Kinh tế Vân Phong phát triển chưa đạt được như kỳ vọng
Vân Phong được nhìn nhận như một cô gái đẹp, nhưng đã “ngủ quên” nhiều năm. Với việc quy hoạch cảng Vân Phong xứng tầm, cùng đầu tư hàng loạt đường cao tốc đi qua, khu kinh tế Vân Phong hứa hẹn sẽ trở thành trọng điểm kinh tế của vùng.…
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa về việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 và định hướng phát triển Khu kinh tế Vân Phong, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhận xét: “Khánh Hòa vẫn chưa phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa chiến lược, địa kinh tế, về tài nguyên nguyên biển, đảo. Việc phát triển khu kinh tế Vân Phong chưa đạt được như kỳ vọng”.
Trong 5 năm qua, khu kinh tế Vân Phong chỉ đầu tư phát triển hạ tầng chưa đến 1.000 tỷ đồng, thu hút chỉ 41 dự án mới. Tính đến nay, tại khu kinh tế này có 153 dự án đầu tư, trong đó có 123 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký hơn 4 tỉ USD nhưng thực hiện chỉ 1,4 tỉ USD, đạt 33%.
Chỉ rõ thế mạnh, tiềm năng phát triển của Khánh Hòa còn rất lớn, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương lưu ý: “Khánh Hoà là tỉnh có đường bờ biển dài nhất Việt Nam với 385 km bờ biển, là tỉnh nằm trên trục giao thông Bắc Nam, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Cảng gần tuyến hàng hải quốc tế nhất ở Việt Nam, thuận lợi giao thông hàng hải và phát triển logistics, là tỉnh có các vịnh thuận lợi để khai thác cảng biển nước sâu, quy mô lớn như Vân Phong, Cam Ranh, Nha Trang, đặc biệt là, Khu kinh tế Vân Phong với những ưu thế vượt trội”.
"Quy hoạch cảng Vân Phong phải kết hợp với quy hoạch Khu kinh tế Vân Phong thì mới có thể trở thành cảng trung chuyển lớn được. Vì vậy, vừa quy hoạch cảng, vừa quy hoạch khu logistics. Chúng tôi sẽ cùng tỉnh Khánh Hòa làm quy hoạch cảng Vân Phong xứng tầm".
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật.
Đối với việc xây dựng cảng tại khu kinh tế Vân Phong, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật, qua nhiều nghiên cứu, cảng Vân Phong có tiềm năng lớn cho việc xây dựng cho một cảng trung tâm, cảng tổng hợp quốc gia, trung chuyển quốc tế loại 1A.
Cũng theo ông Trần Duy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư, lợi thế của Vân Phong là rất lớn. Không chỉ là cảng nước sâu, với luồng vào cảng 22m đảm bảo cho các loại tàu hàng lớn, mà còn có vị trí rất đắc địa, nằm trên tuyến hàng hải quốc tế đi châu Âu, Đông Bắc Á và Hoa Kỳ, vì vậy, “cần phát triển Vân Phong thành khu kinh tế thương mại tự do quốc tế gắn với cảng quốc tế nước sâu”, ông Đông khuyến nghị.
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật, tương lai Vân Phong rất sáng khi sẽ có hàng loạt tuyến đường cao tốc đi qua. Theo kế hoạch trung hạn 2021 - 2025, sẽ có hai dự án cao tốc qua khu vực Vân Phong, bao gồm Tuy Hòa - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang được quy hoạch 8 làn xe. Ngoài ra, còn dự án cao tốc Khánh Hòa - Đắk Lắk. Đáng chú ý, cao tốc Vân Phong - Nha Trang dự kiến khoảng 83km với tổng mức đầu tư gần 12.800 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng kết nối 3 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ.
“Chậm nhất là cuối tháng 6, một dự án thành phần khác của cao tốc Bắc Nam là Nha Trang - Cam Lâm sẽ được triển khai. Những dự án cao tốc giúp kết nối Vân Phong nói riêng, Khánh Hòa nói chung với toàn bộ khu vực, tạo động lực phát triển cho địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết. Theo đánh giá trong tương lai, nơi đây sẽ là một khu kinh tế lớn của vùng, vì vậy rất cần một hạ tầng giao thông tương xứng.