Kinh tế số TP.HCM sẽ đóng góp 40% GRDP năm 2030
TP.HCM đẩy mạnh phát triển kinh tế số, đóng góp 2024 là 22%, phấn đấu đạt 25% đến năm 2025 và 40% đến năm 2030 trong GRDP của Thành phố; đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, y tế, cải cách hành chính và an sinh xã hội…
Tại triển lãm và hội nghị Tech4life 2024 diễn ra trong 2 ngày 12 và 13/9, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM ông Võ Minh Thành cho biết, năm 2024, Thành phố tiếp tục chọn chuyển đổi số và đô thị thông minh là nội dung trọng tân với chủ đề "Quyết tâm thực hiện hiệu quả Chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội".
Thành phố sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thu hút và phát triển hoạt động trong khu công nghệ cao nhằm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực công nghệ số, vi mạch bán dẫn, nghiên cứu hình thành thêm khu công nghệ thông tin tập trung tại Thành phố. Từ đó lan toả và tạo sự liên kết vùng trong phát triển công nghiệp công nghệ thông tin.
Bên cạnh việc tiếp tục hoàn thành kế hoạch xây dựng Chính quyền số đến năm 2025, TP.HCM đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số với mục tiêu phấn đấu kinh tế số đóng góp năm 2024 là 22%, phấn đấu đạt 25% đến năm 2025 và 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục, y tế, du lịch và an sinh xã hội.
Tại sự kiện, thành viên Hội đồng sáng lập Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) ông Nguyễn Đình Thắng chia sẻ, năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã đặt trọng tâm công tác chuyển đổi số là năm phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, số hoá các ngành, quản trị số và dữ liệu số. Chính vì thế, cộng đồng doanh nghiệp, tiên phong là khối doanh nghiệp công nghệ cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để chuyển mình, bứt phá.
Hướng đến năm 2030, TP.HCM đặt mục tiêu trở thành một đô thị thông minh với sự đổi mới toàn diện trong hoạt động của bộ máy chính quyền số, doanh nghiệp số, và một xã hội số thịnh vượng, văn minh. Từ năm 2018, Thành phố đã xác định việc "khai thác dữ liệu" là nhiệm vụ cốt lõi và kho dữ liệu dùng chung là giải pháp xuyên suốt trong quá trình rút ngắn khoảng cách giữa hiện trạng và mục tiêu chuyển đổi số vào năm 2025.
“Nhờ đó, ứng dụng công nghệ trong công việc được xem là chìa khoá vàng giúp các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng và xoay chuyển khi bối cảnh kinh tế xã hội đang biến động không ngừng. Công nghệ chính là cơ hội giúp doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ, tăng khả năng cạnh tranh và tạo ra bước đột phá lớn trong kinh doanh. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tối ưu hoá quy trình sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh thông qua tự động hoá, phân tích dữ liệu và quản lý thông tin hiệu quả”, ông Thắng khẳng định.
Đồng quan điểm này, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM (HCMC-DXC) bà Võ Thị Trung Trinh cho rằng, chuyển đổi số cần phải đi đôi với chuyển đổi xanh. Sự kết hợp giữa chuyển đổi số và xanh mới tạo ra một mô hình phát triển bền vững, cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, TP.HCM đang thúc đẩy việc tạo ra hệ sinh thái toàn diện trong chuyển đổi xanh. Điều đó có nghĩa là việc chuyển đổi xanh không chỉ nhắm vào các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng cần phải tích cực ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng đến đưa chuyển đổi xanh vào trong chiến lược chung của mỗi doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ triển lãm cũng diễn ra Lễ Ký kết hợp tác giữa Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và Hiệp hội Phần mềm mã Nguồn mở Hàn Quốc (KOSSA).