại với cương vị Thủ tướng.

“Tôi cho rằng Nhật Bản hiện đang có hai con đường và đường nào cũng khó đi cả. Hoặc là họ quay trở lại với thực trạng trước khi Abenomics bắt đầu, với giảm phát và một nền kinh tế yếu ớt, hoặc là Ngân hàng Trung ương Nhật phải in một lượng tiền lớn và trở thành người mua cuối cùng (buyer of last resort) trái phiếu Chính phủ Nhật”, ông Rob Aspin, trưởng bộ phận chiến lược đầu tư chứng khoán thuộc Standard Chartered Bank Wealth Management Group, nhận xét.

Tháng 4 năm nay, BOJ tuyên bố sẽ bơm 70 tỷ USD mỗi tháng vào nền kinh tế để đẩy lạm phát lên mức 2% trong vòng 2 năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Nhật gần như đi ngang trong tháng 9, đồng nghĩa với việc BOJ còn cơ hội để thúc đẩy các biện pháp kích thích bằng chính sách tiền tệ.

Trong khi đó, theo ông Ed Rogers, CEO của công ty tư vấn đầu tư Rogers Investment Advisors, để đánh giá ảnh hưởng của Abenomics, cần nhìn vào tác động chung của tất cả các biện pháp nằm trong chính sách này đối với nền kinh tế.

Những số liệu kinh tế Nhật gần đây đã vẽ nên một bức tranh tích cực. Doanh số bán lẻ của nước này trong tháng 9 tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi chi tiêu của các hộ gia đình tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, một mức tăng cao hơn dự báo và là tín hiệu cho thấy chi tiêu dung cá nhân đang hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Tình hình doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp hàng đầu Nhật Bản cũng đang được cải thiện rõ nét nhờ đồng Yên suy yếu so với USD. Theo số liệu do hãng xe lớn nhất của Nhật Toyota công bố ngày 28/10 cho biết, doanh số toàn cầu của hãng trong 9 tháng đạt 7,412 triệu xe, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái, đảm bảo cho hãng này vị trí hãng xe có doanh số cao nhất thế giới trong 9 tháng. Theo dự báo, lợi nhuận trong năm tài khóa hiện tại của Toyota sẽ cao kỷ lục.

“Điều quan trọng nhất là nhìn lại một năm trước, rõ ràng tình hình đã khả quan hơn”, ông Rogers nói. Chuyên gia này nhấn mạnh thêm rằng, việc Tokyo giành quyền đăng cai Thế vận hội 2020 được xem như một minh chứng cho thấy niềm tin vào Nhật Bản đã được cải thiện.