Lo Mỹ trừng phạt, hãng xe lớn nhất châu Âu rút khỏi Iran
Tập đoàn sản xuất ô tô Đức Volkswagen đã quyết định chất dứt gần như toàn bộ hoạt động tại Iran
Tập đoàn sản xuất ô tô Đức Volkswagen đã quyết định chất dứt gần như toàn bộ hoạt động tại thị trường Iran để tránh phải chịu các biện pháp trừng phạt của Mỹ - hãng tin Bloomberg cho hay.
Đây được xem là một thắng lợi của Mỹ trong việc cản trở những nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) nhằm giữ vững thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận này.
Theo đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, thỏa thuận giữa Chính phủ Mỹ với Volkswagen đã được ký kết vào ngày thứ Ba tuần này, sau một cuộc đàm phán kéo dài nhiều tuần. Ông Grenell cho biết Volkswagen sẽ chỉ được phép giữ lại một số hoạt động ở Iran trên cơ sở nhân đạo.
"Volkswagen nói với chúng tôi rằng họ sẽ tuân thủ lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran", ông Grenell nói. "Chúng tôi hài lòng với quyết định này vì Iran không dùng tài nguyên kinh tế để phục vụ người dân mà để reo rắc bạo lực và bất ổn trên thế giới".
Vào năm 2017, sau khi Iran được phương Tây dỡ trừng phạt nhờ thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran với các cường quốc, Volkswagen đã công bố kế hoạch sản xuất xe hơi tại Iran lần đầu tiên sau 17 năm.
Tuy nhiên, sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Donald Trump đã liên tục dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran vì cho rằng đây là một thỏa thuận tồi. Tháng 5/2018, ông Trump chính thức rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Iran, theo đó tuyên bố các quốc gia và doanh nghiệp phải lựa chọn giữa làm ăn với Mỹ hoặc với Iran.
Các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng dù không có Mỹ, thì Iran vẫn nên tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã ký kết. Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ làm thế nào đảm bảo lợi ích cho Iran để Tehran tiếp tục tôn trọng thỏa thuận hạt nhân.
Dưới sức ép của Mỹ, một loạt công ty lớn của châu Âu, từ hãng dầu lửa Total tới hãng thời trang thể thao Adidas và hãng xe Daimler đều đã tuyên bố sẽ thu hẹp hoạt động tại Iran hoặc rút khỏi nước này. Trong bối cảnh như vậy, lãnh đạo Iran phàn nàn rằng châu Âu cố gắng không đủ để cứu thỏa thuận.
Một vấn đề lớn nữa với Iran là Mỹ đang kêu gọi các quốc gia giảm nhập khẩu dầu từ Iran về 0 trước ngày 4/11 - thời điểm Mỹ bắt đầu áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu lửa Iran. Xuất khẩu dầu thô của Iran hiện đã giảm 35% từ tháng 4, thời điểm trước khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran.