17:27 29/05/2012

Kinh tế Trung Quốc sẽ chạm đáy trong tháng 6?

Hoài An

Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại quý thứ 6 liên tiếp, bất chấp nước này đã đẩy mạnh biện pháp hỗ trợ

Chỉ số quản lý sản xuất (PMI) chính thức của Trung Quốc có khả năng giảm xuống 52,2 điểm trong tháng 5.
Chỉ số quản lý sản xuất (PMI) chính thức của Trung Quốc có khả năng giảm xuống 52,2 điểm trong tháng 5.
Chỉ số quản lý sản xuất (PMI) chính thức của Trung Quốc có khả năng giảm xuống 52,2 điểm trong tháng 5. Điều đó cho thấy tăng trưởng của quốc gia này đang chậm lại quý thứ 6 liên tiếp, bất chấp Chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh biện pháp hỗ trợ kinh tế, theo điều tra của hãng tin Reuters công bố chiều nay (29/5).

Số liệu của Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố hôm 1/5 cho thấy, chỉ số PMI chính thức của nước này trong tháng 4 vừa qua đạt mức 53,3 điểm, cao nhất 13 tháng. Khu vực công nghiệp tăng trưởng mạnh mặc dù thấp hơn so với mức dự báo 53,6. Chỉ số phụ sản lượng công nghiệp tăng từ mức 55,2 trong tháng 3 lên 57,2 điểm trong tháng báo cáo.

Theo nhận định của chuyên gia phân tích Qinwei Wang đến từ Hãng Capital Economics, các hoạt động kinh tế của Trung Quốc đã bắt đầu phục hồi nhưng với tốc độ còn khá thấp. Chỉ số phụ lượng đơn hàng mới giảm từ 55,1 còn 54,5 điểm, trong khi chỉ số phụ lượng đơn đặt hàng xuất khẩu tăng từ 51,9 điểm trong tháng 3 lên 52,2 điểm.

Tuy nhiên, với ước tính trên đây của các chuyên gia phân tích trong cuộc điều tra dư luận do hãng tin Reuters tiến hành, thì chỉ số PMI tháng 5 còn giảm thấp hơn, nghĩa là hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đang theo đà đi xuống. Cùng với những số liệu kinh tế trước đó, hiện có nhiều lời đồn kinh tế Trung Quốc sẽ chạm đáy sớm nhất là trong tháng 6.

Từ quý 4/2011, tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ còn ở mức 8,9% và tiếp tục sụt giảm xuống ngưỡng 8,1% trong quý 1/2012, thấp nhất trong gần 3 năm và là quý giảm thứ 5 liên tiếp. Điều đó đã khiến một số nhà phân tích lo ngại kinh tế Trung Quốc vẫn chưa chạm đáy, dù khả năng nền kinh tế này “hạ cánh cứng” là khó xảy ra.

Theo Reuters, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp để kích thích đầu tư, bao gồm đẩy nhanh việc cấp phép các dự án cơ sở hạ tầng và công nghiệp then chốt, trợ cấp cho người mua các thiết bị gia dụng tiết kiệm năng lượng. Trong khi các ngân hàng mở rộng hoạt động cho vay khi chính phủ nhanh chóng chấp thuận các dự án đầu tư.

Tờ China Securities Journal tuần trước cho biết, Trung Quốc hy vọng sớm khởi công các dự án đã thông qua trong 2012 và nếu cần, không loại trừ tiến hành trước một năm chương trình đầu tư 2013. Nhà phân tích Dariusz Kowalczyk cho hay, đây là bằng chứng đầu tiên về những lời kêu gọi của Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã được quan tâm thực hiện.

Trước đó, Tân Hoa Xã cho biết Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo kêu gọi, cần phải phối hợp “một chính sách ngân sách năng động với một chính sách tiền tệ thận trọng, nhưng cùng lúc phải ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng”. Một trong những biện pháp cứu cấp là trợ cấp xây xa lộ và nhiều dự án xây dựng khác.

Hôm 12/5, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) giảm 0,5% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại từ 18/5. Theo đó, tỷ lệ dự trữ còn tối đa là 20% áp dụng với các ngân hàng lớn nhất. Đây là lần hạ thứ 3 trong 6 tháng qua của PBoC cho thấy thêm bằng chứng về việc nước này đang chuyển từ kiềm chế lạm phát sang thúc đẩy tăng trưởng.

Dự kiến, chỉ số PMI chính thức sẽ được Cơ quan Thống kê Trung Quốc công bố vào sáng thứ 6 tuần này (ngày 1/6/2012). Trong khi, chỉ số PMI tháng 5 tạm tính do ngân hàng HSBC công bố đứng ở mức 48,7 điểm, giảm từ con số 49,3 điểm trong tháng 4. Đây là tháng giảm thứ 7 liên tiếp của chỉ số kinh tế quan trọng này.