10:58 24/04/2021

Làn sóng Covid kéo dầu thô sụt giá

"Tình hình đại dịch ở Ấn Độ và Nhật Bản đã khiến các nhà giao dịch dầu lửa lo ngại trong suốt tuần này"...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (23/4), nhưng giảm trong cả tuần này, do lo ngại rằng làn sóng Covid-19 mới nổi lên ở Ấn Độ và Nhật Bản sẽ đe doạ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Thị trường đang “cố gắng xác định xem điều gì sẽ tác động nhiều hơn đến giá dầu, vì số ca nhiễm mới Covid  đang tăng mạnh ở Ấn Độ và Nhật Bản nhưng nhu cầu tiêu thụ dầu lại đang khởi sắc ở Mỹ và châu Âu”, Phó chủ tịch Paola Rodriguez-Masiu của Rystad Energy nhận định. “Tuy nhiên, tình hình đại dịch ở Ấn Độ và Nhật Bản đã khiến các nhà giao dịch dầu lửa lo ngại trong suốt tuần này, kéo giá dầu đi xuống”.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu thô WTI giao tháng 6 tăng 0,71 USD/thùng, tương đương tăng 1,2%, chốt ở 62,14 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao tháng 6 tại thị trường London tăng 0,71 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, đạt 66,11 USD/thùng.

Tính cả tuần, giá dầu WTI giảm 1,7% và giá dầu Brent trượt 1%. Tuy nhiên, nếu tính từ đầu năm, giá cả hai loại dầu đã tăng hơn 27%.

Việc dầu thô mất giá trong tuần này là không thể tránh khỏi, nhất là bởi làn sóng Covid ở Ấn Độ đặc biệt nghiêm trọng – nhà quản lý quỹ Tariq Zahir thuộc Tyche Capital Advisors phát biểu. “Sắp tới, nhân tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến giá dầu sẽ là nhu cầu”.

Ấn Độ ghi nhận hơn 330.000 ca nhiễm Covid mới trong ngày thứ Sáu, lập kỷ lục thế giới ngày thứ hai liên tiếp. Tại Nhật Bản, Tokyo và một số thành phố khác bắt đầu phong toả để ngăn số ca nhiễm mới tăng mạnh.

Ấn Độ và Nhật Bản là nước nhập khẩu dầu lớn thứ ba và thứ tư thế giới, sau Trung Quốc và Mỹ.

“Số ca nhiễm Covid tăng bùng nổ ở Ấn Độ sẽ tiếp tục là một trong những rủi ro lớn nhất trong ngắn hạn, phủ bóng lên một bức nền lẽ ra rất có lợi cho tâm lý của nhà đầu tư”, nhà phân tích Michael Tran thuộc RBC Capital Markets viết trong một báo cáo.

Tuy nhiên, theo ông Rodriguez-Masiu, “dấu hiệu về nhu cầu mạnh lên từ các nền kinh tế phương Tây” vẫn đang mang lại sự hỗ trợ nhất định cho giá dầu.

Trong vòng 4 tuần qua, nhu cầu xăng dùng cho ô tô ở Mỹ bình quân 8,9 triệu thùng/ngày, tăng 61,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ xăng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tiếp tục tăng vì mùa lái xe cao điểm đang tới gần. Ở châu Âu, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của khu vực Eurozone “tăng mạnh ngoài dự báo, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu đang khởi sắc”, theo bà Tran.

Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.
Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View.

“Cấu trúc giá trên thị trường hiện nay báo hiệu về một mùa hè với nguồn cung dầu thắt chặt”, ông Rodriguez-Masiu phát biểu. Theo chuyên gia này, nếu nhu cầu dầu phục hồi trong mùa hè năm nay, liên minh OPEC+ giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh “có thể cần phải tăng sản lượng lên cao hơn nhiều so với hạn ngạch hiện tại cho tháng 7/2021”.

Trong cuộc họp đưa ra hồi tháng 4, OPEC+ quyết định nâng dần sản lượng trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 7.