11:11 27/10/2011

Lại sắp vào mùa phạt doanh nghiệp chậm công bố thông tin?

Minh Tâm

Hết thời hạn công bố báo cáo tài chính quý 3, cả hai sàn mới có trên dưới 360 doanh nghiệp nghiêm chỉnh chấp hành đúng hạn

Nhà đầu tư cần được các doanh nghiệp niêm yết tôn trọng từ những vấn đề nhỏ nhất, như công bố thông tin đúng hạn và minh bạch.
Nhà đầu tư cần được các doanh nghiệp niêm yết tôn trọng từ những vấn đề nhỏ nhất, như công bố thông tin đúng hạn và minh bạch.
Con số thống kê đến 25/10 của HSX thì mới có 173 công ty niêm yết và 5 quỹ niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 3. Thống kê chung các báo cáo đã công bố, cũng chỉ mới có trên dưới 360 doanh nghiệp công bố đúng hạn.

Đủ thứ lý do trời ơi

Văn bản mới nhất gửi đi xin gia hạn công bố báo cáo tài chính quý 3/2011 là của Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (CMX). Lý do đưa ra là công ty đang chuyển đổi sở hữu. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước đang bán cổ phần tại CMX cho nhà đầu tư mới. Ban lãnh đạo công ty đang trong giai đoạn chuyển giao cho nhà đầu tư mới, công tác kiểm kê đối chiếu số liệu bàn giao đã làm cho công việc báo cáo tài chính quý 3 không đúng như thời gian quy định. CMX xin gia hạn tới trước ngày 22/11/2011.

Chưa rõ HSX sẽ phản hồi lý do chậm chễ của CMX thế nào, nhưng lý do nghe qua đã không thuyết phục. Việc bàn giao, thoái vốn không thể làm ngày một ngày hai. Cơ cấu tổ chức phải lường trước những công việc cần tiến hành tiêu tốn thời gian, bổ sung nhân lực để có hướng giải quyết, không làm ảnh hưởng đến việc lập báo cáo tài chính quý.

HSX cách đây vài hôm đã bác nhiều văn bản xin chậm nộp báo cáo tài chính quý 3. Lý do mà những doanh nghiệp này đưa ra thật không thể “trời ơi” hơn. TIE hôm 21/10 xin lùi thời hạn nộp báo cáo tài chính quý 3 đến 31/10/2011 vì lãnh đạo đi công tác nước ngoài nên không thể ký báo cáo. Văn bản phản hồi không chấp nhận của HSX khá mềm mỏng cho rằng lý do mà công ty đưa ra không thuộc trường hợp bất khả kháng và “đề nghị quý công ty khẩn trương hoàn thành và công bố theo đúng quy định”. Không hiểu lãnh đạo TIE “đùng một cái” đi công tác, hay có kế hoạch từ trước mà không biết rằng bao năm nay đều phải ký báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 vào những ngày này? Chả lẽ lãnh đạo không thể có một hình thức ủy quyền nào khác?

Lỗi phần mềm là lý do khác rất trùng hợp giữa ANV và CMT. ANV hôm 18/10 đã “khẩn trương” báo cáo phần mềm sự cố ngoài ý muốn chưa thể khắc phục được nên chưa tập hợp được số liệu của các công ty con và xin lùi đến 25/11. CMT đến 24/10 mới báo cáo phần mềm lỗi phải cài lại và xin gia hạn đến 4/11. Không hiểu một công ty công nghệ mà để lỗi phần mềm cài lại không được thì các công ty khác phải “chật vật” đến đâu? Dĩ nhiên cả hai công ty này đều bị bác lý do.

Một lý do khác có lẽ thuộc loại phổ biến nhất được TIC đưa ra là ngày 21/10 là “đến nay vẫn chưa nhận được đầy đủ số liệu từ các đơn vị hợp tác liên doanh nên chưa hoàn tất được báo cáo tài chính”. Trong số hàng trăm doanh nghiệp niêm yết, có nhiều doanh nghiệp lớn, đơn vị trực thuộc nhiều, rải rác khắp nơi mà vẫn hoàn thành kịp thì rõ ràng lý do của TIC khó chấp nhận.

Cứ phạt là xong?

Cách đây chỉ chừng một tháng, Ủy ban Chứng khoán đã mạnh tay xử phạt hàng chục doanh nghiệp chậm công bố thông tin với tổng tiền lên tới cả tỷ đồng. Từ giữa tháng 10 tới nay, Ủy ban lại “rả rích” phạt tiếp cả chục công ty nữa với lý do tương tự. Đây là đợt xử phạt hiếm có và khá mạnh tay với mong muốn chấn chỉnh lại hoạt động công bố thông tin vốn từ lâu hình thành tập quán “làm cho có”, miễn cưỡng tuân thủ quy định trong một bộ phận lớn doanh nghiệp.

Với thống kê sơ bộ chỉ 50% doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý 3/2011 đúng hạn, có lẽ tới đây cơ quan quản lý sẽ lại “mỏi tay” ký các văn bản xử phạt mới. Một điều khá lạ là rất nhiều doanh nghiệp vừa bị phạt hàng loạt tháng trước vẫn chưa đủ “cảnh tỉnh” các doanh nghiệp khác? Một điều cũng cần nhấn mạnh là yêu cầu mới của cơ quan quản lý là việc xử phạt hành chính sẽ hướng đến quy trách nhiệm cá nhân, chứ không phải doanh nghiệp cứ lấy tiền của cổ đông ra để nộp. Nhưng điều này giám sát thế nào vẫn chưa rõ. Nên chăng cơ quan quản lý cũng công bố công khai những cá nhân chịu trách nhiệm, phải bỏ tiền túi ra nộp phạt, cho cổ đông “mát lòng mát dạ”.

Các chế tài “cứng” bằng hình thức phạt tiền có lẽ khó mạnh hơn được nữa do hạn chế bởi các quy định pháp lý. Tuy nhiên các chế tài “mềm” đánh vào uy tín của doanh nghiệp trong con mắt của cổ đông vẫn còn nhiều dư địa. Nên chăng các Sở có thể công bố một danh sách các công ty vi phạm quy định công bố thông tin, đặc biệt nhấn mạnh tới những công ty tái phạm nhiều lần. Lịch sử tái phạm nhiều lần chắc chắn khiến nhà đầu tư cảnh giác hơn với doanh nghiệp, cũng như có cơ sở gây sức ép, tạo sự thay đổi trong tác phong quản trị doanh nghiệp.