10:53 30/07/2007

Lãi suất tiền gửi và dư nợ USD tăng, vì sao?

Từ tháng 3 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất huy động USD và dư nợ ngoại tệ cao hơn dư nợ VND

Doanh nghiệp thích vay ngoại tệ hơn bởi tính trong lãi suất tương quan với vay VND và tỉ giá hối đoái, vay bằng ngoại tệ có lợi hơn.
Doanh nghiệp thích vay ngoại tệ hơn bởi tính trong lãi suất tương quan với vay VND và tỉ giá hối đoái, vay bằng ngoại tệ có lợi hơn.
Từ giữa tháng 3 đến nay, nhiều ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất huy động USD với mức từ 0,05%-0,57%/năm. So với cuối năm 2006, tốc độ tăng dư nợ ngoại tệ của hệ thống ngân hàng cũng cao hơn dư nợ VND (tương ứng 19% &13%).

Có nhiều lý giải được nêu ra, nhưng một số nguyên nhân thực sự thì ít được đề cập đến.

Ngân hàng cổ phần: Thiếu nguồn ngoại tệ

Đợt điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi lần này chủ yếu do các ngân hàng thương mại cổ phần tham gia. Đầu tiên là các ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội như Quân Đội, Đông Nam Á, Quốc Tế, Kỹ Thương...

Từ tháng 6 đến nay, các ngân hàng thương mại cổ phần ở Tp.HCM như Phương Nam, Nam Á... cũng gia nhập cuộc đua.

Một số ngân hàng thương mại cổ phần khác tuy không tăng lãi suất nhưng thực hiện các chương trình khuyến mãi (tặng quà) để thu hút tiền gửi USD. Đây là hiện tượng khá lạ trong bối cảnh FED tiếp tục giữ nguyên lãi suất USD ở mức 5,25% (khả năng sẽ duy trì đến cuối năm) và lãi suất thị trường quốc tế về cơ bản ít biến động.

Điều này có thể lý giải là do các ngân hàng đang có dấu hiệu thiếu nguồn vốn ngoại tệ. Nếu tính chung toàn hệ thống thì tỉ lệ sử dụng vốn trên vốn huy động ngoại tệ chưa phải là căng thẳng (Hà Nội hiện chỉ 61,3%). Tuy nhiên, riêng khối các ngân hàng thương mại cổ phần tỉ lệ này hiện đã lên tới 82%.

Tài sản nợ ngoại tệ (đã quy đổi VND) của 8 ngân hàng thương mại cổ phần Hà Nội là 12,9 nghìn tỉ đồng nhưng tài sản có đã là 13,7 nghìn tỉ. Từ cuối năm 2006 đến nay gần như các ngân hàng thương mại cổ phần không tăng được nguồn ngoại tệ huy động, thậm chí tại khu vực Hà Nội còn giảm 2%.

Nguyên nhân do người dân chọn gửi VND lãi suất cao hơn còn các doanh nghiệpkinh doanh xuất nhập khẩulớn có ngoại tệ lại chủ yếu quan hệ với các ngân hàng thương mại nhà nước. Để có nguồn vốn ngoại tệ, các ngân hàng thương mại cổ phần chỉ còn cách tăng lãi suất tiền gửi.

Doanh nghiệp thích vay bằng USD?

Tốc độ tăng dư nợ USD hiện đang khá cao được cho là do hai nguyên nhân: doanh nghiệp đẩy mạnh nhập hàng hoá và đến thời hạn giải ngân cho các dự án lớn nhập khẩu thiết bị... Tuy nhiên, đây chưa phải là lý do chính.

Nhu cầu vay ngoại tệ của các dự án lớn được giải ngân theo tiến độ chứ không dồn vào giữa năm. Việc nhập khẩu các nguyên vật liệu, nhiên liệu thiết yếu thường xuyên cho sản xuất thì doanh nghiệp có kế hoạch chủ động từ lâu.

Các dự án lớn, các doanh nghiệp lớn thường là khách hàng của ngân hàng thương mại Nhà nước, vì nhu cầu nhập khẩu không tăng đột biến nên trong 3 tháng gần đây các ngân hàng thương mại Nhà nước vẫn cân đối được cung-cầu vốn ngoại tệ và hầu hết các ngân hàng thương mại Nhà nước chưa tăng lãi suất tiền gửi USD.

Về nhu cầu nhập khẩu bình thường thì theo thông tin từ một số phòng tín dụng, quý II hàng năm luôn là thời điểm nhu cầu vay ngoại tệ của doanh nghiệp thấp nhất và nhu cầu chỉ tăng từ cuối quý III.

Hơn nữa, hiện giá nhập khẩu của một số nguyên vật liệu rất cao nên thường doanh nghiệp chỉ nhập khẩu lô nhỏ, còn lại tìm cách mua/bán hàng tồn trong nước có lợi hơn. Nhiều cán bộ tín dụng ngân hàng cho biết dư nợ ngoại tệ tăng hiện nay chủ yếu là do doanh nghiệp thích vay bằng ngoại tệ. Tính trong lãi suất tương quan với vay VND và tỉ giá hối đoái thì vay bằng ngoại tệ lợi hơn, nhất là trong bối cảnh lãi suất cho vay VND cao như hiện nay.

Tốc độ tăng dư nợ ngoại tệ mạnh hiện nay đã dấy lên sự nghi ngờ về việc các ngân hàng đã bắt tay với doanh nghiệp để cho vay ngoại tệ không đúng đối tượng được quy định. Theo Quyết định 966/2003/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tính dụng, ngoài những khách hàng có nguồn thu ngoại tệ để trả nợ thì tổ chức tính dụng được phép cho vay các nhu cầu vốn ngắn hạn mà khách hàng không có nguồn thu ngoại tệ nhưng được các tổ chức tính dụng cam kết bán ngoại tệ hoặc có hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn để trả nợ vay.

Bản thân các ngân hàng cũng không thiệt gì khi cho doanh nghiệp vay ngoại tệ.

Một giám đốc ngân hàng nói: "Ngân hàng huy động được ngoại tệ thì họ cũng phải cho vay bằng ngoại tệ. Cho vay nội tệ hay ngoại tệ thì hiệu quả như nhau. Lãi suất huy động ngoại tệ thấp thì ngân hàng cho vay thấp. Chưa kể cho vay bằng ngoại tệ ngân hàng còn có nguồn ngoại tệ do doanh nghiệp bán lại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn sử dụng các sản phẩm phái sinh khác của ngân hàng như bao thanh toán, các hợp đồng mua ngoại tệ kỳ hạn, quyền lựa chọn tiền tệ, tư vấn... ngân hàng thu được thêm phí".

Ngân hàng thương mại Nhà nước: Bị kéo vào cuộc

Mặc dù chủ yếu mới chỉ có các ngân hàng thương mại cổ phần tăng lãi suất tiền gửi ngoại tệ, nhưng để duy trì sức cạnh tranh và giữ khách hàng, có khả năng một số ngân hàng thương mại Nhà nước cũng phải tính đến việc điều chỉnh lãi suất.

Việc tăng lãi suất huy động USD sẽ dẫn đến tăng lãi suất cho vay USD, làm cho hàng loạt các dự án có hợp đồng tín dụng vay ngoại tệ đã ký những năm trước với mức lãi suất thấp trở nên khó giải ngân (lãi suất trung và dài hạn thường là lãi suất thả nổi).

Chi phí trả lãi tăng lên trong trung hạn với các dự án ký hợp đồng tín dụng thời điểm này. Bên cạnh đó lãi suất ngoại tệ tăng cao sẽ là gánh nặng đối với các doanh nghiệpnhỏ và vừa, khu vực có ý nghĩa quyết định đến tăng xuất khẩu và phát triển bền vững của nền kinh tế.

* Tỉ giá bình quân trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng cuối năm 2006 là 16.091 đồng/USD, cuối tháng 6 năm 2007 là 16.131 đồng/1USD. Nếu một doanh nghiệp có nhu cầu vay ngắn hạn để sản xuất kinh doanh trong nước vào thời điểm cuối năm 2006 thì họ chọn vay USD với lãi suất 6,7%/năm thay vì vay VND với mức lãi suất 12,4%/năm. Đến cuối tháng 6.2007, doanh nghiệp dùng tiền đồng mua USD trả nợ ngân hàng. Số tiền lãi vay USD mà doanh nghiệp phải trả (quy ra VND) chỉ bằng khoảng 60% so với mức lãi phải trả nếu vay VND.