10:33 05/09/2008

Kinh tế Thái Lan suy giảm mạnh

Quốc Trung

Do những bất ổn chính trị gay gắt, tăng trưởng kinh tế Thái Lan đã giảm khá mạnh trong quý 2/2008

Tình hình bạo lực khiến chỉ số chứng khoán của Thái Lan giảm mạnh và các lĩnh vực kinh tế then chốt như du lịch, đầu tư... cũng bị tác động tiêu cực.
Tình hình bạo lực khiến chỉ số chứng khoán của Thái Lan giảm mạnh và các lĩnh vực kinh tế then chốt như du lịch, đầu tư... cũng bị tác động tiêu cực.
Do những bất ổn chính trị gay gắt, tăng trưởng kinh tế Thái Lan đã giảm khá mạnh trong quý 2/2008 và Ngân hàng trung ương Thái Lan vừa dự báo, kinh tế nước này tiếp tục suy giảm trong nửa cuối năm nay.

Những cuộc biểu tình rầm rộ của phe đối lập chống Thủ tướng Samak Sundaravej tuần qua đã khiến chỉ số chứng khoán của Thái Lan giảm mạnh và các lĩnh vực kinh tế then chốt như du lịch, đầu tư... cũng bị tác động tiêu cực.

Bất ổn chưa có dấu hiệu chấm dứt

Các cuộc biểu tình của Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) yêu cầu Chính phủ của Thủ tướng Samak Sundaravej từ chức bùng phát từ ngày 26/8 và ngày 2/9, những người ủng hộ PAD đã đụng độ với những người ủng hộ Chính phủ, làm 1 người chết và hơn 40 người bị thương, buộc Chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp ở Bangkok.

Tuy nhiên, phát biểu trực tiếp trên đài phát thanh quốc gia  sáng 4/9, Thủ tướng Samak tuyên bố sẽ không từ chức và không giải tán Quốc hội. Ông cho rằng tình hình đất nước vẫn ổn định, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, ngoại trừ khu vực tòa nhà Chính phủ đang bị PAD phong tỏa. Quân đội sẽ dùng biện pháp khoan dung thuyết phục những người biểu tình rời tòa nhà Chính phủ, đồng thời kêu gọi 9 thủ lĩnh của PAD ngừng chống đối.

Trong khi đó, hàng nghìn người biểu tình đã bác bỏ đàm phán với quân đội và khẳng định sẽ chỉ đàm phán sau khi ông Samak từ chức. Lãnh đạo nòng cốt của PAD Somsak Kosaisuk cũng khẳng định, PAD sẽ theo đuổi đến cùng mục tiêu đòi Thủ tướng từ chức.

Tình hình bất ổn nghiêm trọng tại Thái Lan với các cuộc biểu tình rầm rộ của PAD chưa có dấu hiệu chấm dứt và đang gây tác động tiêu cực đến kinh tế nước này, khiến chỉ số trên thị trường chứng khoán đã giảm tới 24%, mức thấp nhất trong hơn 6 tháng qua. Đồng Baht Thái cũng giảm giá xuống mức thấp nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong khi đó, tổ chức định giá tín nhiệm hàng đầu trên thế giới Standard and Poors cho biết, họ đang cân nhắc việc hạ mức tín nhiệm về triển vọng kinh tế của Thái Lan từ mức “ổn định” xuống “tiêu cực.”

Quý 2/2008, kinh tế nước này đã tăngchậm lại, ở mức 5,3%, so với mức 6,1% đã được điều chỉnh của quý trước đó. Theo Tổng thư ký Cục Phát triển Kinh tế và Xã hội quốc gia Thái Lan (NESD) A.Kittiamphon, nguyên nhân là do chi tiêu Chính phủ giảm và đầu tư trong khu vực kinh tế tư nhân suy yếu.

Tác động tiêu cực tới du lịch, đầu tư

Lạm phát của Thái Lan trong tháng 7 vừa qua đã leo lên mức 9,2%, cao nhất trong vòng 10 năm, do giá nhiên liệu và lương thực đắt đỏ.  Dự kiến, lạm phát trung bình trong cả năm nay sẽ khoảng 7,5-8,8%.

Người dân và giới kinh doanh ở Thái Lan đang lo ngại, các cuộc biểu tình dẫn đến bạo động và đình công kéo dài sẽ làm xấu đi hình ảnh đất nước, gây thất thu lớn cho ngành du lịch và làm nản chí các nhà đầu tư nước ngoài. Thái Lan hiện có  ngành du lịch đứng đầu khu vực Đông Nam Á, với doanh thu chiếm khoảng 6% GDP của đất nước. Nước này đã có kế hoạch thu hút lượng khách du lịch cao nhất từ trước tới nay, trong năm 2008.

Tuy nhiên, nhiều khả năng mục tiêu đầy tham vọng cho ngành kinh tế mũi nhọn này của Thái Lansẽ không thành hiện thực. Sau những bất ổn tuần qua, một số quốc gia như Singapore và Hàn Quốc, Australia đã khuyến cáo công dân của mình không nên du lịch Thái Lan tại thời điểm này, hoặc “cảnh giác cao độ” nếu sang Thái Lan.

Đây là những dấu hiệu đầu tiên cho thấy lượng khách du lịch tới Thái Lan có thể giảm mạnh. Theo Chủ tịch Hiệp hội đại lý du lịch Thái Lan, Apichart Sankary, các tour du lịch đã được đặt trước của du khách nước ngoài, chủ yếu từ châu Âu, vào mùa cao điểm tới đã giảm hơn 10% so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả điều tra của Ngân hàng Thế giới vừa cho thấy, tình trạng bất ổn chính trị đã làm giảm sức hấp dẫn của Thái Lan đối với các nhà đầu tư, với hơn 60% số người được hỏi cho rằng, sự không chắc chắn về các chính sách của Chính phủ đã khiến môi trường đầu tư  nước này trở nên xấu đi trong năm 2007.

Một số quan chức  ngành dịch vụ tài chính Thái Lan cũng cho rằng, bức tranh bất ổn chính trị của Thái Lan hiện nay có thể khiến những nhà đầu tư mới phải cân nhắc nhiều hơn, nếu họ muốn đầu tư vào đây.

Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Thái Lan đã lên tiếng kêu gọi những người biểu tình kiềm chế để tránh tổn hại tới tương lai kinh tế đất nước.