10:42 12/12/2020

Liên kết hợp tác xã và vai trò của những "người dẫn dắt" trong thời Covid

An An

Quyết định thành công của các hợp tác xã hiện nay có vai trò rất lớn của các mentor (người cố vấn, dẫn dắt), giống như các start-up

Hình ảnh tại Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận. Ảnh: Internet.
Hình ảnh tại Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận. Ảnh: Internet.

Xu hướng liên kết các hợp tác xã với nhau để tận dụng ưu thế của nhau, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng rõ nét. 

Cầm trên tay mặt hàng bún dâu tây, một sản phẩm mới được đưa ra thị trường cách đây không lâu, bà Nguyễn Thị Thu, Giám đốc hợp tác xã Tâm An hào hứng chia sẻ: "Tổ hợp tác sản xuất bún dâu tây trên Bản Áng, Sơn La đã được hình thành".

MƯA ĐÁ, COVID-19 VÀ SỰ LIÊN KẾT HỢP TÁC

Chuyện bắt đầu kể từ sau những trận mưa đá bất thường hồi cuối năm 2019 và dịch Covid-19 bùng phát đầu năm nay. Khi đó, mặt hàng dâu tây của Bản Áng không thể tìm được thị trường đầu ra cho sản phẩm, cuộc sống của người nông dân gặp vô vàn khó khăn. 

Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất các loại bún từ các loại rau, củ, quả, Hợp tác xã Tâm An đã đề nghị hợp tác với Hợp tác xã Bản Áng để nghiên cứu và sản xuất bún dâu tây. "Sau vài tháng triển khai và thử nghiệm, sản phẩm bước đầu đã tìm được thị trường đầu ra", bà Thu cho biết.

Sự liên kết giữa các hợp tác xã để cùng vượt qua khó khăn mà bà Thu chia sẻ không phải là hiếm giữa đại dịch Covid-19. Ông Nguyễn Quang Điện, Chủ tịch kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nhãn lồng Tiên Châu cho biết với sản lượng ngày một tăng trong khi xuất khẩu quả tươi bị gián đoạn, nhu cầu bảo quản lạnh để phục vụ chế biến mặt hàng nhãn sấy khô của Hợp tác xã ngày một lớn. "Tuy nhiên, để đầu tư kho lạnh mà chỉ sử dụng theo thời vụ là quá tốn kém. Vì vậy, Hợp tác xã đã tính toán tới việc kết hợp với hợp tác xã hay doanh nghiệp khác để tận dụng kho lạnh để trống của họ để giải quyết bài toán bảo quản nông sản mình", ông Điện nói.

Theo ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xu hướng liên kết các hợp tác xã với nhau để tận dụng ưu thế của nhau, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường ngày càng rõ nét. 

"Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại khó đoán định, đại dịch Covid-19 tác động và thời đại công nghiệp 4.0, cơ hội và thách thức đan xen. Để biến thách thức thành cơ hội, các Hợp tác xã cần hợp tác liên kết, cùng nhau phát triển", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh. 

Thống kê cho thấy, ước tính đến tháng 12/2020, cả nước có 119.248 tổ hợp tác, 26.112 hợp tác xã và 100 liên hiệp hợp tác xã  thu hút hàng chục triệu thành viên tham gia. Doanh thu bình quân của một hợp tác xã thực hiện năm 2020 ước đạt 4.387 triệu đồng/hợp tác xã, tăng khoảng 116% so với năm 2011. Đáng chú ý, đã có một số hợp tác xã quy mô lớn, phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh thành, có doanh thu cao trên 100 tỷ đồng như Hợp tác xã Nho Evergreen Ninh Thuận, Saigon Co.op…

VAI TRÒ CỦA NGƯỜI DẪN DẮT

Theo bà Thu, mô hình liên kết giữa các hợp tác xã có rất nhiều tầng nấc; đơn giản là tận dụng ưu thế nhà xưởng sẵn có, phức tạp hơn là chia sẻ công thức, bí quyết kỹ thuật và tập khách hàng. 

"Chúng tôi đang áp dụng mô hình bán chéo với khoảng 60 doanh nghiệp và hợp tác xã  Nghĩa là các hợp tác xã liên kết với nhau, chào hàng theo 1 tệp khách hàng có chung xu hướng tiêu dùng. Điều này sẽ giúp hợp tác xã giảm chi phí vận chuyển và vận hành", bà Thu chia sẻ. 

Hay như hiện nay, mặc dù liên kết "ba nhà" (nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học) đã được nhắc tới rất nhiều song trên thực tế mối liên kết này khá lỏng lẻo và rất ít mô hình liên kết "3 nhà" thành công. "Nguyên nhân là vì chúng ta vẫn thiếu một nguồn, đó là nguồn thông tin", bà Thu nhận định.

Quyết định thành công của các hợp tác xã hiện nay có vai trò rất lớn của các mentor (người cố vấn), giống như các start-up. Mặc dù có rất nhiều chính sách hỗ trợ hợp tác xã nhưng làm thế nào để tiếp cận được các hỗ trợ này lại là vấn đề của rất nhiều hợp tác xã. 

"Vì vậy, hợp tác xã đang cần người cầm tay chỉ việc, đó là các mentor. Ở đây, các mentor có thể là các chuyên gia, nhà khoa học được đào tạo bài bản, có thể là các doanh nghiệp hay hợp tác xã đã đi trước, đã thành công trên thị trường. Họ sẽ là những người dẫn dắt bà con xã viên, giúp các hợp tác xã khác trong hệ sinh thái phát triển tốt hơn", bà Thu cho biết. 

Để có cơ hội kinh doanh tốt hơn trong năm 2021, bà Thu hy vọng sự kết nối hợp tác tạo thành hệ sinh thái với sự tham gia của người dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sẽ chặt chẽ hơn. Trong đó, người dân là lực lượng nòng cốt tham gia vào chuỗi sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp sẽ tiên phong trong ứng dụng công nghệ chế biến, kết nối thị trường. "Đặc biệt, Nhà nước sẽ tham gia trong định hướng chính sách và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chuỗi", bà Thu bày tỏ. 

Với chủ đề "Liên kết, hợp tác cùng phát triển - Xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0", Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2020 đã diễn ra sáng ngày 11/12.

Chỉ đạo tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cho rằng để trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045, chúng ta phải tạo điều kiện để phát triển mạnh mẽ các thành phần kinh tế, trong đó khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã có vai trò nòng cốt rất quan trọng.

Phó Thủ tướng yêu cầu mỗi địa phương phải xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển hợp tác xã gắn với kế hoạch phân bổ không gian đất đai, nguồn lực, nguồn nhân lực... cho phát triển hợp tác xã Bên cạnh đó, các hợp tác xã chủ động tái cấu trúc lại chính mình gắn với tiềm năng, lợi thế của từng khu vực và theo nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế.