07:38 22/04/2021

Giá dầu giảm mạnh vì nỗi lo Covid-19

Diệp Vũ

Giá dầu có phiên giảm thứ hai liên tiếp và xuống mức thấp nhất 1 tuần

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty.

Giá dầu thế giới giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (21/4), đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp và xuống mức thấp nhất 1 tuần. Gây áp lực lên giá "vàng đen" trong phiên này là số liệu cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ bất ngờ tăng và số ca nhiễm mới Covid-19 ở Ấn Độ liên tục lập đỉnh.

Lúc đóng cửa, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,3 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 65,27 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York trượt 1,32 USD/thùng, tương đương giảm 2,1%, còn 61,35 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa thấp nhất của cả hai loại dầu kể từ ngày 13/4, hãng tin Reuters cho hay.

"Giá dầu giảm ngày hôm nay do có những diễn biến bất lợi tác động đến tâm lý của các nhà giao dịch", nhà phân tích Louise Dickson của Rystad Energy phát biểu, và nêu rõ những diễn biến đó bao gồm báo cáo về lượng dầu tồn kho tăng của Mỹ và làn sóng Covid-19 mới ở Ấn Độ và các quốc gia khác.

Báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng (IEA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ ngày 21/4 cho thấy tồn kho dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 16/4 tăng 594.000 thùng, đạt 493 triệu thùng. Sự tăng này hoàn toàn trái ngược với mức giảm 3 triệu thùng mà giới phân tích dự báo trước đó.

Trong một bài phát biểu toàn quốc ngày 20/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói rằng nước này đang đối mặt một "cơn bão" virus corona gây quá tải hệ thống y tế. Theo Reuters, ít nhất 24 bệnh nhân Covid ở Ấn Độ đã chết trong ngày 21/3 vì máy thở của họ hết ô-xy. Ông Modi nói Chính phủ nước này đang tăng cường phối hợp với các công ty quốc doanh và tư nhân để đẩy nhanh việc cung cấp ô-xy cho các bệnh viện.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ nhì thế giới, ghi nhậ 295.041 ca nhiễm Covid mới trong ngày 21/4, một con số kỷ lục.

Gây sức ép giảm lên giá dầu phiên ngày thứ Tư còn có khả năng nguồn cung dầu gia tăng từ Iran.

Tehran và các cường quốc đã đạt tiến bộ trong cuộc đàm phán nhằm cứu thoả thuận hạt nhân 2015. Nếu nỗ lực này thành công, Iran có thể được dỡ lệnh trừng phạt kinh tế và tăng mạnh xuất khẩu dầu.