08:01 15/07/2011

Kỳ vọng QE3 tắt ngấm, giá vàng thế giới cao kỷ lục

Đắc Nguyễn

Giá vàng tăng phiên thứ 9 liên tiếp, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đập tan kỳ vọng về gói định lượng thứ 3 (QE3)

Giá vàng quốc tế tăng phiên thứ 9 liên tiếp.
Giá vàng quốc tế tăng phiên thứ 9 liên tiếp.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẵn sàng bơm thêm tiền để thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, nhưng thời điểm đó hiện chưa tới, Chủ tịch FED Ben Bernanke tuyên bố trong ngày điều trần thứ hai trước Quốc hội Mỹ hôm 14/7.

Ông Bernanke cũng cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Mỹ phải ghi nhớ rằng, sự hồi phục kinh tế Mỹ vẫn ở mức mong manh khi xem xét hành động giảm nợ và thâm hụt. Theo ông, trong tương lai gần, hồi phục kinh tế Mỹ vẫn khá bấp bênh và việc cắt giảm mạnh mẽ thâm hụt có thể tác động xấu tới hồi phục.

Thông tin này ngay lập tức phản ánh lên kết quả giao dịch của thị trường chứng khoán Mỹ, xóa bỏ mọi cố gắng phục hồi trong phiên một ngày trước đó. Đồng thời, đây cũng là yếu tố giúp thị trường vàng quốc tế thiết lập mức cao kỷ lục mới trong lịch sử.

Kết thúc ngày giao dịch 14/7, giá vàng giao ngay tăng nhẹ 0,3% lên 1.586,11 USD/ounce, trong khi giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 3,8 USD lên 1.589,3 USD/ounce.

Michael Gapen, chuyên gia kinh tế trưởng tại Barclays Capital, cho rằng, tuyên bố của ông Bernanke đã khiến thị trường cảm thấy thất vọng. "Thị trường đã nghĩ quá lên rằng những gì ông Bernanke phát biểu hôm 13/4 đồng nghĩa với việc sắp có gói định lượng thứ 3 - QE3”, ông này nói.

Trước đó, trong phát biểu ngày 13/7, Chủ tịch FED cho biết, trong trường hợp kinh tế Mỹ phải đối mặt với tăng trưởng chậm hơn và lạm phát tăng cao hơn, FED sẵn sàng nới lỏng thêm chính sách tiền tệ để hỗ trợ. Điều này đã khiến các chuyên gia kinh tế Trung Quốc lo ngại về khả năng QE3 sẽ được đưa ra.

Theo chuyên gia kinh tế Yu Bin của Trung Quốc, kinh tế Mỹ tăng trưởng kém hơn kỳ vọng và Chính phủ Trung Quốc cần đánh giá lại một cách nghiêm túc về những rủi ro khi nắm giữ quá nhiều nợ Mỹ. Ông này cho rằng, các chương trình QE tác động xấu tới Trung Quốc bởi làm giá trị đồng USD suy yếu và đẩy giá hàng hóa lên cao.

Cũng liên quan tới kinh tế Mỹ, công bố ngày 14/7 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số người dân nước này nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần qua đã hạ xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2011. Chỉ số giá sản xuất tháng 6 giảm trong khi chỉ số niềm tin người tiêu dùng và doanh số bán lẻ tháng 6 tăng nhẹ.

Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Hy Lạp cần có thêm gói cứu trợ khoảng 100 tỷ Euro (gần 150 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU) và các nhà cho vay tư nhân để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Trong báo cáo đề cập đến việc cứu trợ Athens, IMF cho biết thể chế tài chính đa phương này sẽ tiếp tục thực hiện chương trình cứu trợ tài chính cho Hy Lạp, song cảnh báo nước này sẽ trải qua một cuộc suy thoái trầm trọng hơn trong năm 2011 với nền kinh tế được dự báo sẽ giảm tới 3,9% GDP, cao hơn nhiều so với ước tính 3% trước đó.

Mặc dù Athens đã đáp ứng được một số tiêu chí trong chương trình khắc khổ theo yêu cầu của EU và IMF, nhưng núi nợ khổng lồ 350 tỷ euro vẫn đang được xem là thách thức lớn đối với nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn này.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao cho rằng khó có thể tổ chức Hội nghị thượng đỉnh bất thường của EU vào cuối tuần này do các nhà lãnh đạo tài chính Khu vực đồng euro (Eurozone) chưa thu hẹp được những bất đồng lớn về gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp.

Cũng liên quan đến cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu, IMF đã kêu gọi Italia sớm thực hiện cắt giảm nợ công trong bối cảnh quốc hội nước này dự kiến thông qua kế hoạch "thắt lưng buộc bụng" có tổng giá trị 48 tỷ Euro (67 tỷ USD) nhằm trấn an các mối quan ngại trên thị trường.

IMF lo ngại rằng, kế hoạch điều chỉnh kinh tế của Italy dường như quá lạc quan về hiệu quả của các biện pháp củng cố tài chính đối với tăng trưởng. Theo IMF, nếu không có sự điều chỉnh tài chính sau năm 2012, nợ công của Italy về dài hạn vẫn có thể ở mức trên 100% GDP.

Những lo ngại về tình hình nợ công tại châu Âu như trên đang gây sức ép lên thị trường xăng dầu. Kết thúc phiên New York đêm qua, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 8 giảm 2,36 USD/thùng xuống 95,69 USD/thùng, dù đầu phiên lên tới 98,88 USD/thùng.

Trước đó, trên sàn giao dịch điện tử Singapore chiều 14/7, giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng 8 tới tăng 7 xu lên 98,12 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ lại giảm 30 xu xuống 118,48 USD/thùng.

Victor Shum, chuyên gia phân tích thuộc công ty tư vấn năng lượng Purvin and Gertz nhận định, tuần vừa qua ghi dấu tuần thứ sáu liên tiếp kho dự trữ dầu của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến - một dấu hiệu cho thấy nhu cầu năng lượng của Mỹ đang được cải thiện, cho dù tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao.

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, trong tuần trước, dự trữ dầu thô của nước này giảm 3,1 triệu thùng, cao gấp đôi so với con số dự báo của các chuyên gia phân tích. Cùng kỳ, dự trữ xăng giảm 800.000 thùng, do trong tuần có ngày Quốc khánh (4/7) thường là thời kỳ nhộn nhịp nhất đối với mùa du lịch của Mỹ.

Mới đây Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã lên tiếng cảnh báo rằng thị trường dầu mỏ cần thêm nguồn cung trong quý 3 năm nay, cho dù Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng và IEA đã mở kho dự trữ chiến lược trong tháng Sáu vừa qua.

Quyết định của IEA nhằm bù đắp cho nguồn dầu bị cắt từ Libya và hỗ trợ kinh tế thế giới trong bối cảnh giá dầu leo thang. Trong một báo cáo mới đây, IEA đánh giá nhu cầu dầu mỏ toàn cầu đang trong giai đoạn "bùng nổ".

Theo thông báo của Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu, lạm phát tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ở mức 2,7% trong tháng 6, cao hơn so với con số 1,5% cùng kỳ năm trước. Đây là tháng thứ 7 liên tiếp lạm phát trên mức trần 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).

Nếu tính chung toàn châu Âu, tỷ lệ lạm phát năm giảm từ 3,2% hồi tháng 5 xuống 3,1%. Cùng kỳ năm trước, tỷ lệ này là 1,9%. Trong số 27 nước thành viên Liên minh châu Âu, Thụy Điển là nước có lạm phát thấp nhất với 1,5%, trong khi lạm phát tại Romania là cao nhất với 8%.

Cũng liên quan tới vấn đề lạm phát, hãng tin Bloomberg cho hay, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6 của Ấn Độ lên tới 9,44% so với cùng kỳ, khiến ngân hàng trung ương nước này có khả năng phải tiếp tục nâng lãi suất cơ bản. Tuy nhiên, con số 9,44% vẫn thấp hơn so với ước tính của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Bloomberg.

Trong đó, lạm phát giá thực phẩm tăng lên 8,31%, mức cao nhất trong 3 tuần kết thúc vào ngày 2/7. Một chuyên gia kinh tế của Yes Bank tại Mumbai cho biết, khả năng ngân hàng trung ương Ấn Độ sẽ tăng lãi suất thêm 0,25% lên 7,75%. Kể từ đầu năm ngoái tới nay, quốc gia này đã nâng lãi suất 10 lần.

6 tháng đầu năm nay, doanh thu tài chính của Trung Quốc tăng 31% so với cùng kỳ, lên đến 5.690 tỷ Nhân dân tệ, nâng mức thặng dư lên 1.250 tỷ Nhân dân tệ (193,3 tỷ USD). Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế ổn định và giá cả tăng cao, giúp tăng nguồn thu của Chính phủ.

Tuy nhiên, giới phân tích dự báo, doanh thu tài chính có thể giảm trong những tháng tới do tăng trưởng kinh tế chậm lại và Trung Quốc cải cách hệ thống thuế thu nhập. Chi phí tài chính quốc gia trong tháng 6 đã tăng 33% so với cùng kỳ, lên 1.080 tỷ Nhân dân tệ.