14:26 01/06/2010

Kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại

Huy Anh

Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 tăng trưởng chậm hơn dự báo của giới phân tích

Trung Quốc có thể trì hoãn nâng lãi suất cơ bản - Ảnh: CE.
Trung Quốc có thể trì hoãn nâng lãi suất cơ bản - Ảnh: CE.
Lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc trong tháng 5 tăng trưởng chậm hơn dự báo của giới phân tích. Các chuyên gia kinh tế nhận định, đây là dấu hiệu cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ 3 trên thế giới này có thể chững lại.

Theo Bloomberg dẫn báo cáo của Hiệp hội hậu cần và mua bán Trung Quốc (CFLP), chỉ số quản lý sức mua (PMI) của quốc gia này trong tháng 5/2010 đã giảm xuống 53,9, từ mức 55,7 trong tháng 4, thấp hơn mức dự báo 54,5 do giới phân tích đưa ra trong cuộc điều tra của Bloomberg.

Việc Trung Quốc đưa ra các chính sách ngăn chặn nạn đầu cơ địa ốc đã làm đà tăng trưởng kinh tế của nước này giảm nhiệt, do doanh số bán nhà và hoạt động xây dựng mới sụt giảm. Thêm vào đó, khủng hoảng nợ tại châu Âu đã tác động không ít tới hoạt động xuất khẩu.

Bloomberg cho rằng, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ trì hoãn việc nâng lãi suất cơ bản hoặc điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ so với USD, kể cả khi kinh tế nước này đã tăng trưởng 11,9% trong quý 1 vừa qua.

Sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc “có thể trở nên trầm trọng hơn bởi sự yếu kém của khu vực sử dụng đồng Euro và các biện pháp gần đây của Bắc Kinh nhằm kiểm soát thị trường bất động sản”, Brian Jackson, chiến lược gia của Royal Bank of Canada, nhận định.

Tuy nhiên, theo ông, “sự sụt giảm của PMI trong tháng 5 dẫu là một dấu hiệu về đà tăng trưởng chậm lại, nhưng Trung Quốc vẫn phải đối mặt với những nguy cơ tăng trưởng quá nóng ở nhiều khu vực khác của nền kinh tế”.

Phát biểu tại Tokyo hôm 31/5, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo cho rằng, thế giới cần thận trọng trước khả năng xảy ra một đợt suy giảm kinh tế thứ hai. Còn theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Tạ Học Nhân hôm 28/5, Trung Quốc sẽ tiếp tục chính sách tài khóa tiên phong để củng cố đà hồi phục.

Nhiều báo cáo về tình hình sản xuất trên thế giới trong tháng 5 cho thấy có dấu hiệu tăng trưởng sản xuất toàn cầu có khả năng đã đạt tới đỉnh điểm và sẽ đi xuống. Tăng trưởng sản xuất tại Australia đã chậm lại, trong khi giới phân tích cho rằng, các báo cáo sẽ được đưa ra hôm nay tại Mỹ sẽ cho thấy lĩnh vực sản xuất đã yếu hơn, còn tại châu Âu thì không đổi.

Chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của Trung Quốc đã giảm 9,7% trong tháng 5/2010. Đây là tháng giảm mạnh nhất của chỉ số này tính từ tháng 8/2009, do lo ngại khủng hoảng nợ và chính phủ sẽ quản lý chặt hơn thị trường địa ốc. Chỉ số này đã giảm hơn 20% trong năm nay.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã giữ lãi suất cho khoản vay thời hạn một năm ở mức 5,31% và lãi suất tiền gửi ở mức 2,25% kể từ tháng 12/2008, nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng tài chính. Tỷ giá Nhân dân tệ được giữ ở mức 6,83 Nhân dân tệ/USD kể từ tháng 7/2008 để hỗ trợ các nhà xuất khẩu nội địa.

Trong một diễn biến khác, hôm 31/5, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) cho rằng, biện pháp hạn chế xuất khẩu một số nguyên liệu của Trung Quốc để bảo vệ tài nguyên có thể mang lại lợi thế cạnh tranh không công bằng cho các nhà sản xuất nội địa.

WTO đưa ra nhận xét trên trong báo cáo đánh giá chính sách thương mại của Trung Quốc trong 2 năm và cho biết các biện pháp hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc sẽ mang lại lợi thế cho các doanh nghiệp trong nước để giảm giá sản phẩm.

Trước đó, biện pháp hạn chế xuất khẩu nguyên liệu của Trung Quốc khiến Mỹ, Liên minh châu Âu và Mexico phản đối. Tháng 12/2009, WTO đã thành lập tổ chuyên gia để xử lý các tranh chấp này.

Theo WTO, từ khi gia nhập tổ chức này vào năm 2001, Trung Quốc tiếp tục mở cửa thị trường trong nước, nhưng việc giảm rào cản xuất khẩu của Trung Quốc sẽ không nhanh như giảm rào cản nhập khẩu.