10:58 27/02/2008

“Làm tốt thì việc gì phải “sợ” kiểm toán?”

Nguyên Trang

Ngày 26/2, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo về kết quả kiểm toán sơ bộ năm 2007 và kế hoạch kiểm toán năm 2008

"Nếu họ làm đúng, làm tốt thì không việc gì phải “sợ” kiểm toán. Mà ngược lại, thông qua kết quả kiểm toán sẽ có lợi cho họ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh."
"Nếu họ làm đúng, làm tốt thì không việc gì phải “sợ” kiểm toán. Mà ngược lại, thông qua kết quả kiểm toán sẽ có lợi cho họ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh."
Ngày 26/2, Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức họp báo về kết quả kiểm toán sơ bộ năm 2007 và kế hoạch kiểm toán năm 2008.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là tính khách quan, minh bạch của kế hoạch, kết quả kiểm toán và việc xử lý những sai phạm sau kiểm toán.

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Khái, Phó tổng kiểm toán Nhà nước.

Vẫn có sự "dứng" với kiểm toán

Ông có thể cho biết, kế hoạch kiểm toán hằng năm được đưa ra trên cơ sở nào và liệu có sự “chạy chọt” trong quá trình lên kế hoạch kiểm toán ?

Chủ trương của Kiểm toán Nhà nước là sẽ kiểm toán tất cả các đơn vị có sử dụng vốn, ngân sách của nhà nước. Do đó, hằng năm chúng tôi sẽ xây dựng kế hoạch kiểm toán một số lượng nhất đinh các đơn vị thuộc diện trên và tiến hành kiểm toán lần lượt sau khi được Quốc hội phê duyệt.

Nguyên tắc của hoạt động kiểm toán là phải độc lập, khách quan và trong sạch. Vì vậy, đối với bất kỳ một kiểm toán viên nào vi phạm nguyên tắc này đều bị xử lý nghiêm khắc.

Còn việc “chạy chọt” xin lùi thời điểm kiểm toán trong quá trình lên kế hoạch kiểm toán là có và nguy cơ này luôn hiện hữu, nhưng đã bị chúng tôi cảnh cáo và xử lý nghiêm khắc.

Khởi nguồn của những sự việc trên là do hiện nay vẫn có nhiều đơn vị, nhiều công ty “dị ứng” với hoạt động kiểm toán. Hầu hết họ vẫn chưa hiểu hết ý nghĩa và tầm quan trọng của kiểm toán đối với sự tồn tại và phát triển của chính đơn vị mình. Nếu họ làm đúng, làm tốt thì không việc gì phải “sợ” kiểm toán. Mà ngược lại, thông qua kết quả kiểm toán sẽ có lợi cho họ trong hoạt động sản xuất , kinh doanh.

Trong khi đó, số đơn vị “xin” được kiểm toán lại chỉ “đếm trên đầu ngón tay”, trong đó điển hình là Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi năm nào cũng “xin” được kiểm toán.

Hiện nay, ngoài Kiểm toán Nhà nước thì Thanh tra Chính phủ và Thanh tra Bộ Tài chính cũng có chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động tài chính của các đơn vị. Vậy các cuộc kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước liệu có trùng lắp với hai cơ quan trên không ?

Hiện nay, theo quy định của Chính phủ thì mỗi một đơn vị có một chức năng, nhiệm vụ riêng. Tuy nhiên, trong hoạt động thì cả 3 cơ quan này đều có chung đối tượng và nội dung thanh, kiểm tra.

Vì vậy, ngay từ khi xây dựng kế hoạch kiểm toán thì buộc chúng tôi phải gửi dự thảo kế hoạch để xin ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có thẩm quyền. Sau đó, giữa 3 cơ quan này sẽ có sự thống nhất về đối tượng kiểm toán trong năm để tránh sự trùng lặp giữa 3 cơ quan.

Chuẩn b kiểm toán nhiều dán lớn

Được biết, Kiểm toán Nhà nước đã có kế hoạch kiểm toán Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), nhưng trong bản kế hoạch kiểm toán lại không có tên đơn vị này. Liệu có sự "xin hoãn" của đơn vị này không thưa ông ?

Hoàn toàn không có sự "xin hoãn" ở đơn vị này. Đối với SCIC thì trong quá trình dự thảo kế hoạch chúng tôi có đưa đơn vị này vào danh sách kiểm toán năm 2008. Tuy nhiên, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan thì chúng tôi thấy có sự trùng lắp, đó là trong năm 2007, đơn vị này đã được Thanh tra Chính phủ thanh tra một số nội dung.

Do đó, chúng tôi quyết định lùi kiểm toán đơn vị này vào một thời điểm khác, có thể sẽ là trong năm 2009.

Thưa ông, trong năm 2007, Kiểm toán nhà nước đã tiến hành kiểm toán trên 100 đơn vị nhưng lại chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra chỉ có 2 đơn vị. Vậy tiêu chí nào để Kiểm toán nhà nước ra quyết định chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra?

Trong quá trình kiểm toán, tuỳ thuộc vào mức độ sai phạm, vụ việc nào có dấu hiệu tham nhũng thì chúng tôi sẽ chuyển sang cơ quan điều tra, sai sót về quản lý thì chuyển cho các cơ quan chức năng.

Tất nhiên, không phải vụ việc nào chúng tôi cũng chuyển cơ quan điều tra, hình sự hoá quan hệ kinh tế, nhưng nếu chúng tôi phát hiện có vi phạm về thuế chẳng hạn, khi hồ sơ sang đến cơ quan thuế vẫn thấy có sai phạm thì buộc phải chuyển sang cơ quan điều tra.

Một trong những chức năng của kiểm toán nhà nước là kiểm toán việc sử dụng ngân sách nhà nước của chính mình. Liệu họat động này có đảm bảo tính khách quan không, thưa ông ?

Hằng năm, Tổng kiểm toán Nhà nước đều có quyết định thành lập một đoàn kiểm toán tiến hành kiểm toán đơn vị Dự toán ngân sách cấp 1 về việc sử dụng ngân sách nhà nước của Kiểm toán nhà nước giống như các đơn vị khác.

Đoàn kiểm toán này sẽ làm việc độc lập và khách quan và có quyền kiểm toán ở bất kỳ bộ phận nào của Kiểm toán nhà nước. Do đó, trong năm thời gian qua, sau khi có kết quả kiểm toán, đoàn kiểm toán đã có nhiều kiến nghị với Chính phủ trong việc sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước của Kiểm toán nhà nước, chẳng hạn như việc sử dụng hóa đơn, chứng từ, chấm công …

Xin ông cho biết những điểm đáng chú ý trong kế hoạch kiểm toán năm 2008 ?

Năm 2008, Kiểm toán Nhà nước sẽ tập trung thực hiện những nhiệm vụ kiểm toán do Thủ tướng và các nhà tài trợ yêu cầu. Đặc biệt, trong năm 2008, sẽ kiểm toán tối đa số tỉnh, thành chưa được kiểm toán và khối cơ quan quản lý điều hành (Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước, Văn phòng Chính phủ…)

Ngoài ra, sẽ tiếp tục tập trung vào kiểm toán các dự án lớn như: dự án Cầu Vĩnh Tuy, Đường 5 kéo dài, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Thanh Trì…và một số tập đoàn kinh tế lơn như: Tập đoàn Điện lực, Tập đoàn Than - Khoáng sản, Tổng công ty Lắp máy, Tổng công ty Hàng hải, Ngân hàng Đầu tư Phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bảo hiểm Xã hội…

Đối với một số lĩnh vực khác thì quy mô kiểm toán dự kiến sẽ tăng 10% so với năm 2007 và ưu tiên kiểm toán các đơn vị chưa được kiểm toán hoặc có khoảng cách thời gian lớn kể từ lần kiểm toán trước.