09:25 19/08/2011

Làn sóng bán tháo cổ phiếu lan khắp châu Á

Dương Lâm

Chịu tác động từ phiên giao dịch trên thị trường Mỹ đêm qua, mở phiên sáng nay, các thị trường châu Á cũng thi nhau tụt dốc

Chứng khoán châu Á đổ dốc mạnh trong phiên sáng nay, do tác động của thị trường Mỹ phiên liền trước.
Chứng khoán châu Á đổ dốc mạnh trong phiên sáng nay, do tác động của thị trường Mỹ phiên liền trước.
Chịu tác động từ phiên giao dịch hoảng loạn trên thị trường Mỹ đêm qua, mở phiên sáng nay, các thị trường châu Á cũng thi nhau tụt dốc. Làn sóng bán tháo cổ phiếu lan rộng khắp các sàn chứng khoán chủ chốt.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 trượt 186,18 điểm, tương ứng 2,08%, xuống còn 8.757,58 điểm. Hiện đà giảm của chỉ số này đã rút lại còn 1,99%. Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi hạ 84,09 điểm, tương ứng 4,52%, xuống 1.776,49 điểm. Hiện biên độ giảm của Kospi đã giảm nhẹ xuống 4,4%.

Thị trường chứng khoán Australia cũng trượt dốc 2,9% ngay khi mở phiên giao dịch. Hiện chỉ số này rớt 118,60 điểm, tương ứng 2,79%, xuống 4.132,60 điểm. Với đà giảm này, những nỗ lực bứt phá 1,2% trong phiên 18/8 đã hoàn toàn bị xóa bỏ.

Sàn chứng khoán Singapore hạ gần 2,5% xuống 2.755,71 điểm. Trước đó, chỉ số Straits Times của thị trường này rớt tới 2,87% trong những phút đầu tiên khi mở cửa giao dịch. Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 2,84% xuống 19.447,60 điểm.

Đêm qua, tại New York, chỉ số Dow Jones đóng cửa ở 10.990,58 điểm, giảm gần 420 điểm so với đầu phiên. Cả 10 nhóm ngành thuộc chỉ số S&P 500 đều giảm trên 1,2%. Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của Phố Wall tăng gần 40%. Cổ phiếu của hàng loạt ngân hàng giảm mạnh từ 5-6%.

Nguyên nhân dẫn tới sự suy giảm mạnh mẽ của thị trường Mỹ là bởi hàng loạt báo cáo kinh tế trong ngày gây thất vọng và làm tăng những nghi ngờ về khả năng nền kinh tế này sẽ rơi vào một cuộc suy thoái mới.

Hôm qua, ngân hàng Citigroup đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2011 của Mỹ từ 1,7% xuống 1,6% và năm 2012 từ 2,7% xuống 2,1%. Tập đoàn tài chính này cũng hạ dự đoán lợi nhuận trên cổ phiếu của chỉ số S&P 500 từ 105 USD xuống 101 USD.

Báo cáo của Citigroup cho biết, lợi nhuận của các công ty sẽ tăng với tốc độ thấp trong những năm tới, ngay cả khi kinh tế tiếp tục mở rộng. Các nhà phân tích của Citigroup bày tỏ lo ngại về nguy cơ thất bại của các nhà chính trị trong việc đạt được một thỏa thuận về giảm thâm hụt.

Trước đó, ngân hàng Morgan Stanley cũng đã hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2011 và 2011, cho rằng Mỹ và khu vực đồng Euro đang "tiệm cận một cuộc suy thoái". Ngân hàng này chỉ trích các nhà làm luật ở Mỹ và châu Âu đã không hành động dứt khoát hơn trong giải quyết khủng hoảng nợ công.

Cụ thể, Morgan Stanley hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2011 từ 4,2% xuống còn 3,9%, và từ 4,5% xuống còn 3,8% trong năm kế tiếp.

"Các dự báo sau điều chỉnh của chúng tôi cho thấy Mỹ và khu vực đồng Euro đang tiến sát bờ vực một cuộc suy thoái mới trong vòng 6 đến 12 tháng tới", Joachim Fels, đồng phụ trách nhóm kinh tế toàn cầu của Morgan Stanley, cho biết.