Kỹ năng quản trị doanh nghiệp hậu cổ phần hoá đang bộc lộ điểm yếu
Còn TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khẳng định: Kỹ năng quản trị doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần đang bộc lộ điểm yếu cơ bản
Nhấn mạnh việc cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước là vấn đề phá băng, mở màn, cốt lõi nhất của nền kinh tế, song, tại diễn đàn "Quản trị sự thay đổi và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh toàn cầu hoá" cuối tuần qua, TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thừa nhận, tiến độ cổ phần hoá chúng ta đã làm nhiều năm qua nhưng vẫn chậm chạp.
Chậm cổ phần hoá
Tính từ 1992 đến nay, số lượng doanh nghiệp nhà nước giảm từ 12.000 xuống còn khoảng 600 doanh nghiệp. Nhưng chủ yếu là doanh nghiệp lớn, độc quyền, Nhà nước vẫn giữ khoảng 90% vốn điều lệ.
Theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hoá ít nhất 85 doanh nghiệp trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017 chuyển sang. Tuy nhiên, đến ngày 18/11/2018 mới cổ phần hoá được 12 doanh nghiệp, khả năng không đạt được theo kế hoạch là đã rõ.
Tương tự, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, nhưng đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thoái vốn theo kế hoạch.
Tốc độ cổ phần hoá chậm dần, khó dần từ năm 2010 đến nay. Đặc biệt là ngày càng vướng phải những khó khăn mới do số doanh nghiệp nhà nước còn lại đều là những doanh nghiệp loại nhạy cảm, loại rất to, cỡ Tổng công ty, Tập đoàn, là các doanh nghiệp được đóng vai "chủ lực, chủ đạo" và từng được gọi là những "quả đấm thép" của Nhà nước.
Đối với những doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hoá trước đây cơ bản chỉ là những doanh nghiệp nhà nước thuộc cấp tỉnh, thành phố hay cấp bộ, ngành và là những doanh nghiệp loại nhỏ, vừa hoặc các cửa hàng mậu dịch quốc doanh bán hàng phân phối đã hết thời tồn tại...
TS. Nguyễn Đại Lai cho rằng, việc cổ phần hoá ở những doanh nghiệp này chủ yếu là phương pháp chia cổ phần cho người lao động và nhà nước theo thời gian công tác. Cổ phần hoá đơn giản là "biến hoá" doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần để Nhà nước cùng người lao động thu "tiền" về bằng cổ phần và cùng tồn tại.
Hậu cổ phần hoá không ai mất chức, mất việc và nếu rời doanh nghiệp trong độ tuổi lao động thì được Nhà nước "trả một cục" để đi tìm việc khác. Còn lực lượng lao động căn bản vẫn là những người cũ - vẫn vừa làm lãnh đạo, vừa làm thuê cho Nhà nước...
Tù mù quản trị doanh nghiệp hậu cổ phần hoá
Một vấn đề nữa được đặt ra tại diễn đàn là hậu cổ phần hoá, các doanh nghiệp sẽ được quan trị thế nào để giải phóng được sức ỳ và phát triển nguồn lực?
TS.Nguyễn Đại Lai cho rằng, vẫn còn rất tù mù cho các phương án tiền và hậu cổ phần hoá về tái cơ cấu, về công nghệ, thị trường; người lao động và đặc biệt là về kỹ nghệ quản trị doanh nghiệp cũng như sự được, mất của chúng ta sẽ ra sao sau cổ phần hoá những quả đấm thép này.
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn của Nhà nước bằng tiền và giá trị tài sản quy ra tiền đang nằm tại các doanh nghiệp mà Nhà nước có sở hữu từ 50% đến 100% vốn điều lệ là 5,4 triệu tỷ đồng, lớn hơn 126% GDP 2015 (4,256 triệu tỷ). Trong khi khu vực kinh tế Nhà nước chỉ tạo ra không nhiều hơn 30% GDP bình quân 5 năm qua.
Theo công bố chính thức của Tổng cục Thống kê, cơ cấu thành phần kinh tế làm ra GDP của Việt Nam năm 2015 là: Khu vực Nhà nước: 28,69%; Khu vực ngoài Nhà nước: 43,22%; Khu vực FDI: 18,07% Và thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm): 10,02%GDP. Cơ cấu này đến nay vẫn cơ bản không thay đổi đáng kể.
Còn TS.Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, khẳng định: Kỹ năng quản trị doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần đang bộc lộ điểm yếu cơ bản.
Hiện thế giới có hai cấp độ quản trị doanh nghiệp, một là không cần Ban kiểm soát và hai là có Ban kiểm soát nhưng kiểm soát độc lập, kiểm soát cả thành viên Hội đồng quản trị.
Các doanh nghiệp tại Việt Nam áp dụng hình thức thứ 2 nhưng Ban kiểm soát thuộc Hội đồng quản trị và không có nhiều quyền hạn và yếu kém năng lực kiểm soát nên dường như là tàng hình trong các vấn đề của doanh nghiệp Nhà nước.
"Các quyết sách vẫn nằm trong tay cổ đông lớn. Thậm chí quyền lực tập trung vào một người là chủ tịch Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, thế giới đã chứng minh rằng điều này là sai bởi vì tập trung quá nhiều quyền và việc làm vào một người sẽ bỏ quên tầm nhìn, chỉ tập trung vào sự vụ, sự việc", ông Lực nói.