18:30 26/06/2023

Kỳ vọng sức bật mới từ thương mại và đầu tư Hàn Quốc

Anh Nhi

Cùng với những dự án “khủng” đang được các tập đoàn Hàn Quốc xem xét đầu tư vào Việt Nam, dòng chảy thương mại từ Hàn Quốc cũng đang cùng nhịp và chưa bao giờ mạnh mẽ đến như thế...

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Hàn thu hút sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp hai nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung, LG, SK...
Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Hàn thu hút sự tham gia của hơn 500 doanh nghiệp hai nước, trong đó có nhiều doanh nghiệp hàng đầu của Hàn Quốc như Samsung, LG, SK...

Hơn 100 doanh nghiệp Hàn Quốc và Việt Nam đã ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác (MOU) tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Hàn diễn ra chiều ngày 23/6/2023. 

Theo ông GiTaek Jung, Giám đốc điều hành Công ty Shinwoo – công ty chuyên cung cấp nguồn nguyên liệu thông đỏ hạng A của dòng sản phẩm Royal Korea Redpine tại Việt Nam, việc ký hàng loạt MOU sẽ tạo ra sức bật mới cho làn sóng thương mại và đầu tư từ Hàn Quốc vào Việt Nam trong thời gian tới.

SỨC HÚT TỪ TIỀM NĂNG THỊ TRƯỜNG

Ông GiTaek Jung cho biết Việt Nam đang trở thành thị trường được các doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt quan tâm tại khu vực Đông Nam Á.

“Cách đây vài năm, Việt Nam là thị trường được nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn, song mức độ không quá lớn. Nhưng đến nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc nhận thấy sức hút từ tiềm năng phát triển của Việt Nam, do vậy làn sóng doanh nghiệp Hàn Quốc tiến vào Việt Nam đang tăng mạnh”, ông Jung nói.

Vì thế, sau 5 năm kết hợp với VHPGinseng Việt Nam để đưa dòng sản phẩm tinh dầu thông đỏ vào thị trường, lần này, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Hàn, Shinwoo tiếp tục tái ký MOU về phân phối độc quyền sản phẩm để cùng đối tác mở rộng thị trường thông qua việc đẩy mạnh kênh quảng bá sản phẩm cũng như tìm hiểu nhu cầu thực tế của người dùng để từ đó có những sản phẩm phù hợp hơn với người Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, bà Vũ Thị Thu, Giám đốc Công ty TNHH FASO cho biết sau loạt ký 2 MOU với 2 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Diễn đàn lần nay, FASO kỳ vọng sản lượng hàng hóa giao thương giữa doanh nghiệp hai bên sẽ tăng gấp đôi trong thời gian tới, từ mức 15 container/năm lên 30 conatiner/năm.

“Hợp tác kinh tế Việt Nam – Hàn Quốc ngày càng được chú trọng. Vì thế, doanh nghiệp hai nước đang được hưởng lợi nhờ các giải pháp tạo thuận lợi thương mại, khai báo hải quan hay thuế quan…”, bà Thu cho biết.

Điều đáng nói, không chỉ trong lĩnh vực thương mại, dòng vốn đầu tư từ Hàn Quốc cũng được kỳ vọng gia tăng sau sự kiện lần này.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), các nhà đầu tư Hàn Quốc sẽ tiếp tục đổ hàng tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian tới.  “Chúng tôi có danh sách mấy chục dự án đang chờ, có dự án vài trăm triệu USD, nhưng cũng có dự án cả tỷ USD. Chúng tôi sẽ sớm có những thông tin mới về các dự án này”, ông Đỗ Nhất Hoàng tiết lộ.

Trong khoảng 6-7 năm trở lại đây, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng tốc mạnh mẽ, hiện tại Hàn Quốc đang là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký khoảng 81,5 tỷ USD.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.
Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc.

“Năm ngoái, Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam gần 5 tỷ USD, nhưng 5 tháng đầu năm, chỉ có hơn 666 triệu USD. Tuy nhiên, con số này không phản ánh đúng thực trạng đầu tư của Hàn Quốc”, ông Hoàng lý giải và cho biết các tập đoàn lớn của Hàn Quốc vẫn đang hướng đến Việt Nam và ấp ủ các dự án lớn, dù đang cẩn trọng quan sát tình hình. Thực tế, nếu xét về số vốn sau 5 tháng thì Hàn Quốc đang đứng thứ 5 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng xét về số dự án, Hàn Quốc đang dẫn đầu cả về số dự án mới (chiếm 17,4%), số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 25,2%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 28,5%).

HƯỚNG TỚI DÒNG VỐN ĐẦU TƯ CHẤT LƯỢNG CAO

Sở dĩ dòng vốn FDI từ Hàn Quốc vào Việt Nam liên tục tăng là do Chính phủ đang thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết về nhân lực, năng lượng, đất đai… cho nhà đầu tư.

Hiện tại, để thu hút “đại bàng”, Việt Nam đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách mới trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu dự kiến được áp dụng tại một số quốc gia từ đầu năm 2024.

“Cùng với đó, chúng tôi vẫn thực thi các cơ chế ưu đãi đầu tư đặc biệt cho các dự án trong các lĩnh vực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, bán dẫn, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao…”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Chia sẻ của ông Hoàng nhận được sự đồng thuận từ các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc. Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết Samsung  đang có kế hoạch mở rộng nguồn cung ứng từ các doanh nghiệp Việt Nam để bảo đảm chuỗi cung ứng ổn định cho nhà máy sản xuất, cũng như tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của tập đoàn.

“Với triết lý tương sinh cùng phát triển, Samsung sẽ tiếp tục đồng hành cùng Việt Nam trong hỗ trợ chuyên gia tư vấn, xây dựng nhà máy thông minh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và từng bước tham gia chuỗi giá trị toàn cầu cho doanh nghiệp Việt Nam”, ông Choi nói.

Đề cập tới chủ đề chuyển đổi net-zero, đại diện Tập đoàn Doosan Enerbility cho biết nếu Việt Nam có nhu cầu, Doosan sẵn sàng tham gia vào dự án phát triển điện quy mô lớn. "Chúng tôi mạnh trong triển khai các dự án điện khí, điện gió", Doosan cho biết.

Doosan đã đầu tư vào Việt Nam từ 15 năm trước tại khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với tổng số vốn là 3 triệu USD.
Doosan đã đầu tư vào Việt Nam từ 15 năm trước tại khu kinh tế Dung Quất, Quảng Ngãi với tổng số vốn là 3 triệu USD.

Đại diện Tập đoàn Boston Counsulting Group (BCG) lại đề cập sâu tới việc hợp tác trong tăng trưởng xanh và năng lượng sạch. Theo vị này, mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là một lộ trình đầy thách thức với Việt Nam; do vậy, cần sự phối hợp và hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ để thúc đẩy chuyển đổi trên toàn quốc.

“Các cơ hội mới từ các ngành công nghiệp trọng yếu sẽ không được khai thác triệt để nếu không có nỗ lực lớn nhằm huy động các nguồn lực cần thiết. Để có thể giải quyết các nút thắt và đẩy mạnh tăng trưởng xanh, cần thực hiện các giải pháp quan trọng trong ngắn hạn để tạo dựng một môi trường hợp tác cho các đối tác tư nhân và quốc tế”, đại diện BCG cho biết.

Theo BCG, nhóm ngành xanh ưu tiên có cơ hội mới tại Việt Nam là những ngành như điện gió, mặt trời, các dự án khí hydro, giao thông sạch, ngành có giải pháp công nghiệp xanh… trong đó, sản xuất điện và giải pháp công nghiệp xanh là hai ngành có triển vọng lớn nhất.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng Shinhan bày tỏ mong muốn trở thành cầu nối cho việc chuyển đổi số của các doanh nghiệp, cũng như sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực fintech ở Việt Nam phát triển.

“Ngày càng có nhiều doanh nghiệp startup quy mô lớn dần do vậy cần kết hợp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, giữa các startup Việt Nam với Hàn Quốc. Chúng tôi hy vọng sẽ là đối tác hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số cho Việt Nam và sẵn sàng làm câu nối cho các doanh nghiệp fintech”, vị đại diện Shinhan bày tỏ.

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 25-2023 phát hành ngày 19-06-2023. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Kỳ vọng sức bật mới từ thương mại và đầu tư Hàn Quốc - Ảnh 1