Làm gì để xử lý điểm nghẽn của cánh đồng liên kết?
Việc triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn liên kết gặp một số khó khăn như lực lượng kỹ thuật mỏng, kinh phí hỗ trợ đầu vào hầu như không có
Để ngành lúa gạo Việt Nam phát triển bền vững, cấp thiết phải "xây dựng vùng nguyên liệu lúa theo mô hình Liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ" và mô hình cánh đồng lớn liên kết được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát động ngay từ năm 2010. Doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân và lãnh đạo các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực vào cuộc xây dựng, và đã gặt hái được nhiều kết quả. Nhờ đó, nông dân đã bán được lúa với giá tốt, và xuất khẩu gạo cũng đã tăng trưởng khá tốt.
Song, qua thực tiễn phát triển, mô hình cánh đồng lớn liên kết tại Đồng bằng sông Cửu Long cũng bộc lộ một số khó khăn, hạn chế và trở ngại lớn nhất là đồng vốn.
Mô hình cánh đồng lớn liên kết chỉ chiếm khoảng 3%
Mặc dù có một số doanh nghiệp rất tích cực trong việc triển khai mô hình cánh đồng lớn liên kết nhưng do nguồn lực có hạn, thiếu vốn thu mua sản phẩm, đầu tư cho sấy, kho bãi, trong khi đó tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng rất khó khăn. Giá lúa luôn biến động theo mùa vụ cho nên ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng liên kết tiêu thụ.
Theo các chuyên gia, việc triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn liên kết gặp một số khó khăn như lực lượng kỹ thuật mỏng, kinh phí hỗ trợ đầu vào hầu như không có.
Hiện nay các cánh đồng lớn liên kết ở Đồng bằng sông Cửu Long do Tập đoàn Lộc Trời, Tổng công ty Cổ phần Lương thực Miền Nam và một số công ty lương thực lớn khác triển khai và được xem là mô hình mẫu, tạo được hiệu quả trong liên kết từ đầu vào đến đầu ra, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhưng khó nhân rộng là do mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân thời gian qua khó khăn nhiều hơn thuận lợi.
Việc xác định giá giữa doanh nghiệp và nông dân chênh lệch nhau. Các doanh nghiệp gặp khó trong hỗ trợ kỹ thuật, tổ chức thu mua, phơi sấy và tài chính. Hầu hết các doanh nghiệp đều vay vốn ngân hàng nên không có đủ tiền để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, chính vì vậy mà doanh nghiệp chưa thể triển khai mô hình rộng khắp vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hiện có trên dưới 3 triệu hecta đất trồng lúa, thì chỉ có khoảng 3% diện tích sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn liên kết, tương đương khoảng 90.000 ha; với diện tích như vậy mỗi năm Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đưa ra thị trường trên dưới 700.000 tấn gạo được chế biến từ lúa sản xuất ở cánh đồng lớn liên kết; quá ít!
Là doanh nghiệp được UBND tỉnh Kiên Giang thẩm định công nhận Cánh đồng liên kết của công ty đạt "Vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao" và luôn tăng trưởng cao về xuất khẩu nhưng công ty Trung An vẫn ở trong tình trạng xuất khẩu mang tính không bền vững, vì sao có nghịch lý này?
Ông Phạm Thái Bình, giám đốc công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, mỗi năm công ty xuất khẩu khoảng 130 ngàn tấn gạo chất lượng cao, tương đương 260.000 tấn lúa. Nhưng suốt từ năm 2012 đến nay công ty mới xây dựng được trên dưới 6.000 ha! Còn thiếu 14.000 ha cánh đồng lớn liên kết theo chuỗi giá trị so với nhu cầu.
Trên thị trường nội địa lẫn xuất khẩu nhu cầu gạo chất lượng cao là rất lớn và không riêng vì Trung An mà hết các doanh nghiệp đều không đủ gạo để bán. Nhưng do thiếu vốn để đầu tư nên doanh nghiệp không thể phát triển vùng nguyên liệu!
Cái khó "bó" cái khôn!
Trên thực tế, hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo đều không đủ vốn để đầu tư xây dựng mô hình cánh đồng lớn hoặc cánh đồng liên kết, vì trước đây các hộ nông dân tự lo vốn nhưng khi nông dân vào mô hình doanh nghiệp phải ký hợp đồng bao tiêu với nông dân, đầu vụ doanh nghiệp phải ứng trước vật tư đầu vào, như: giống lúa, phân và thuốc bảo vệ thực vật.
Đến khi thu hoạch nông dân giao lúa và doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ tiền lúa cho nông dân. Như vậy, nếu doanh nghiệp đầu tư 1.000 hecta sẽ nhận được 6.000 tấn lúa và để thanh toán 6.000 tấn lúa này doanh nghiệp cần có 30 tỷ đồng. Nếu đầu tư 10.000 hecta sẽ cần 300 tỷ đồng nếu 20.000 hecta phải cần đến 600 tỷ đồng để thanh toán tiền lúa cho nông dân trong vòng 20 ngày. Với lượng tiền lớn như vậy, ngân hàng nào cho doanh nghiệp vay?
Như vậy, rõ ràng ở đây điểm nghẽn của ngành hàng lúa gạo hiện nay là vốn. Để phát triển mô hình cánh đồng lớn hoặc cánh đổng liên kết cái chính là vốn, khi đã thiếu vốn doanh nghiệp sẽ không phát triển được vùng nguyên liệu.
Muốn xây dựng mô hình thành công doanh nghiệp phải có nguồn tiền để đầu tư, và nguồn vốn dành cho ngành hàng lúa gạo cần thay đổi, ngân hàng hàng có thể nâng hạn mức tín dụng cho những doanh nghiệp có đầu tư mô hình cánh đồng lớn hay cánh đồng liên kết.
Hiện nay tín hiệu thị trường rất lạc quan, chủ trương đường lối của Chính phủ dành cho ngành hàng lúa gạo cũng rất thông thoáng, và khi nông dân và doanh nghiệp tham gia các mô hình cánh đồng lớn hoặc cánh đồng liên kết thì xuất khẩu gạo rất tốt, thậm chí doanh nghiệp không đủ hàng để xuất.
Nếu Việt Nam sản xuất lúa gạo từ cánh đồng lớn hoặc cánh đồng liên kết có chất lượng tốt chắc chắn xuất khẩu gạo sẽ đạt giá trị cao, khi đó người nông dân sẽ làm giàu trên mảnh đất của mình.
"Chúng tôi không cần ngân hàng hạ lãi suất vay, nhưng cần ngân hàng đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn cho doanh nghiệp đầu tư theo mô hình liên kết đã được UBND tỉnh phê duyệt và đáp ứng tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn", ông Bình nhấn mạnh.