20:50 11/09/2017

Liên kết phát triển miền Trung: Vẫn mạnh ai nấy làm

Hà Vũ

Ngân sách anh nào giỏi thì xin nhiều, dở thì xin ít, kêu gọi đầu tư cũng mạnh ai nấy làm

<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển miền Trung, TS. Trần Du Lịch trong chuyến khảo sát kinh tế miền Trung.</span>
<span style="font-family: 'Times New Roman'; font-size: 15px;">Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển miền Trung, TS. Trần Du Lịch trong chuyến khảo sát kinh tế miền Trung.</span>
Miền Trung đã có 7 hội thảo về liên kết du lịch trong mấy năm gần đây, nhưng sau đó thì không ai làm - Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển miền Trung, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh trong buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam vừa qua.

Đây cũng là một trong những hoạt động để chuẩn bị cho Diễn đàn kinh tế miền Trung sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng vào ngày 25/9 tới. 

Ngoài du lịch - lĩnh vực được cho là dễ liên kết nhất - nhận xét chung về mối liên kết để phát triển kinh tế các tỉnh duyên hải miền Trung vẫn là mạnh ai nấy làm.

Năm 2014, tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung lần thứ nhất do Thời  báo Kinh tế Việt Nam và Ban Kinh tế Trung ương phối hợp tổ chức tại Đà Nẵng, ông Trần Du Lịch đã nhăc đến một ngày lịch sử (15/7/2011): Ban Điều phối liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung được thành lập.

Trong lịch sử 500 năm của miền Trung, đây là lần đầu tiên các lãnh đạo của cả vùng ngồi lại để ký kết liên kết, và có thời điểm thành viên của Ban có đến 9 ủy viên Trung ương, đó là thông tin được ông Lịch nhấn mạnh khi ấy.

Ở diễn đàn đó, dù bí thư, phó bí thư đã đến dự, nhưng chủ tịch, hoặc phó chủ tịch nhiều tỉnh, thành vẫn có mặt. Và đó được coi là một minh chứng sinh động cho nhận xét của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ (khi đó là Trưởng ban Kinh tế Trung ương) rằng sự liên kết của các tỉnh duyên hải miền Trung là bài bản nhất, hiệu quả nhất.

Nhưng dường như kết quả liên kết chẳng được như mong đợi.

Làm việc tại bốn tỉnh miền Trung, từ Huế đến Quảng Ngãi vừa qua, cũng chính TS. Trần Du Lịch nhiều lần nêu lên một thực tế là từ bấy đến nay, kết quả của liên kết là gần như chưa có gì.

Ở buổi làm việc cuối cùng, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Quãng Ngãi Đặng Văn Minh khái quát: tỉnh nào mạnh dạn kêu gọi đầu tư thì tranh thủ kêu gọi chứ chưa có sự chia sẻ, phân công hợp lý để phát triển.

Ngân sách anh nào giỏi thì xin nhiều, dở thì xin ít, bố trí vốn chưa theo xu thế liên kết vùng - ông Minh nhìn nhận.

Tóm lại, theo Phó chủ tịch Quảng Ngãi thì kết quả liên kết, ngoài kết nối hạ tầng giao thông và du lịch có chuyển biến còn lại chưa có gì. 

Nhưng, ngay cả kết nối hạ tầng giao thông thì câu chuyện liên quan đến sân bay Chu Lai cũng đang minh chứng cho cái khó chứ không phải cho chiều thuận.

Thông tin từ cán bộ cấp dưới của ông Minh cho biết, Quảng Ngãi muốn mở một tuyến đường đến thẳng sân bay này chứ không cần qua Quảng Nam như hiện nay. Theo tính toán thì tiết kiệm được 25 phút, chiều dài quãng đường ngắn hơn khoảng gần 30km. Khi tỉnh Quảng Ngãi có văn bản thì Bộ Quốc phòng và Bộ Giao thông - vận tải đều đồng ý về chủ trương nhưng tỉnh Quảng Nam lại chưa nhất trí cao.

Với du lịch, dưới góc nhìn doanh nghiệp thì cũng vẫn mạnh ai nấy làm.

Hãy xem trang web quảng bá du lịch các tỉnh miền trung, giống nhau hết, cũng biển, resort, công viên nước, cáp treo, sân golf… Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, doanh nhân Huỳnh Tấn Vinh nhận định.
 
Như thế, theo ông Vinh thì du khách chỉ muốn đến một lần. Trong tour package du khách nên có trải nghiệm mỗi vùng hơn là ai cũng bán những tour na ná nhau - ông Vinh nêu quan điểm.

Liên kết, theo vị Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng là hết sức cần thiết. Bởi nếu không liên kết thì ai cũng làm lễ hội pháo hoa, lễ hội thả diều quốc tế, cầu ngư, festival… 

Du khách đến đây không phải cùng lúc mà lễ hội lại trùng nhau thì sao không liên kết để phân vai để thời điểm này thì tỉnh này làm, thời điểm kia tỉnh kia làm. Và mỗi địa phương có thế mạnh riêng như Đà Nẵng là đô thị đang phát triển, thành phố của sự kiện, hội thảo quốc tế như Apec 2017, Hội An và Mỹ Sơn là nơi du khách có thể hoài niệm quá khứ, thăm làng quê… thì nên đầu tư vào mảng đó, hay Huế là cố đô về lịch sử… Tương tự ở các tỉnh khác, nên có sự phân vùng kinh tế phân công kinh tế. Và doanh nghiệp sẽ biết rằng cần phải quảng bá những gì là thế mạnh của mình - ông Vinh trao đổi.

Từng có mặt tại Diễn đàn kinh tế miền Trung năm 2014, ông Vinh cho rằng diễn đàn đó mới chỉ là liên kết những nhà chính trị, của chính quyền các cấp. Vậy ai thực hiện? là doanh nghiệp. Doanh nghiệp đứng ngoài cuộc, bàng quan quan sát những ông chủ tịch, bí thư ký cam kết thì rồi sau đó ông nghỉ hưu, chuyển công tác… thì tập liên kết đó vẫn sẽ nằm ở ngăn kéo, không đi vào thực tế cuộc sống, không làm cho kết quả. Hạt giống trong ngăn kéo không nảy mầm trong thực tế. 

Diễn đàn năm nay nên có sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp vì chính họ là những người thực hiện chương trình liên kết và chính họ đề ra mục tiêu liên kết cụ thể hơn và hiện thực hơn - vị doanh nhân đang đảm nhiệm cương vị Tổng giám đốc Furama Resort Đà Nẵng góp ý.

Cũng nhấn mạnh vai trò của doanh nhân trong liên kết phát triển vùng duyên hải miền Trung, song theo Chủ tịch Hội doanh doanh trẻ Đà Nẵng, Giám đốc Công ty TNHH - Thương mại BQ, ông Phan Hải thì cần định lượng được kết quả của sự liên kết. Qua đó mỗi địa phương đều nhìn thấy công sức mình bỏ ra đã mang lại kết quả gì, có như vậy thì mới tạo ra được động lực thực sự của liên kết.