10:49 06/09/2024

Lẻ bóng mạng xã hội Việt

Ngô Huyền

Giữa một loạt mạng xã hội nước ngoài, có một ứng dụng thuần Việt dù "lẻ bỏng" nhưng cho thấy khả năng cạnh tranh không kém các đối thủ ngoại…

Zalo là nền tảng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam - Ảnh minh họa.
Zalo là nền tảng nhắn tin được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam - Ảnh minh họa.

Theo báo cáo “The Connected Consumer Qúy II/2024” được Decision Lab công bố mới đây, Zalo là ứng dụng Việt Nam duy nhất góp mặt trong xếp hạng những ứng dụng có nhiều người dùng sử dụng nhất, thậm chí nền tảng này còn "vượt mặt" các mạng xã hội nước ngoài như Youtube hay TikTok để giữ vị trí thứ hai về tỷ lệ sử dụng chỉ sau Facebook.

Bên cạnh đó, Zalo đã dẫn đầu nền tảng nhắn tin tại Việt Nam về tỷ lệ sử dụng (82%) và được người dùng ở cả 3 nhóm tuổi (Gen X, Gen Y và Gen Z) yêu thích nhất.

VẮNG BÓNG MẠNG XÃ HỘI VIỆT

Năm 2022, tổng lượng dữ liệu trung bình mỗi người dùng tạo ra trên hai mạng xã hội nội địa là Zalo và Mocha từng chiếm gần 59% thị phần, nhiều hơn 1,43 lần so với tổng lượng dữ liệu trao đổi trên 3 nền tảng nước ngoài phổ biến là Messenger, Viber và Telegram. Thế nhưng, đến nay, trong các bảng xếp hạng về mạng xã hội, ngoại trừ Zalo, các ứng dụng của Việt Nam hoặc giữ thứ hạng khá thấp, hoặc gần như vắng bóng.

Hơn 10 năm trước, giữa làn sóng đang lên của Facebook, Zalo được VNG ra mắt, manh nha ghi dấu ấn với người dùng như một nền tảng nhắn tin và gọi điện thuần Việt dễ sử dụng. Nối gót ứng dụng mạng xã hội của VNG, một loạt ứng dụng xã hội của Việt Nam như Mocha (2015), Lotus (2019),... cũng lần lượt ra đời.

Đáng chú ý, mặc dù ban đầu, các ứng dụng này đều được đầu tư, hỗ trợ và tao sức nóng khá tốt, nhưng đến nay hầu hết đều đang hoạt động đã khá mờ nhạt, thậm chí rất nhiều người dùng trẻ gần như không biết đến các mạng xã hội này.

Trong khi các ứng dụng Việt Nam đang mất đà, các mạng xã hội quốc tế như Facebook và Instagram không ngừng tăng tốc, thu hút đông đảo người dùng theo thời gian. Năm 2018 đánh dấu cột mốc gia nhập thị trường Việt của TikTok. Từ đó đến nay, nền tảng này tăng trưởng liên tục, trung bình 2 chữ số mỗi quý, thậm chí có phần đe dọa hàng loạt những ông lớn có mặt trước đó trên thị trường.

Có lẽ, hiện nay, Zalo là ứng dụng “Made in Việt Nam” duy nhất còn đủ khả năng cạnh tranh với các mạng xã hội quốc tế trên sân nhà, không chỉ về số lượng người dùng mà còn bắt đầu cho thấy tiềm năng thương mại hoá thay vì chỉ là một nền tảng nhắn tin miễn phí.

THREADS, ĐỐI THỦ MỚI CỦA ZALO

Mới đây, báo cáo doanh thu 6 tháng đầu năm của VNG ghi nhận tính đến hết tháng 6/2024, Zalo hiện có 77 triệu người dùng hoạt động hàng tháng, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, tính đến đầu năm 2024, có 78,44 triệu người sử dụng Internet tại Việt Nam (báo cáo của DataReportal). Điều này cho thấy khoảng 98% người dùng Internet Việt có thể đang truy cập Zalo hàng tháng.

Với chiến lược đẩy mạnh thương mại theo hướng thanh toán, trong nửa đầu năm, Zalopay đã tăng trưởng 42% về tổng khối lượng thanh toán. Doanh thu dịch vụ tài chính Zalopay ghi nhận mức tăng lên đến 190% so với cùng kỳ 2023.

Thay vì đi theo xu hướng chung là kết nối người dùng công khai giống như Facebook hay TikTok, có lẽ thành công của Zalo là tự tìm ra hướng đi riêng đó là tập trung vào tính bảo mật trong kết nối giữa những người dùng.

Theo báo cáo “Vietnam mobile app popularity 2024” (Mức độ phổ biến của ứng dụng di động Việt Nam 2024) của nhà cung cấp dịch vụ nghiên cứu trực tuyến hàng đầu Q&Me, Zalo hiện xếp vị trí thứ ba về nền tảng mạng xã hội được người Việt dành nhiều thời gian sử dụng nhất, xếp sau hai "ông lớn" Facebook và TikTok. Tuy nhiên, có đến 98% những người tham gia khảo sát cho biết họ mở Zalo nhiều nhất trong số các nền tảng mạng xã hội.

Báo cáo “The Connected Consumer quý 2/2024” mới đây chỉ ra Threads (nền tảng mạng xã hội cùng công ty mẹ của Facebook) đang ngày càng phổ biến và được người dùng ở nhiều lứa tuổi ưa chuộng. Thậm chí, Decision Lab còn nhận định các doanh nghiệp Việt đang nỗ lực thiết lập sự hiện diện để thúc đẩy nhận thức về thương hiệu, tương tác trên nền tảng mạng xã hội này.

Điều này cho thấy sức hấp dẫn của tay chơi ngoại này không hề nhỏ đối với người dùng tại thị trường. Và bên cạnh những "ông lớn" quốc tế đã có mặt, sự xuất hiện của Theards sẽ là mối đe dọa mới đối với các nền tảng mạng xã hội Việt – dù đã có hàng triệu người dùng song có lẽ sẽ cần thêm thời gian để tìm cho mình vị trí phù hợp trên thị trường.