10:47 15/02/2023

Kỷ nguyên iPhone "sản xuất tại Ấn Độ" sắp bắt đầu?

Ngọc Trang

Theo CNN, trong bối cảnh hãng công nghệ Mỹ Apple đang tìm kiếm các địa điểm bên ngoài Trung Quốc để đảm bảo chuỗi cung ứng quan trọng của mình, Ấn Độ nổi lên như một lựa chọn thay thế hấp dẫn. Và chính Ấn Độ - một đối thủ lớn của Trung Quốc trong khu vực - cũng không bỏ lỡ cơ hội...

Các mẫu iPhone 14 mới trưng bày tại một sự kiện của Apple trong khuôn viên trụ sở chính ở Cupertino, California, ngày 7/9/2022 - Ảnh: AP
Các mẫu iPhone 14 mới trưng bày tại một sự kiện của Apple trong khuôn viên trụ sở chính ở Cupertino, California, ngày 7/9/2022 - Ảnh: AP

Theo Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ Piyush Goyal, Apple đã sản xuất từ 5-7% sản phẩm tại Ấn Độ.

“Nếu tôi không nhầm, Apple đang đặt mục tiêu tăng sản lượng tại Ấn Độ lên tới 25% tổng sản lượng của họ”, ông Goyal cho biết tại một sự kiện vào tháng trước.

Bình luận của ông được đưa ra đúng thời điểm Foxconn - nhà thầu sản xuất theo hợp đồng hàng đầu của Apple - đang đẩy mạnh mở rộng hoạt động tại Ấn Độ sau thời gian bị gián đoạn nguồn cung nghiêm trọng tại Trung Quốc do các biện pháp phòng dịch Covid-19.

Trong suốt nhiều năm trước đó, Apple đã dựa vào mạng lưới sản xuất khổng lồ ở Trung Quốc để sản xuất hàng loạt iPhone, iPad và nhiều sản phẩm khác. Tuy nhiên, sự phụ thuộc này đã bị thử thách vào năm ngoái bởi chiến lược phòng dịch hà khắc Zero Covid của Bắc Kinh. Chiến lược này đã chấm dứt vào tháng 12/2022.

APPLE ĐAU ĐẦU Ở TRUNG QUỐC

Từ giữa năm 2022, Apple đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ. Nhưng một câu hỏi đặt ra là liệu nền kinh tế lớn thứ ba châu Á có thể đáp ứng nhu cầu của gã công nghệ khổng lồ Mỹ?

Công nhân tại một nhà máy của Foxconn tại huyện Zhongmu, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images.
Công nhân tại một nhà máy của Foxconn tại huyện Zhongmu, thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc - Ảnh: Getty Images.

“Về lý thuyết, Ấn Độ có thể đáp ứng, nhưng việc này không thể thực hiện trong một sớm một chiều”, ông Tarun Pathak, Giám đốc nghiên cứu tại Công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, nhận xét. “Sự phụ thuộc của Apple vào Trung Quốc là kết quả của gần 25 năm đầu tư phát triển toàn bộ hệ sinh thái sản xuất điện tử tại đây. Apple hiện sản xuất gần 95% điện thoại thông minh tại Trung Quốc”.

Tuy nhiên, đầu tháng này, Apple công bố báo cáo kết quả kinh doanh gây thất vọng, một phần do các vấn đề liên quan tới Trung Quốc. Rắc rối bắt đầu từ tháng 10 năm ngoái, khi công nhân nghỉ việc hàng loạt tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới do Foxconn điều hành vì bùng dịch Covid-19.

Thiếu lao động, Foxconn phải đưa ra các khoản thưởng lớn để thu hút công nhân. Tuy nhiên, biểu tình nổ ra vào tháng 11 khi những nhân viên mới được tuyển dụng nói rằng công ty không giữ lời hứa. Xung đột xảy ra giữa người lao động và nhân viên an ninh buộc công ty phải đề nghị trả tiền mặt cho những người để họ nghỉ việc và rời khỏi nhà máy.

Dù hoạt động “thành phố iPhone” ở Trịnh Châu, miền trung Trung Quốc của Foxconn hiện đã trở lại bình thường, các vấn đề về nguồn cung đã ảnh hưởng đến nguồn cung iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max trong mùa mua sắm quan trọng dịp lễ vừa qua.

Trong khi đó, quan hệ Mỹ-Trung ngày càng căng thẳng. Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã doanh nghiệp Mỹ bán con chip tiên tiến và thiết bị sản xuất chip cho các công ty Trung Quốc nếu không có giấy phép.

“Tôi cho rằng Apple sẽ tiếp tục phụ thuộc đáng kể vào Trung Quốc trong sản xuất”, giáo sư Willy Shih của Trường Kinh doanh Harvard, nhận định. “Nhưng điều mà họ đang cố gắng làm là đa dạng hóa nguồn cung của mình, để nếu có vấn đề xảy ra ở Trung Quốc, họ sẽ có sẵn các lựa chọn thay thế”.

Theo ông Shih, chiến lược này gọi là “Trung Quốc + 1 hoặc Trung Quốc + nhiều hơn 1”.

TRUNG QUỐC + 1 = ẤN ĐỘ?

“Với chúng tôi, Ấn Độ là một thị trường lớn đầy năng lượng và là một trọng tâm lớn”, CEO Apple Tim Cook phát biểu tại một sự kiện gần đây. “Về hoạt động kinh doanh ở Ấn Độ, chúng tôi đã lập kỷ lục doanh thu quý và tăng trưởng ở mức hai con số qua từng năm. Vì vậy, chúng tôi rất hài lòng về hiệu quả hoạt động của mình”.

Một nhân viên kiểm tra chất lượng camera của điện thoại di động tại một dây chuyền lắp ráp của Foxconn Technology Co., ở thành phố Sri, Andhra pradesh, Ấn Độ - Ảnh: Getty Images
Một nhân viên kiểm tra chất lượng camera của điện thoại di động tại một dây chuyền lắp ráp của Foxconn Technology Co., ở thành phố Sri, Andhra pradesh, Ấn Độ - Ảnh: Getty Images

Năm nay, Ấn Độ được dự báo sẽ vượt qua Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Lực lượng lao động dồi dào và giá rẻ của nước này, gồm cả lao động có tay nghề cao, là một sức hút lớn với các nhà sản xuất.

Nền kinh tế lớn thứ ba tại châu Á cũng sở hữu thị trường nội địa tăng trưởng không ngừng. Năm 2023, trong bối cảnh nỗi lo suy thoái toàn cầu vẫn hiện hữu, Ấn Độ được dự báo tiếp tục là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), nếu duy trì được các động lực tăng trưởng, Ấn Độ có thể trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới có tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 10 nghìn tỷ USD vào năm 2035.

Theo các nhà phân tích, cơ sở người tiêu dùng ngày càng tăng của Ấn Độ có thể giúp nước này có lợi thế hơn so với Việt Nam - quốc gia cũng đang thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất điện tử.

Thời gian qua, Chính phủ Ấn Độ đã tung ra nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện thoại di động. Theo ông Pathak của Counterpoint, Ấn Độ hiện chiếm 16% sản lượng điện thoại thông minh toàn cầu, trong khi tỷ trọng của Trung Quốc là 70%.

Những nỗ lực này đã mang lại thành công. Samsung, thương hiệu điện thoại thông minh bán chạy hàng đầu thế giới, cũng đã đẩy mạnh sản xuất điện thoại ở Ấn Độ.

Hãng điện tử khổng lồ Hàn Quốc thời gian qua cũng tăng cường đa đạng hóa địa bàn sản xuất khỏi Trung Quốc do chi phí lao động tại đây tăng lên và cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu nội địa Trung Quốc như Huawei, Oppo, Vivo và Xiaomi.

Samsung hiện sản xuất hàng loạt điện thoại ở Việt Nam và Ấn Độ, trong đó Ấn Độ chiếm khoảng 20% tổng sản lượng toàn cầu của hãng.

Năm 2018, Samsung xây dựng nhà máy - được mệnh danh là “nhà máy điện thoại lớn nhất thế giới” - tại Noida, gần thủ đô New Delhi. Giới phân tích cho rằng công ty Hàn Quốc đã mở đường để các nhà sản xuất khác dịch chuyển dây chuyền tới đây.

Apple hiện sản xuất sản phẩm tại Ấn Độ thông qua các nhà thầu làFoxconn, Wistron và Pegatron. Cho đến gần đây, công ty này thường bắt đầu lắp ráp các thiết bị của mình tại đây 7-8 tháng sau khi ra mắt. Nhưng điều này đã thay đổi vào năm ngoái, khi Apple bắt đầu sản xuất các mẫu iPhone 14 mới ở Ấn Độ chỉ vài tuần sau khi ra mắt.

Nhiều nhà thầu lớn của Apple cũng đã bơm nhiều tiền hơn vào Ấn Độ. Năm ngoái, Foxconn thông báo đã đầu tư 500 triệu USD vào cơ sở sản xuất tại Ấn Độ. Tuần trước, chính quyền bang Karnataka của Ấn Độ cho biết “đang thảo luận nghiêm túc về kế hoạch đầu tư” với Foxconn. Hiện tại, công ty Đài Loan đã có nhà máy tại hai bang Andhra Pradesh và Tamil Nadu của Ấn Độ.

“THẨM QUYẾN” CỦA ẤN ĐỘ NẰM Ở ĐÂU?

Tuy nhiên, việc sản xuất ở Ấn Độ cũng gặp không ít thách thức. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), sản xuất chỉ đóng góp 14% GDP của Ấn Độ và Chính phủ nước này đang chật vật để tăng tỷ lệ này.

“Một trong những điều mà Trung Quốc đã làm là xây dựng cơ sở hạ tầng ngay khi có thể. Còn Ấn Độ không làm được điều này”, ông Shih nói, đề cập đến đường cao tốc, bến cảng và các tuyến giao thông cho phép hàng hóa luân chuyển dễ dàng.

Ảnh chụp từ trên không tàu điện ngầm Mumbai trên đường cao tốc Western Express, tại Mumbai, Ấn Độ ngày 26/7/2022 - Ảnh: Getty Images
Ảnh chụp từ trên không tàu điện ngầm Mumbai trên đường cao tốc Western Express, tại Mumbai, Ấn Độ ngày 26/7/2022 - Ảnh: Getty Images

Bên cạnh đó, khi sản xuất tại Ấn Độ, Apple cũng đối mặt với nhiều rào cản về thủ tục hành chính do nạn quan liêu nếu muốn xây dựng những cơ sở sản xuất khổng lồ theo kiểu Trung Quốc ở đây.

“Liệu Ấn Độ có thể sao chép phiên bản Thẩm Quyến của Trung Quốc không?” ông Pathak đặt câu hỏi, đề cập đến Thẩm Quyến - một trung tâm sản xuất hàng đầu của Trung Quốc. “Việc xây dựng những ‘điểm nóng’ sản xuất như vậy không hề dễ dàng và đòi hỏi Ấn Độ phải giải quyết các vấn đề từ hậu cần, cơ sở hạ tầng cho tới nguồn lao động”.

Ông Pathak cũng cho rằng Ấn Độ cần tính toán xa hơn so với việc chỉ lắp ráp iPhone thông qua các chính sách ưu đãi của chính phủ.

“Nước này phải cung cấp các nguồn linh kiện trong nước, đồng nghĩa sẽ phải thu hút thêm nhiều công ty mở cơ sở sản xuất và tham gia chuỗi cung ứng tại Ấn Độ”, ông nói.

Nhiều tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ có thể đã vào cuộc. Theo Bloomberg, tập đoàn đa ngành Tata Group hiện đang thảo luận với Wistron để tiếp quản nhà máy của công ty Đài Loan ở miền Nam Ấn Độ.

Mặc dù New Dehli vẫn đối mặt nhiều rào cản lớn trong tham vọng làm sâu sắc hơn mối quan hệ với Apple, nhưng việc này sẽ là một động lực lớn cho quốc gia Nam Á và chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi.

“Tôi cho rằng đây là một thắng lợi vô cùng lớn”, ông Pathak nói, “Mối quan hệ sản xuất ngày càng sâu sắc của Ấn Độ với các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Apple sẽ giúp Ấn Độ thu hút thêm nhiều công ty toàn cầu tham gia vào hệ sinh thái sản xuất điện tử của nước này. Chỉ cần tập trung vào những công ty lớn, những công ty khác sẽ làm theo”.