12:01 02/04/2008

Liên hiệp quốc vẫn lạc quan về kinh tế châu Á

Hồng Thoan

Liên hiệp quốc cho rằng, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm vào năm 2008 nhưng vẫn ở mức khá cao là 7,7%

Kinh tế Trung Quốc được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số năm nay.
Kinh tế Trung Quốc được dự báo là sẽ tiếp tục tăng trưởng hai con số năm nay.
Theo báo cáo điều tra kinh tế - xã hội năm 2008 được Uỷ ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương của Liên hiệp quốc (ESCAP) công bố cho thấy, tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ giảm vào năm 2008 nhưng vẫn ở mức khá cao là 7,7%.

Các nền kinh tế phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng trưởng ở mức 1,6% năm 2008, so với 2% năm 2007. Trung Quốc và Ấn Độ với vai trò động lực kinh tế của châu Á - Thái Bình Dương sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh ở mức 10,7% và 9%, thúc đẩy các nền kinh tế khác trong khu vực.

Nguy cơ xuất khẩu giảm và lạm phát lớn

Ông Amarakoon Bandara, chuyên gia kinh tế của ESCAP phân tích, năm 2008 và sau 2008, nếu kịch bản xấu nhất xảy ra là tình trạng suy thoái của kinh tế Mỹ sâu hơn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tăng trưởng của các nền kinh tế và khu vực như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan do xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghệ cao vào Mỹ suy giảm. xuất khẩu giảm mạnh sẽ tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của 641 triệu người nghèo đang sống dưới mức 1 USD/ người/ ngày, nhưng có những động lực tăng trưởng mới là Trung Quốc và Ấn Độ và một số nền kinh tế khác nên tăng trưởng vẫn có thể duy trì tốt ở một mức độ nào đó.

Như vậy, yếu tố tác động chính đối với khu vực là sự suy giảm xuất khẩu. Mỹ đã liên tục cắt giảm mạnh tỷ lệ lãi suất để đối phó với tốc độ tăng trưởng giảm. Các nước trong khu vực sẽ phải chịu hai cú đòn cùng một lúc là cầu giảm và hàng hoá xuất khẩu sang Mỹ có mức độ cạnh tranh giảm. Một rủi ro khác là những luồng vốn lớn có thể chảy ra khỏi khu vực do bị thu hút bởi những sự phát triển ở bên ngoài, lo ngại về tình hình tăng trưởng của khu vực hay sự chênh lệch lãi suất ngoại hối.

Bên cạnh tăng trưởng kinh tế thì sự tăng giá lương thực sẽ là một thách thức lớn của khu vực. Theo dự báo của ESCAP, năm 2008, mức lạm phát ở các nước đang phát triển thuộc châu Á - Thái Bình Dương sẽ là 4,6%, giảm so với 5,1% năm 2007, với sự tăng giá của đồng tiền có tác dụng hạn chế tác động của việc giá dầu và lương thực tăng cao.

Tuy nhiên dự báo này cũng có phần chưa chắc chắn bởi câu hỏi mấu chốt đặt ra là giá cả đã tăng vọt năm 2007 và sẽ tiếp tục tăng tới mức nào trong năm 2008. Giá dầu có thể sẽ giảm so với mức kỷ lục vào đầu năm 2008, vì tốc độ tăng trưởng của các nền công nghiệp do Mỹ đứng đầu bị giảm sút, nhưng giá lương thực có thể vẫn còn cao, như vậy nguy cơ lạm phát vẫn còn lớn vì lương thực chiếm tỷ lệ cao trong tổng mức chi cho hàng tiêu dùng.

Những biện pháp để giảm đói nghèo

Theo ESCAP, nếu tăng năng suất nông nghiệp bình quân toàn khu vực thì có thể giúp cho 218 triệu người dân, tức 1/3 số người nghèo trong khu vực, thoát khỏi đói nghèo. Bà Noeleen Heyzer, Hàm Phó tổng thư ký Liên hiệp quốc và Giám đốc Điều hành ESCAP nhấn mạnh: “Một điều không thể chấp nhận được là khi tăng trưởng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vượt mọi kỳ vọng, chúng ta lại không cố gắng hết mình để cải thiện cuộc sống cho hơn 200 triệu người hiện đang sống nghèo đói”.

Vì vậy, cần phải khôi phục lại nền nông nghiệp châu Á - Thái Bình Dương, điều này đòi hỏi phải có định hướng thị trường với trọng tâm nâng cao năng suất nông nghiệp. Ngoài ra, cần đổi mới chính sách về ruộng đất, kết nối dân nghèo nông thôn với thành thị và thị trường cũng như tạo thuận lợi để nông dân có thể vay vốn và tiếp cận với dịch vụ bảo hiểm cây trồng.

Đồng thời, đa dạng hoá kỹ năng, bằng cách nâng cao vị thế, năng lực cho người nghèo, đặc biệt là phụ nữ, nâng cao kỹ năng nắm bắt, khai thác các cơ hội trên thị trường lao động, tăng cường các hoạt động phi nông nghiệp ở nông thôn và các trung tâm tăng trưởng khu vực. “Nếu không có các biện pháp này, khoảng cách giàu nghèo trong khu vực chắc chắn sẽ gia tăng, hàng triệu người sẽ sống đói nghèo triền miên” – bà Noeleen Heyzer nói.

ESCAP cho rằng các nước cần phải củng cố các yếu tố căn bản của kinh tế vĩ mô để giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư và duy trì tăng trưởng kinh tế; xây dựng nền tảng kinh tế vi mô vững mạnh để đảm bảo cho hệ thống kinh tế hoạt động có hiệu quả; đảm bảo khu vực tài chính lành mạnh nhằm tạo dựng niềm tin và tranh thủ lợi ích từ các dòng vốn chảy vào khu vực; tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để hỗ trợ những người gặp khó khăn trong giai đoạn suy thoái kinh tế.