08:59 04/06/2024

Lạm phát tăng tốc, ECB vẫn có thể hạ lãi suất tuần này

An Huy

Vào ngày thứ Năm tuần này, ECB nhiều khả năng sẽ bỏ qua sự tăng tốc gần đây của lạm phát tại khu vực eurozone mà khởi động việc cắt giảm lãi suất...

Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde - Ảnh: Bloomberg.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã cam kết sẽ đưa ra các quyết định chính sách tiền tệ trên cơ sở các số liệu kinh tế. Tuy nhiên, vào ngày thứ Năm tuần này, ECB nhiều khả năng sẽ bỏ qua sự tăng tốc gần đây của lạm phát tại khu vực eurozone mà khởi động việc cắt giảm lãi suất.

Theo tờ Financial Times, các nhà hoạch định chính sách của ECB khó làm khác được, bởi nhiều người trong số họ thời gian qua đã phát tín hiệu rõ ràng rằng ECB đang trên đà trở thành ngân hàng trung ương lớn đầu tiên hạ lãi suất. Một động thái hạ lãi suất của ECB sẽ khởi đầu cho cuộc dịch chuyển của thế giới khỏi chu kỳ thắt chặt chính sách tệ bắt đầu 3 năm trước để chống lại sự leo thang giá cả mạnh nhất trong một thế hệ.

GIỚI CHUYÊN GIA TRANH CÃI VỀ VIỆC ECB HẠ LÃI SUẤT

Nhà kinh tế học Greg Fuzesi của ngân hàng JPMorgan Chase cho rằng nếu ECB hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm từ mức 4% trong cuộc họp vào ngày thứ Năm, đó sẽ là một quyết định “có phần vội vã và kỳ quặc”. Theo ông Fuzesi, “cái giá của việc ECB đợi đến tháng 9 mới hạ lãi suất có vẻ là thấp, xét tới lợi ích khá cao từ việc họ sẽ biết rõ hơn về triển vọng lạm phát”.

Số liệu từ cơ quan thống kê Eurostats vào hôm thứ Sáu tuần trước cho thấy lạm phát giá tiêu dùng ở eurozone trong tháng 5 là 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng từ mức 2,4% trong tháng 4. Sự tăng tốc này của lạm phát có thể dẫn tới việc ECB sẽ không đưa ra một cam kết nào về việc giảm thêm lãi suất sau đợt giảm vào tuần này.

Nhà quản lý danh mục Konstantin Veit của công ty đầu tư trái phiếu Pimco dự báo ECB sẽ hạ lãi suất thêm 2 lần trong năm nay, một lần vào tháng 9 và một lần vào tháng 12. Tuy nhiên, ông nói rằng “khả năng nghiêng về ECB có số lần giảm lãi suất ít hơn, vì lạm phát giá dịch vụ còn dai dẳng, thị trường việc làm vẫn vững vàng, điều kiện tài chính còn lỏng, và ECB có những cân nhắc về quản trị rủi ro”.

Một vấn đề đối với ECB là nếu họ hạ lãi suất trong tuần này, động thái đó có thể bị xem như một sai lầm nếu lạm phát ở eurozone tiếp tục có những diễn biến dịch chuyển khỏi mục tiêu 2% và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) chờ lâu hơn mới bắt đầu hạ lãi suất.

Nhà kinh tế Andrzej Szczepaniak của ngân hàng Nomura dự báo ECB sẽ xem sự tăng tốc của lạm phát trong tháng 5 là kết quả của những yếu tố chỉ xuất hiện một lần, nên việc hạ lãi suất trong cuộc họp vào ngày 6/6 gần như là chắc chắn. Dù vậy, ông dự báo ECB sẽ có “cách tiếp cận thận trọng và từ tốn” với việc tiếp tục giảm lãi suất.

Theo hãng tin Reuters, thị trường đang dự báo ECB hạ lãi suất tổng cộng chưa đến 0,6 điểm phần trăm trong năm nay, đồng nghĩa sẽ có hai đợt giảm và khả năng có thêm một đợt giảm thứ ba. Hồi tháng 4, thị trường dự báo ECB hạ lãi suất 3 lần trong năm 2024, và con số dự báo ở thời điểm hồi tháng 1 là ít nhất 5 đợt hạ lãi suất.

Nhà kinh tế Marco Wagner của công ty nghiên cứu Commerzbank Economic Research nhận định rằng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ theo trường phái mềm mỏng đang chiếm đa số áp đảo trong Hội đồng Thống đốc ECB. Những người này “sẽ nắm bắt cơ hội để thúc đẩy một đợt hạ lãi suất tiếp theo vào tháng 7. Nếu số liệu lạm phát tháng 5 và tháng 6 thấp, điều này sẽ là chắc chắn”, ông Wagner nói.

THỊ TRƯỜNG VIỆC LÀM MỸ VÀ CHỦ TRƯƠNG LÃI SUẤT CỦA FED

“Những người có quan điểm mềm mỏng có thể lập luận rằng dù lãi suất đã giảm vào tháng 6, lãi suất thực có thể không giảm do xu hướng chính của lạm phát là giảm và chính sách tiền tệ vẫn ở trạng thái thắt chặt. Tuy nhiên, cũng có một số thành viên trong hội đồng đã công khai bày tỏ quan điểm phản đối hạ lãi suất vào tháng 7”, ông Wagner viết trong một báo cáo.

Ngân hàng Thuỵ Sỹ J. Safra Sarasin dự báo ECB sẽ hạ lãi suất 4 lần trong năm nay. “Theo quan điểm của chúng tôi, giảm lãi suất như vậy không phải là nhiều. Lạm phát đang trong xu hướng giảm và tăng trưởng kinh tế vẫn còn ì ạch sau 2 năm trì trệ. Chính sách tiền tệ đang thắt chặt và ECB có thể hành động quyết liệt hơn”, báo cáo của ngân hàng này viết.

Về phần Fed, báo cáo bảng lương phi nông nghiệp mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu tuần này có thể ảnh hưởng không nhỏ tới triển vọng lãi suất. Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Bloomberg, giới chuyên gia dự báo khu vực phi nông nghiệp của Mỹ có thêm 180.000 công việc mới trong tháng 5, tăng nhẹ so với con số 175.000 việc làm mới của tháng 4 - tháng mà thị trường việc làm Mỹ có sự giảm tốc đáng kể so với trước.

Mức tăng trưởng này sẽ cho thấy thị trường việc làm Mỹ cuối cùng đã có dấu hiệu suy yếu sau nhiều tháng trụ vững trong môi trường lãi suất cao. Sự suy yếu của thị trường việc làm sẽ củng cố khả năng Fed giảm lãi suất trong năm nay.

Báo cáo việc làm tháng 5 sẽ được công bố chưa đầy 1 tuần trước cuộc họp chính sách tiền tệ tháng 6 của Fed. Theo dự báo, Fed sẽ không hạ lãi suất trong lần họp này, nhưng có thể đưa ra những tín hiệu về đường đi của lãi suất trong thời gian tới. Hiện tại, thị trường dự báo Fed sẽ chỉ giảm lãi suất 1 lần hoặc cùng lắm là 2 lần trong năm 2024. Tuy nhiên, một sự sụt tốc mạnh của thị trường việc làm có thể khiến đợt giảm lãi suất đầu tiên của Fed diễn ra sớm hơn.