12:44 07/02/2009

Lại thêm 3 ngân hàng Mỹ bị giải thể

Mai Phương

Ba ngân hàng của Mỹ vừa trở thành nạn nhân tiếp theo của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế

Ba ngân hàng của Mỹ vừa trở thành nạn nhân tiếp theo của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.

Từ đầu năm 2009 tới nay, số ngân hàng Mỹ bị đóng cửa đã là 9 ngân hàng.

Theo Tập đoàn Bảo hiểm tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC), các ngân hàng vừa bị đóng cửa bao gồm ngân hàng FirstBank Financial Services ở bang Georgia, ngân hàng Alliance Bank và ngân hàng County Bank of Merced cùng có trụ sở ở bang California.

FDIC cho biết, tính tới cuối tháng 12/2008, FirstBank có tổng tài sản trị giá 337 triệu USD và nắm giữ lượng tiền gửi của khách là 279 triệu USD.

Theo sắp xếp của FDIC, Ngân hàng Regions Bank có trụ sở ở bang Alabama sẽ tiếp quản lại FirstBank. Hiện Regions Bank đã đồng ý mua lại khoảng 17 triệu USD tài sản của FirstBank. Thứ Hai tuần tới, toàn bộ 4 chi nhánh của First Bank sẽ mở cửa trở lại với tư cách là chi nhánh của Regions Bank.

Sau khi Ngân hàng Alliance Bank  bị đóng cửa, Ngân hàng California Bank & Trust cũng có trụ sở ở bang California đã đồng ý tiếp quản toàn bộ lượng tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng đổ vỡ này.

Số liệu của FDIC cho thấy, Alliance Bank có tổng tài sản trị giá 1,14 tỷ USD và lượng tiền gửi của khách hàng là 951 triệu USD. California Bank & Trust đã đồng ý mua lại 1,12 tỷ USD tài sản của Alliance Bank với mức chiết khấu 9,9 triệu USD.

5 văn phòng của Alliance Bank cũng sẽ mở cửa trở lại vào thứ Hai tuần tới với tư cách là chi nhánh của ngân hàng mua lại.

Ngân hàng còn lại bị đóng cửa đợt này là County Bank of Merced ở California có tài sản 1,7 tỷ USD và lượng tiền gửi của khách hàng là 1,3 tỷ USD. Ngân hàng Westamerica Bank of San Rafael ở cùng bang đã đồng ý tiếp quản toàn bộ tài khoản tiết kiệm của khách hàng và mua lại toàn bộ tài sản của ngân hàng bị đóng cửa này.

FDIC cho hay, toàn bộ 39 văn phòng của County Bank sẽ trở thành chi nhánh của Westamerica và sẽ mở cửa trở lại vào Chủ Nhật tuần này và thứ Hai tuần tới.

Gộp chung, 3 vụ giải thể ngân hàng này tiêu tốn của quỹ bảo hiểm tiền gửi liên bang 452 triệu USD.

So với năm ngoái, tốc độ đổ vỡ của các ngân hàng ở Mỹ đang tăng cao gấp đôi. Từ đầu năm 2009 tới nay, bình quân, gần 2 ngân hàng đổ vỡ mỗi tuần. Năm 2008, có 25 ngân hàng ở Mỹ bị “xóa sổ”.

(Theo CNN)