07:39 26/02/2014

Kinh tế Trung Quốc phủ bóng đen lên giá dầu

Thanh Hải

Theo giới phân tích, mức 100 USD mỗi thùng hiện là ngưỡng cản tâm lý quan trọng của giá dầu thô thế giới

Theo dự báo của giới phân tích trong cuộc điều tra của Platts, lượng cung ứng dầu thô tuần qua đã tăng 1,5 triệu thùng - Ảnh: Cbr.<br>
Theo dự báo của giới phân tích trong cuộc điều tra của Platts, lượng cung ứng dầu thô tuần qua đã tăng 1,5 triệu thùng - Ảnh: Cbr.<br>
Giá dầu thô hợp đồng kỳ hạn đã giảm khá mạnh trong phiên giao dịch đêm qua (25/2), do chịu tác động bởi những dự đoán về sự đi xuống của kinh tế Trung Quốc, cũng như khả năng lượng cung dầu tại Mỹ tăng.

Cụ thể, chốt ngày 25/2, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 4 trên sàn giao dịch hàng hóa New York đã giảm 99 cent so với ngày hôm trước, tương ứng với mức giảm 1%, xuống còn 101,83 USD mỗi thùng. Đây là mức giá thấp nhất của dầu thô kỳ hạn loại này trong vòng hơn một tuần qua, theo số liệu thống kê của FactSet.

Theo giới phân tích, 100 USD là ngưỡng cản tâm lý quan trọng của giá dầu. Nếu trong vài phiên giao dịch tới, giá dầu chọc thủng ngưỡng này, thì đà đi xuống có thể còn kéo dài hơn nữa. Tất cả những điều này có thể xảy ra hay không đều phải dựa vào việc các báo cáo sắp tới có cho thấy lượng cung tăng lên hay giảm bớt.

Dự kiến, cuối phiên giao dịch 25/2 (giờ địa phương), Viện Dầu khí Mỹ sẽ công bố báo cáo đầu tiên về tình hình cung ứng năng lượng trong tuần qua. Tiếp đó, vào đầu ngày giao dịch tiếp theo (26/2, giờ địa phương), Cơ quan Thông tin Năng lượng thuộc Bộ Năng lượng Mỹ sẽ công khai những số liệu thống kê chính thức.

Hiện tại, theo dự báo của giới phân tích trong cuộc điều tra của Platts, lượng cung ứng dầu thô tuần qua đã tăng 1,5 triệu thùng, cung xăng giảm 1,5 triệu thùng, cung các chế phẩm khác từ dầu thô (bao gồm dầu sưởi) giảm khoảng 2 triệu thùng. Dự báo cung dầu thô tăng đã tác động khiến giá mặt hàng này hạ nhiệt đêm qua.

Cũng tác động mạnh không kém lên giao dịch dầu thô trong phiên 25/2 là những đồn đoán về tình hình kinh tế Trung Quốc. Theo giới phân tích, việc Ngân hàng Công nghiệp Trung Quốc tuyên bố kiềm chế các khoản vay mua bất động sản cho tới cuối tháng 3, đã làm tăng lo ngại về ảnh hưởng tới giá cả các loại hàng hóa.

Trung Quốc hiện là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai trên thế giới. Việc giá cả hàng hóa, bao gồm dầu thô, được dự báo đi xuống tại thị trường này, sẽ có ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình giao dịch chung trên các sàn quốc tế.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc đã giảm mạnh trong phiên giao dịch cùng ngày, chủ yếu là do xuất phát từ nỗi lo lắng trên. Tác động từ vấn đề này còn thể hiện rõ trên sàn London, khi giá dầu thô ngọt, nhẹ Brent Biển Bắc giao tháng 4 giảm mạnh 1,13 USD, tương ứng với mức giảm 1%, xuống còn 109,51 USD/ thùng.

Trở lại sàn giao dịch hàng hóa New York, kết thúc phiên 25/2, giá xăng giao tháng 3 giảm mạnh gần 4 cent, tương ứng với mức giảm 1,3%, xuống còn 2,80 USD mỗi gallon. Giá dầu sưởi giao cùng kỳ hạn đóng cửa phiên giao dịch tại mức 3,09 USD mỗi gallon, tăng gần 2 cent so với phiên liền trước, tương đương với 0,6%.

Trong khi đó, giá khí đốt kỳ hạn tháng 3 tiếp tục giảm mạnh, thêm 35 cent, tương ứng với mức giảm 6,4%, xuống còn 5,096 USD/ triệu BTU, mức thấp nhất kể từ phiên 12/2 cho tới nay. Phiên liền trước, giá khí đốt hợp đồng kỳ hạn bất ngờ giảm mạnh tới 69 cent, tương ứng với mức giảm 11% xuống dưới ngưỡng 6 USD.

Theo giới phân tích thị trường, nguyên nhân khiến giá khí đốt sụt giảm mạnh như vậy bất chấp tình hình thời tiết tiếp tục diễn biến xấu tại Mỹ, là do các quyền chọn hợp đồng tháng 3 sẽ chính thức hết hạn trong phiên giao dịch ngày 25/2. Các hợp đồng năng lượng giao tháng 3 khác cũng sẽ lần lượt hết hạn kể từ phiên 26/2.