17:21 10/07/2021

Kỳ vọng vào đợt giảm lãi suất cho vay trong tháng 7/2021

Trong khi các ngân hàng vẫn liên tục "khoe" lãi cao thì tình hình kinh doanh của của các doanh nghiệp vẫn vô cùng khó khăn...

Nhiều ngân hàng "nổ" lợi nhuận cao trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn do đại dịch
Nhiều ngân hàng "nổ" lợi nhuận cao trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn do đại dịch

Nhiều doanh nghiệp vay vốn ngân hàng đã đến kỳ trả nợ gốc và lãi nhưng không có khả năng trả đúng hạn. Với áp lực tài chính cộng thêm tình hình dịch bệnh phức tạp, khó khăn kéo dài sẽ đẩy đa số doanh nghiệp vào tình trạng phá sản. Họ đang rất cần được hỗ trợ khoanh nợ, giảm lãi suất để vượt qua giai đoạn này.

NGÂN HÀNG LÃI LỚN, DOANH NGHIỆP LỖ NẶNG

Báo cáo ước tính kết quả kinh doanh quý 2/2021 của 33 doanh nghiệp trong phạm vi nghiên cứu của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, tiếp đà tăng trưởng, nhóm ngân hàng dự kiến tiếp tục bứt phá lợi nhuận.

Cụ thể, MSB được dự báo dẫn đầu mức tăng trưởng lợi nhuận trong quý 2/2021. Ước tính lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 đạt 1,65 nghìn tỷ đồng, tăng 141% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 lợi nhuận trước thuế đạt 2,8 nghìn tỷ đồng, tăng 187% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ 10,5% so với đầu năm, cũng như NIM được cải thiện do lãi suất huy động thấp và nguồn tiền bổ sung từ phí trả trước của thỏa thuận bancassurance độc quyền được ký kết gần đây với Prudential. Thu nhập quý 2/2021 bao gồm khoảng 500 tỷ đồng phí trả trước bancassurance từ Prudential.

ACB có mức tăng trưởng lợi nhuận đứng thứ 2, ước tính lợi nhuận trước thuế quý 2/2021 dự kiến tăng trưởng 58% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận diễn biến ấn tượng được giải thích bởi tăng trưởng tín dụng tăng 19% - 20% và NIM nới rộng so với cùng kỳ. Hoạt động bancassurance vẫn phát triển mạnh, với mức phí bảo hiểm tương đương hàng năm (APE) thuộc Top 3 trên thị trường. 

Tương tự, cùng tăng trưởng 58% còn có VIB và TCB. Hay như tại VPBank, ngân hàng mẹ tại đây có thể đạt lợi nhuận trước thuế cao từ 3,5 đến 4 nghìn tỷ đồng tăng 66 đến 90% so với cùng kỳ. Thậm chí, mặc dù lợi nhuận trước thuế dự kiến sẽ giảm sâu đối với FeCredit do gánh nặng trích lập dự phòng lớn nhưng VPBank vẫn có thể đạt lợi nhuận trước thuế khoảng 4,5 nghìn tỷ đồng tăng 23% so với cùng kỳ.

Kỳ vọng vào đợt giảm lãi suất cho vay trong tháng 7/2021 - Ảnh 1

Trái với bức tranh của ngành ngân hàng, nhiều doanh nghiệp dự kiến lỗ, lợi nhuận tiếp tục suy giảm do dịch bệnh. Đơn cử, Công ty Cổ phần Dịch vụ Hàng không Taseco dự kiến sẽ lỗ 35 tỷ đồng trong quý 2/2021, kéo dài giai đoạn khó khăn sang quý thứ 5 liên tiếp do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Nhóm nghiên cứu tại SSI cũng ước tính, Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 dự kiến lợi nhuận sau thuế quý 2/2021 giảm hơn 40% so với cùng kỳ do sản lượng phát điện thấp (-23% so với cùng kỳ), chi phí khí đầu vào cao (+ 26% so với cùng kỳ) và giá PPA điều chỉnh giảm. Do nhu cầu yếu ảnh hưởng của dịch Covid-19 và nguồn cung dồi dào từ các nhà máy năng lượng mặt trời của đối thủ cạnh tranh.

 

Giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm; trong đó, đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%; có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5%-2%/năm, áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7-2021 (Hội Doanh nhân trẻ). 

Trước tình hình khó khăn, Hội Doanh nhân trẻ đã có văn bản đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có chỉ đạo để hỗ trợ doanh nhân trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Cụ thể, thứ nhất, đề xuất Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm có chỉ đạo để rà soát lại những khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 

Thứ hai, với các khoản nợ đến kỳ hạn phải trả gốc và lãi, cho phép doanh nghiệp bị ảnh hưởng Covid-19 có hợp đồng tốt và lịch sử trả nợ tốt, đúng hạn, được khoanh nợ đến tháng 6/2022 mà không bị phạt và đưa vào nhóm nợ xấu. 

Thứ ba, đề xuất giảm đồng loạt lãi suất mọi khoản vay hiện tại của doanh nghiệp 2% trong ít nhất 1 năm; trong đó, đề xuất ngân sách bù 1% và ngân hàng thương mại chịu 1%; có giải pháp giảm lãi suất cho vay từ 1,5%-2%/năm, áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7-2021. 

Thứ tư, hỗ trợ nguồn vốn vay cho doanh nghiệp thông qua ngân hàng từ nguồn ngân sách Nhà nước, quỹ phát triển nghiệp nhỏ và vừa đồng thời giảm 50% các chi phí liên quan đến ngân hàng (phí chuyển tiền, phí quản lý tài khoản, phí duy trì tài khoản...) cũng áp dụng cho 12 tháng kể từ tháng 7/2021.

LÃI SUẤT SẼ SỚM GIẢM?

Mới đây, tại cuộc họp trực tuyến để bàn các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế trước tác động của đại dịch Covid-19, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, dịch bệnh kể từ khi bùng phát tới nay gần 18 tháng, đã tác động lớn đến nền kinh tế nói chung và hoạt động ngân hàng nói riêng. Đại dịch vẫn còn diễn biến rất phức tạp nên câu chuyện vừa phòng, chống dịch nhưng vẫn bảo đảm được khôi phục, đạt mục tiêu kinh tế là nhiệm vụ kép rất lớn của Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương.

Thực tế, doanh nghiệp đã và đang gặp rất nhiều khó khăn và theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường không phải nhỏ do sức chống chịu không còn. Theo Phó Thống đốc, Nhà nước đã và đang rất nỗ lực để đưa ra nhiều giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong đó, ngành Ngân hàng có thể được xem là một kênh hỗ trợ doanh nghiệp rất tích cực thời gian vừa qua. Như việc Ngân hàng Nhà nước đã khẩn trương vào cuộc ngay khi dịch bùng phát, kịp thời ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN, sau đó là Thông tư 03/2021/TT-NHNN (sửa đổi, bổ sung Thông tư 01), tái cơ cấu, giãn hoãn các khoản vay dư nợ và lãi vay đến hạn, giảm lãi suất, phí, cùng nhiều cơ chế chính sách khác, hệ thống ngân hàng đã triển khai hỗ trợ doanh nghiệp rất thiết thực, giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, bên cạnh những chính sách của Nhà nước về hỗ trợ về thuế, bảo hiểm, an sinh xã hội…

Tuy nhiên, Phó Thống đốc cũng cho rằng, cho tới thời điểm này, dịch vẫn tiếp tục phức tạp, doanh nghiệp vẫn tiếp tục và ngày càng khó khăn hơn, khả năng chống chịu suy giảm. Vì thế, năm 2021 này vẫn cần có những hỗ trợ mạnh mẽ, tích cực và trách nhiệm hơn nữa của tất cả các ngân hàng trong việc tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ, hỗ trợ lãi suất theo tinh thần chỉ đạo của Thống đốc ngay từ đầu năm và theo chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

“Để thực hiện Nghị quyết 63, Ngân hàng Nhà nước đã và đang xây dựng chương trình hành động, trong đó đặt ra các nội dung theo đúng tinh thần Nghị quyết để làm sao Nghị quyết được triển khai khẩn trương, quyết liệt và nhanh chóng đi vào cuộc sống”, ông Tú nói.

 

Theo cập nhật của VnEconomy, ngày 9/7, Ngân hàng Nhà nước đã mời 4 đơn vị gồm: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank họp và chỉ đạo phải giảm các lãi suất cho vay, các loại phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Đầu tuần tới, các đơn vị này sẽ họp và báo cáo Ngân hàng Nhà nước mức giảm cụ thể. 

Đồng thời, Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, mọi hoạt động của ngân hàng phải làm sao hài hòa song hành giữa 2 mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, song vẫn đảm bảo an toàn một cách cao nhất cho hệ thống ngân hàng nói chung và cho từng tổ chức tín dụng nói riêng, không chỉ trong ngắn hạn mà còn trong trung và dài hạn.

Cũng tại buổi họp, Ngân hàng Nhà nước đã giao Hiệp hội Ngân hàng vận động sự đồng thuận của các tổ chức tín dụng để giảm lãi suất với những mức cụ thể ngay trong tháng 7/2021 này.