09:00 01/04/2008

Lãi suất cho vay ngược chiều lãi suất huy động vốn

Nguyễn Hà

Các ngân hàng thương mại đã huy động vốn với lãi suất cao sẽ phải tiếp tục cho vay với lãi suất cao

Vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại đã dư dật, vốn dự trữ bảo đảm thanh toán đã khá.
Vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại đã dư dật, vốn dự trữ bảo đảm thanh toán đã khá.
Từ ngày 2/4/2008, theo thoả thuận giữa các ngân hàng thương mại thành viên ở khu vực phía Bắc thuộc Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam thì trần lãi suất huy động vốn VND kỳ hạn 12 tháng giảm xuống 11%/năm thay cho mức 12%/năm hiện nay; kỳ hạn 6 tháng còn 10,5%/năm.

Vì sao đồng thuận hạ trần lãi suất huy động vốn?

Trong hơn một tháng qua, các ngân hàng thương mại đã nhận ra rằng, cuộc chạy đua tăng lãi suất chỉ làm cho vốn chạy lòng vòng từ ngân hàng thương mại này sang ngân hàng thương mại khác bởi tổng nguồn vốn của tất cả các ngân hàng thương mại tăng không nhiều so với trước đó, làm tăng chi phí đầu vào trong hoạt động tín dụng của mỗi ngân hàng thương mại và "làm khó lẫn nhau".

Đây cũng là lý do thứ nhất tạo ra sự đồng thuận nhanh chóng giữa các ngân hàng thương mại trong lần họp vào ngày 24/3/2008 của các ngân hàng thương mại về việc cần phải hạ trần lãi suất huy động vốn.

Lý do thứ hai là vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại đã dư dật, vốn dự trữ bảo đảm thanh toán đã khá. Trong ngày 17/3/2008, các ngân hàng thương mại đã nộp đủ 20.300 tỷ đồng mua tín phiếu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước rồi. Đến nay các thông tin chính thức được công bố cho hay Ngân hàng Nhà nước không tăng thêm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như dự kiến đưa ra trước đó.

Đồng thời các ngân hàng thương mại cũng tin tưởng Ngân hàng Nhà nước không áp dụng thêm bất cứ quyết định nào nhằm thắt chặt tiền tệ nữa. Tại buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước vào chiều ngày 15/3, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước hạn chế việc đưa ra các biện pháp can thiệp hành chính quá dồn dập vào thị trường tiền tệ như vừa qua, nên chắc chắn sẽ không có thêm quyết định can thiệp hành chính nào vào thị trường tiền tệ.

Lý do thứ ba là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã hạ nhiệt, mặc dù trong 3 tháng đầu năm vẫn tăng tới hơn 9%. Dự báo của các chuyên gia ngân hàng thương mại trong tháng 4 và 5/2008 mức tăng CPI sẽ giảm so với mức tăng của 3 tháng đầu năm 2008, nên việc giảm lãi suất huy động vốn vẫn cho phép huy động được khối lượng vốn đáng kể vì mức lãi suất 10,5% - 11%/năm đang có xu hướng cao hơn tỷ lệ lạm phát.

Lý do thứ tư là thị trường bất động sản và thị trường vàng đã hạ nhiệt. Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh và đang phục hồi chậm. Vốn nhàn rỗi trước đây được đầu tư vào các lĩnh vực đó thì nay được chuyển sang gửi ngân hàng thương mại vì lãi suất rất hấp dẫn, làm cho áp lực vốn khả dụng của ngân hàng thương mại giảm, áp lực huy động vốn giảm, tạo điều kiện giảm lãi suất huy động vốn.

Lãi suất cho vay chưa thể giảm ngay

Song mặc dù trần lãi suất huy động vốn giảm, nhưng lãi suất cho vay chưa có cơ sở giảm.

Bởi vì thời gian qua, các ngân hàng thương mại phải huy động vốn với lãi suất cao, nên tiếp tục phải cho vay cao thì mới đảm bảo được năng lực tài chính. Dự báo ít nhất phải sau một tháng nữa, lãi suất cho vay vốn mới có điều kiện giảm.

Đồng thời lãi suất cho vay vốn có giảm hay không còn tuỳ thuộc vào cạnh tranh thu hút khách hàng cho vay trong thời gian tới diễn ra như thế nào.

Đặc biệt, còn có một số nhân tố quan trọng khác làm cho việc lãi suất cho vay chưa có điều kiện giảm.

Đó là để kiểm soát chặt chẽ khối lượng tiền trong lưu thông nhằm kiềm chế lạm phát, mà theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính phối hợp chuyển toàn bộ số tiền gửi 52.778 tỷ đồng của Kho bạc Nhà nước từ các chi nhánh ngân hàng thương mại Nhà nước về chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố.

Hiện nay, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã về cơ bản thống nhất ấn định tháng 6/2008 là thời điểm sẽ rút toàn bộ số tiền đó từ ngân hàng thương mại Nhà nước đem gửi tập trung tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố theo đúng Luật Ngân hàng Nhà nước.

Tình hình đó làm cho các ngân hàng thương mại Nhà nước sẽ thiếu khoảng 25.000 tỷ đồng, gấp hơn 2,5 lần số tiền các ngân hàng thương mại Nhà nước phải mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước trong đợt nộp tiền 17/3/2008 vừa qua. Bởi vậy, một mặt các ngân hàng thương mại Nhà nước rút tiền và hạn chế cho vay ngân hàng thương mại cổ phần, mặt khác phải tăng cường thêm thanh khoản của mình, vốn khả dụng đã căng thẳng rồi lại càng khan hiếm hơn.

Dự báo, đến cuối năm 2008 thị trường tiền tệ mới trở lại bình thường, lãi suất cho vay VND mới có thể giảm đáng kể.

* Theo quy định tại Khoản 1, Điều 176, Bộ luật Dân sự đã nói rõ: "Lãi suất cho vay do các bên thoả thuận nhưng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố đối với loại cho vay tương ứng". Như vậy hiện nay lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố chỉ có 8,75%/năm, tính ra lãi suất cho vay không được vượt quá 13,125%/năm; trong khi lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại cổ phần cũng do Ngân hàng Nhà nước thông báo thì ngắn hạn tới 18,42%, trung dài hạn tới 21,85%/năm.