Làm luật: “Nước” đã sôi nhưng chờ hoài không có “gạo”
14 luật cần Quốc hội cho ý kiến lần đầu, thì 12 cái chưa thấy tăm hơi
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cứ sắp sẵn lịch thảo luận, nhưng đến phút chót cơ quan được giao soạn thảo (mà chủ yếu là Chính phủ) lại xin rút, xin lùi, xin giãn, xin hoãn.
Đó là tình trạng kéo dài đã nhiều nhiệm kỳ Quốc hội.
“Rút ra rồi lại đưa vào như chơi” hay “bắc nước chờ gạo người” là những điều đã được một số vị đại biểu Quốc hội, trong đó có Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật khoá 12 Nguyễn Văn Thuận đúc kết, từ hai khoá trước, về công tác lập pháp.
Nhưng đến nay, xem ra “bệnh” cũ chưa hề thuyên giảm.
Hết sức sốt ruột
Chiều 16/8 vừa qua, khi cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không giấu được sự sốt ruột khi mà “nước” thì đã sôi, nhưng chờ hoài vẫn không có “gạo”.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tính rằng chỉ còn hai tháng và 4 ngày nữa là khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14, trong khi khối lượng công việc cần chuẩn bị là vô cùng lớn. Bên cạnh 4 dự án luật dự kiến thông qua, Quốc hội còn cho ý kiến lần đầu 14 dự án luật khác.
Mà 14 luật đó, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thì 12 cái chưa thấy tăm hơi, mới chỉ có hai dự án được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là dự án Luật Cảnh vệ và dự án Luật Công an xã.
Có lẽ, sốt ruột hơn cả Chủ tịch và Phó chủ tịch Quốc hội, là các vị chủ nhiệm uỷ ban có nhiều dự án luật cần phải thẩm tra.
Theo quy trình hiện nay, một dự án luật chỉ được trình ra Quốc hội khi đã qua được cửa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Và khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cơ quan thẩm tra đã phải có báo cáo thẩm tra, ít nhất là thẩm tra sơ bộ.
Vì vậy, sức ép thời gian là vô cùng lớn đối với các uỷ ban của Quốc hội, khiến cho nhiều khi không thể kỹ lưỡng từ khâu ban đầu.
Sự cố chưa có tiền lệ của Bộ luật Hình sự 2015, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp Lê Thị Nga cũng là do chất lượng dự thảo chưa đảm bảo nhưng cứ nể nang, thời hạn gửi không đảm bảo nhưng vẫn dễ dãi chấp nhận.
Vì thế khi đến tay uỷ ban thẩm tra thì cơ quan thẩm tra như “nhảy trên lưng ngựa” rồi, không có cách nào khác là phải phi.
Bà Nga còn chỉ ra một thực tế là các cơ quan liên quan cũng chưa nghiêm túc, cử lãnh đạo không phải người thạo về hình sự, thậm chí còn có hiện tượng lãnh đạo có tên trong danh sách ban soạn thảo hẳn hoi nhưng khoán trắng cho chuyên viên, chuyên viên thì chạy tiếp sức, mỗi hôm một người, vì thế chất lượng luật khó mà đảm bảo.
Với các dự án luật Uỷ ban Tư pháp được giao thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp tới, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng hết sức sốt ruột khi mà đã có công văn đề nghị cơ quan soạn thảo gửi dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng chậm nhất là ngày 15/8 nhưng đến tận 16/8 vẫn chưa thấy gì cả.
Chờ đợi, cũng không phải là “đặc quyền” của Uỷ ban Tư pháp. Cả Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng và Tổng thư ký Quốc hội đều cho biết đang “bắc nước” chờ, nhưng “gạo” mãi chưa thấy đâu.
Chính phủ nói rằng rất cần có một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư kinh doanh thông qua theo quy trình một kỳ họp ngay kỳ họp Quốc hội tới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ông đã gửi công văn đôn đốc từ 3/6, mà đến chiều 16/8 vẫn chưa có.
Cần có chế tài?
Đấy là với các cơ quan thẩm tra, còn với đại biểu Quốc hội thì chậm cũng là phổ biến.
Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ nhất vừa qua, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói, theo quy định tài liệu phải gửi cho đại biểu 20 ngày trước khi diễn ra kỳ họp, tuy nhiên thường đến kỳ họp tài liệu mới có, thậm chí gần đến ngày thảo luận mới có tài liệu, như vậy không có thời gian nghiên cứu tham gia.
Thời gian không nhiều, công việc lập pháp lại đồ sộ, hai phần ba đại biểu khoá 14 chưa có kinh nghiệm lập pháp. Tất cả những điều đó đã khiến cho nỗi lo về chất lượng xây dựng luật tăng lên nhiều phần. Thay vì bàn giảm thời gian họp như một số lần trước, nhiều ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng cần phải kéo dài thời gian thảo luận một số dự án luật, kể cả ở tổ và ở hội trường.
Cách thức tiến hành cũng sẽ có sự thay đổi. Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khi đại biểu thảo luận về dự án luật nào tại hội trường thì sẽ mời các thành viên ban soạn thảo luật đó dự nghe để nếu cần thiết thì trao đổi, giải trình ngay.
Việc lâu nay sau khi đại biểu thảo luận về dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cứ lặng lẽ tiếp thu cũng từng được một số vị đại biểu có kinh nghiệm nghị trường cho là không ổn.
Càng không ổn hơn là trước khi Quốc hội bấm nút thông qua luật chỉ nghe báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chứ không có phần thảo luận. Mà, các báo cáo giải trình này, như khái quát của một số vị đại biểu thì “đại biểu nói rất hay, nhưng tiếp thu rất gay, nên xin được giữ nguyên như cũ”.
Nhưng, không ổn nhất, theo một số vị đại biểu - chuyên gia về luật, chính là Quốc hội làm luật trong thế bị động, chưa chủ động soạn thảo luật mà chỉ chờ Chính phủ và một số các quan khác trình dự thảo.
Và nếu cơ quan có trách nhiệm trình chậm hoặc chất lượng không đảm bảo cũng chẳng có chế tài gì khiến cho họ phải “sợ”. Vì thế, tình trạng “bắc nước chờ gạo người” có thể vẫn tiếp diễn dài dài.
Đó là tình trạng kéo dài đã nhiều nhiệm kỳ Quốc hội.
“Rút ra rồi lại đưa vào như chơi” hay “bắc nước chờ gạo người” là những điều đã được một số vị đại biểu Quốc hội, trong đó có Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật khoá 12 Nguyễn Văn Thuận đúc kết, từ hai khoá trước, về công tác lập pháp.
Nhưng đến nay, xem ra “bệnh” cũ chưa hề thuyên giảm.
Hết sức sốt ruột
Chiều 16/8 vừa qua, khi cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội không giấu được sự sốt ruột khi mà “nước” thì đã sôi, nhưng chờ hoài vẫn không có “gạo”.
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tính rằng chỉ còn hai tháng và 4 ngày nữa là khai mạc kỳ họp thứ hai của Quốc hội khoá 14, trong khi khối lượng công việc cần chuẩn bị là vô cùng lớn. Bên cạnh 4 dự án luật dự kiến thông qua, Quốc hội còn cho ý kiến lần đầu 14 dự án luật khác.
Mà 14 luật đó, theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thì 12 cái chưa thấy tăm hơi, mới chỉ có hai dự án được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến là dự án Luật Cảnh vệ và dự án Luật Công an xã.
Có lẽ, sốt ruột hơn cả Chủ tịch và Phó chủ tịch Quốc hội, là các vị chủ nhiệm uỷ ban có nhiều dự án luật cần phải thẩm tra.
Theo quy trình hiện nay, một dự án luật chỉ được trình ra Quốc hội khi đã qua được cửa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Và khi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cơ quan thẩm tra đã phải có báo cáo thẩm tra, ít nhất là thẩm tra sơ bộ.
Vì vậy, sức ép thời gian là vô cùng lớn đối với các uỷ ban của Quốc hội, khiến cho nhiều khi không thể kỹ lưỡng từ khâu ban đầu.
Sự cố chưa có tiền lệ của Bộ luật Hình sự 2015, theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư Pháp Lê Thị Nga cũng là do chất lượng dự thảo chưa đảm bảo nhưng cứ nể nang, thời hạn gửi không đảm bảo nhưng vẫn dễ dãi chấp nhận.
Vì thế khi đến tay uỷ ban thẩm tra thì cơ quan thẩm tra như “nhảy trên lưng ngựa” rồi, không có cách nào khác là phải phi.
Bà Nga còn chỉ ra một thực tế là các cơ quan liên quan cũng chưa nghiêm túc, cử lãnh đạo không phải người thạo về hình sự, thậm chí còn có hiện tượng lãnh đạo có tên trong danh sách ban soạn thảo hẳn hoi nhưng khoán trắng cho chuyên viên, chuyên viên thì chạy tiếp sức, mỗi hôm một người, vì thế chất lượng luật khó mà đảm bảo.
Với các dự án luật Uỷ ban Tư pháp được giao thẩm tra để trình Quốc hội tại kỳ họp tới, Chủ nhiệm Lê Thị Nga cũng hết sức sốt ruột khi mà đã có công văn đề nghị cơ quan soạn thảo gửi dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Phòng chống tham nhũng chậm nhất là ngày 15/8 nhưng đến tận 16/8 vẫn chưa thấy gì cả.
Chờ đợi, cũng không phải là “đặc quyền” của Uỷ ban Tư pháp. Cả Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế, Uỷ ban Văn hoá - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng và Tổng thư ký Quốc hội đều cho biết đang “bắc nước” chờ, nhưng “gạo” mãi chưa thấy đâu.
Chính phủ nói rằng rất cần có một luật sửa nhiều luật liên quan đến đầu tư kinh doanh thông qua theo quy trình một kỳ họp ngay kỳ họp Quốc hội tới để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhưng, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết ông đã gửi công văn đôn đốc từ 3/6, mà đến chiều 16/8 vẫn chưa có.
Cần có chế tài?
Đấy là với các cơ quan thẩm tra, còn với đại biểu Quốc hội thì chậm cũng là phổ biến.
Thảo luận tại kỳ họp Quốc hội thứ nhất vừa qua, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nói, theo quy định tài liệu phải gửi cho đại biểu 20 ngày trước khi diễn ra kỳ họp, tuy nhiên thường đến kỳ họp tài liệu mới có, thậm chí gần đến ngày thảo luận mới có tài liệu, như vậy không có thời gian nghiên cứu tham gia.
Thời gian không nhiều, công việc lập pháp lại đồ sộ, hai phần ba đại biểu khoá 14 chưa có kinh nghiệm lập pháp. Tất cả những điều đó đã khiến cho nỗi lo về chất lượng xây dựng luật tăng lên nhiều phần. Thay vì bàn giảm thời gian họp như một số lần trước, nhiều ý kiến tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng cần phải kéo dài thời gian thảo luận một số dự án luật, kể cả ở tổ và ở hội trường.
Cách thức tiến hành cũng sẽ có sự thay đổi. Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, khi đại biểu thảo luận về dự án luật nào tại hội trường thì sẽ mời các thành viên ban soạn thảo luật đó dự nghe để nếu cần thiết thì trao đổi, giải trình ngay.
Việc lâu nay sau khi đại biểu thảo luận về dự án luật, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cứ lặng lẽ tiếp thu cũng từng được một số vị đại biểu có kinh nghiệm nghị trường cho là không ổn.
Càng không ổn hơn là trước khi Quốc hội bấm nút thông qua luật chỉ nghe báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chứ không có phần thảo luận. Mà, các báo cáo giải trình này, như khái quát của một số vị đại biểu thì “đại biểu nói rất hay, nhưng tiếp thu rất gay, nên xin được giữ nguyên như cũ”.
Nhưng, không ổn nhất, theo một số vị đại biểu - chuyên gia về luật, chính là Quốc hội làm luật trong thế bị động, chưa chủ động soạn thảo luật mà chỉ chờ Chính phủ và một số các quan khác trình dự thảo.
Và nếu cơ quan có trách nhiệm trình chậm hoặc chất lượng không đảm bảo cũng chẳng có chế tài gì khiến cho họ phải “sợ”. Vì thế, tình trạng “bắc nước chờ gạo người” có thể vẫn tiếp diễn dài dài.