10:25 12/07/2013

Lạm phát thấp vẫn không vui

Lê Hường

“Với diễn biến CPI 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013”

Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Diễn biến CPI qua các tháng - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Tiếp sau mức tăng thấp của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng đầu năm, xu hướng giá cả nửa cuối năm được dự báo sẽ kiềm chế mặc dù vẫn có một số yếu tố góp phần đẩy giá tăng cao. Đáng chú ý, người nông dân lại là đối tượng chịu thiệt giữa biến động tăng giảm của các mặt hàng.

Ngày 11/7, tại hội thảo Diễn biến giá cả, thị trường Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013, bà Đỗ Thị Ngọc - Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), cho biết CPI 6 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp trong khoảng 10 năm gần đây.

Lạm phát cao luôn có thể quay lại


Tuy nhiên, theo đánh giá của đơn vị này, trong 6 tháng cuối năm 2013 vẫn còn những yếu tố tác động đến mặt bằng giá trong nước. Theo đó, trong nửa còn lại của năm, vẫn còn nhiều nhân tố có thể tác động tới CPI.

Kim ngạch nhập khẩu có thể tăng do nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất cuối năm, vì vậy nhập siêu có thể tăng trong những tháng cuối năm 2013. Việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ góp phần tăng tín dụng. Dịch bệnh ở gia súc, gia cầm qua đi nhưng có thể để lại hậu quả là làm giảm sút sản lượng thịt trong những tháng cuối năm, dẫn đến giá thịt sẽ tăng.

Trong 6 tháng cuối năm, nước ta thường xảy ra hiện tượng lũ lụt, do vậy cần chủ động nguồn hàng dự trữ để tránh xảy ra hiện tượng cung cầu mất cân đối. Bên cạnh đó, còn hai Tp. Hà Nội và Tp.HCM chưa tăng viện phí, nếu hai thành phố này tăng vào 6 tháng cuối năm 2013 sẽ đóng góp vào chỉ số chung cả nước tăng khoảng 0,7%. Tp. HCM dự tính sẽ tăng học phí vào tháng 9/2013 với mức tăng gấp 3-4 lần.

Tuy nhiên, bà Ngọc cũng nhận định, với diễn biến CPI 6 tháng đầu năm cho thấy lạm phát không còn là mối lo ngại lớn trong năm 2013 và hoàn toàn có thể kiềm chế lạm phát thấp hơn năm 2012.

“Chúng ta có thể đi tới một ý kiến quan trọng rằng Chính phủ nên có những cam kết mạnh mẽ trong việc chống lạm phát không chỉ khi lạm phát đang cao, mà còn phải có những cam kết duy trì lạm phát thấp ngay cả khi lạm phát đang khá thấp và ổn định. Vì trạng thái lạm phát thấp thực tế là một cân bằng không bền và rất dễ bị phá vỡ, trong khi tình trạng lạm phát cao luôn có khuynh hướng quay trở lại”, bà Ngọc nói.

Nhìn nhận lạm phát từ khía cạnh tổng cầu của nền kinh tế, ông Vũ Vinh Phú 0 Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, cùng với sự suy giảm tổng cầu, có một nghịch lý nổi bật trong thời gian qua là đầu vào của sản xuất mà trước hết là sản xuất nông ngư nghiệp tăng rất mạnh. Trong khi đó, giá bán của các sản phẩm làm ra không tăng được, thậm chí còn bị giảm giá.

Nguyên nhân của tình trạng giảm giá là thiếu thông tin, thiếu thị trường lại bị ép giá, ép cấp của các khâu thương lái, trung gian trong tiêu thụ sản phẩm của nông dân, ngư dân. Mặc dù Nhà nước đã có một số chính sách như mua tạm trữ, quy định lợi nhuận tối thiểu của người trồng lúa là 30% song thực tế trong tổ chức thực hiện lại không như mong muốn.

Bất lợi cho người sản xuất

Theo ông Phú, đầu ra của sản phẩm đã bị đội giá lên 20-30% thậm chí tăng lên gấp rưỡi, gấp đôi khi đến tay người tiêu dùng. Với nhiều năm theo dõi diễn biến giá cả, ông Phú cho rằng chỉ số giá được Tổng cục Thống kê công bố cũng chỉ đáp ứng được phần nào thực tiễn diễn biến của giá cả trên thị trường xã hội.

Do vậy, cần phải xem xét lại cách tính toán thống kê sao cho sát thực hơn, hiệu quả hơn phục vụ cho việc hoạch định các cơ chế chính sách của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững trong thời gian tới.

“Việc dự báo giá cả 6 tháng cuối năm là không đơn giản, với tình hình tăng giá hàng hóa và dịch vụ công, cùng chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng có mức độ, giá cả nửa cuối năm sẽ tăng nhanh hơn tốc độ của nửa đầu năm nhưng biên độ tăng có thể không cao và không dồn dập”, ông Phú dự đoán.

Cùng trọng điểm quan tâm là giá cả lương thực, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Tổng thư ký, Hội thẩm định giá Việt Nam cho rằng diễn biến giá cả 6 tháng có điểm đáng lưu ý là giá lương thực giảm 2,23% đóng góp vào mức giảm trong chỉ số chung 0,18% để không kích chỉ số chung tăng cao, có lợi cho người tiêu dùng nhưng lại tạo ra bất lợi cho người sản xuất.

Theo chuyên gia này, mức tăng chỉ số giá tiêu dùng 6 tháng đầu năm là mức tăng được kiềm chế, phù hợp với mục tiêu đề ra về kiểm soát lạm phát. Đạt được kết quả đó chính là nhờ có chủ trương đúng, điều hành thận trọng, nhất quán của Nhà nước, có sự nỗ lực quyết tâm của toàn thể hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

“Tuy nhiên, nhìn từ kết quả của giá tiêu dùng không tăng cao này có nhiều nguyên nhân, có nguyên nhân khách quan, có nguyên nhân của điều hành và có nguyên nhân của nội tại nền kinh tế”, ông Thỏa khẳng định.

Nhìn từ mục tiêu đặt ra cho năm 2013 là kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng tăng dưới 8%, ông Thỏa cho rằng 6 tháng cuối năm chỉ số CPI sẽ tăng cao hơn 6 tháng đầu năm do sản xuất kinh doanh dần phục hồi, tổng cầu sẽ được cải thiện nhưng mục tiêu cả năm có thể sẽ đạt được. Tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức và tiềm ẩn những rủi ro tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô.

Các rủi ro này bao gồm tồn kho, nợ xấu chưa được giải quyết hiệu quả; tín dụng theo xu hướng tăng lên; sức mua tăng dần; tác động của việc tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ, của việc điều chỉnh tăng lương tối thiểu...

(Nguồn: Thời báo Kinh tế Việt Nam)