06:05 06/07/2011

Làm ăn ở Trung Quốc ngày càng khó

An Huy

Nhiều công ty đang tính chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam

Lương công nhân tại Trung Quốc đã tăng mạnh so với trước đây.
Lương công nhân tại Trung Quốc đã tăng mạnh so với trước đây.
Cùng với đà đi lên của tỷ giá Nhân dân tệ và lương công nhân ở Trung Quốc, các công ty Mỹ đang hoạt động tại đây phải cân nhắc nhiều biện pháp để bù đắp sự tăng giá này. Nhiều công ty đang tính chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam, theo báo Wall Street Journal.

Trong vòng 2 năm trở lại đây, tiền lương tính theo giờ mà hãng giày và thời trang thể thao Brooks Sports trả cho công nhân tại Trung Quốc đã tăng gấp rưỡi. Giá hàng xuất cũng tăng theo sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ, khiến công ty phải thúc đẩy các kế hoạch sản xuất hàng tại các khu vực khác của châu Á.

Giám đốc hoạt động của Brooks, ông David Bohan, tiết lộ với Wall Street Journal rằng, công ty đang tính sử dụng các đối tác Trung Quốc hiện có đang xây dựng nhà máy ngoài Trung Quốc, cũng như các đối tác mới ở Indonesia và Việt Nam.

Bằng cách chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc, Brooks sẽ tiết kiệm được chi phí sản xuất và xuất khẩu, nhưng ông Bohan cho biết, công ty cũng còn phải tính toán kỹ trước khi thực hiện kế hoạch này. Trong số những mối lo lớn nhất liên quan tới việc chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc là chất lượng và năng suất của công nhân, cũng như mức độ thuận tiện về giao thông và nhà cung cấp ở nơi chuyển đến.

Theo ông Bohan, do các vấn đề về hậu cần, phải mất từ 1 năm đến 1 năm rưỡi để bắt đầu sản xuất ở Indonesia hay Việt Nam, một khi công ty chọn được đối tác ở các nước này. Ở thời điểm hiện tại, Brooks tính sẽ tăng giá một số sản phẩm và đành lòng chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận ở một số sản phẩm khác.

Tháng trước, tỷ giá Nhân dân tệ tăng mạnh so với đồng USD do Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) nâng tỷ giá tham chiếu, một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng mạnh tay nâng giá đồng tiền hơn so với những gì thị trường kỳ vọng nhằm mục đích kiểm soát lạm phát. Trong vòng một năm tính đến ngày 6/5, tỷ giá Nhân dân tệ trên thị trường Thượng Hải đã tăng 5,7%, giao dịch ở mức 6,4599 Nhân dân tệ đổi 1 USD.

Từ lâu, các chính trị gia Mỹ đã liên tục gây sức ép đòi Trung Quốc thả nổi tỷ giá. Giới quan sát phương Tây vẫn cho rằng, đồng Nhân dân tệ được định giá quá thấp so với giá trị thực, tạo thế cạnh tranh không bình đẳng cho hàng hóa Trung Quốc trên thị trường quốc tế.

Đồng Nhân dân tệ tăng giá càng khiến giá nhân công ở Trung Quốc thêm phần đắt đỏ. Công ty United Technologies (UTC) có trụ sở ở bang Connecticut, Mỹ, chuyên sản xuất máy bay trực thăng Sikorsky, thang máy Otis và thiết bị điều hòa không khí Carrier, là một công ty nữa đối diện thách thức này khi làm ăn tại Trung Quốc. Giám đốc tài chính Greg Hayes của UTC cho hay, họ có 17.000 công nhân tại Trung Quốc, và trong 5 năm qua, tiền lương trả cho đội ngũ này đã tăng gấp đôi.

Theo ông Hayes, đề phòng giá nhân công còn tiếp tục tăng, UTC dự định sẽ tăng cường sử dụng các thiết bị tự động trong các nhà máy của hãng tại Trung Quốc. Chẳng hạn, UTC đã đưa vào sử dụng máy gắn linh kiện để thay thế một số công nhân trong nhà máy lắp ráp thiết bị phát hiện khói ở Quảng Châu.

Tuy có mức giá đắt nhưng thiết bị này giúp tiết kiệm nhân công và tăng năng suất. Ông Hayes hy vọng, tự động hóa sẽ giúp UTC giảm số lao động sử dụng tại Trung Quốc trong bối cảnh tiền lương liên tục tăng.

Ngoài ra, UTC cũng đang cân nhắc việc chuyển sản xuất sang Việt Nam và Malaysia vì Trung Quốc đã trở nên kém sức cạnh tranh hơn trên phương diện chi phí sản xuất. Nhưng theo ông Hayes, chuyển sản xuất cũng có thể gây nhiều tốn kém về thời gian và tiền bạc, cũng như đặt công ty vào thế bị động trước những thay đổi tỷ giá. “Rất khó để chuyển nhà máy đi trừ phi giá nhân công ở đây tăng quá nhanh”, ông Hayes cho biết.

Hãng thiết kế và sản xuất thiết bị âm thanh Harman International Industries sử dụng 25% số linh kiện từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Khi hết hạn các hợp đồng cung cấp hiện nay, mức giá mới được áp dụng sẽ tăng lên, nên Harman đang tìm kiếm nhà cung cấp ở các nước khác. Giám đốc điều hành (CEO) Dinesh Paliwal của Harman cho hay, bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của hãng cũng đang tìm cách thay thế một số linh kiện vốn vẫn mua từ Trung Quốc.

Ngoài ra, Harman còn tìm cách giúp các nhà cung cấp Trung Quốc của hãng chuyển nhà máy tới những địa phương nơi tiền lương không tăng quá mạnh, chẳng hạn khu vực phía Tây của nước này.

Tuy nhiên, vói niềm tin là tăng trưởng doanh thu sẽ vượt sự gia tăng chi phí tại thị trường Trung Quốc, Harman vẫn đang mở rộng mạnh mẽ hoạt động tại thị trường này. Mùa hè năm nay, hãng mở thêm hai nhà máy mới và thuê thêm 1.100 công nhân ở Trung Quốc

Trên thực tế, đồng Nhân dân tệ tăng giá có thể là một lợi thế cho tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh ở nước này, đồng thời là cơ hội cho các công ty đa quốc gia có sản phẩm và dịch vụ phục vụ tầng lớp này. Theo số liệu của Bộ Thương mại Mỹ, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã đạt mức 92 tỷ USD trong năm 2010, tăng hơn gấp đôi so với mức 41 tỷ USD đạt được vào năm 2005.

Trung Quốc hiện là một trong những thị trường tăng trưởng nhanh nhất của hãng sản xuất thiết bị thanh toán điện tử VeriFone Systems. Ông Doug Bergeron, CEO của VeriFone, cho rằng, điều này xuất phát từ việc người Trung Quốc ngày càng giàu lên và sử dụng nhiều thẻ tín dụng hơn. Tuy vậy, ông Bergeron cho biết, với chi phí đầu vào tăng, công ty của ông sẽ phải tăng giá sản phẩm xuất đi từ Trung Quốc để tránh sự giảm sút của tỷ suất lợi nhuận.