Lỗ nặng, quỹ ngoại tìm cách thoái dần vốn khỏi “ông trùm BOT” Tasco
Các quỹ như VinaCapital và Pyn Elite đang tạm chịu khoản lỗ lớn do cổ phiếu của "ông trùm BOT" dò đáy
Ngoài việc kinh doanh lao đốc, Tasco cũng đang vướng nhiều bê bối, sai phạm trong thực hiện dự án BOT, BT được Kiểm toán Nhà nước và Thanh tra Chính phủ chỉ rõ.
Lỗ lớn quỹ ngoại bán bớt
Pyn Elite Fund vừa thông báo đã bán 1 triệu cổ phiếu của Công ty Cổ phần Tasco (mã HUT). Cụ thể, ngày 23/5, Pyn Elite Fund đã bán ra 1 triệu cổ phiếu HUT, qua đó giảm sở hữu xuống còn 26,5 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 9,88%.
Nếu tính theo giá cổ phiếu HUT phiên 23/5 là 3.300 đồng/cổ phiếu, lô cổ phiếu trên của quỹ có giá khoảng 3,3 tỷ đồng. Cũng trong ngày 23/5, giao dịch của HUT tăng đột biến lên gần 3 triệu cổ phiếu.
Pyn Elite có động thoái vốn khỏi HUT từ năm 2018. Quỹ này liên tiếp bán ra số lượng lớn cổ phiếu của "ông trùm BOT". Tháng 11/2018, Pyn Elite cũng đã bán ra 2 triệu cổ phiếu.
Một quỹ lớn khác là VinaCapital cũnng bán ra 950.000 cổ phiếu HUT cuối năm 2018. Tuy nhiên, nhóm quỹ thuộc VinaCapital vẫn nắm giữ tới 32,5 triệu cổ phiếu HUT, tương ứng tỷ lệ sở hữu gần 13% và là cổ đông lớn tại đây.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến cổ phiếu HUT "dò đáy" trong thời gian qua, các quỹ đầu tư này phải nhận "quả lỗ" không nhỏ. Cụ thể, thị giá của HUT đang giảm xuống thấp nhất kể từ khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018, HUT đã giảm gần 70% thị giá, tức từ 9.350 đồng/cổ phiếu về vùng 2.900 đồng/cổ phiếu. Vốn hoá của "ông trùm BOT" chỉ còn 779 tỷ đồng.
Pyn Elite bắt đầu đầu tư vào HUT từ năm 2015, quỹ liên tục mua vào cổ phiếu trong giai đoạn 2015 - 2017 với giá vốn khoảng 6.000 - 11.000 đồng/cổ phiếu. Với thị giá hiện tại 2.900 đồng/cổ phiếu, Pyn Elite nếu tất toán khoản đầu tư sẽ chịu khoản thua lỗ không nhỏ.
Trong khi đó, nhóm quỹ VinaCapital mới trở thành cổ đông lớn của HUT thông qua đợt phát hành riêng lẻ năm 2017. Khi đó, nhóm quỹ VinaCapital đã mua 30 triệu cổ phiếu với mức giá 10.500 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng giá trị 315 tỷ đồng.
Sau giao dịch này nhóm VinaCapital nắm giữ 36,72 triệu cổ phiếu HUT, tương ứng tỷ lệ sở hữu 15,27%. Tuy nhiên, thị giá giảm, kinh doanh lao dốc, VinaCapital đã dần thoái vốn tại đây. So với thị giá lúc mua vào, rõ ràng VinaCapital đang chịu thua lỗ lớn với khoản đầu tư này.
Kiểm toán chỉ ra loạt vấn đề
Tình hình kinh doanh của Tasco không mấy khả quan trong những năm gần đây. Năm 2018, doanh thu Tasco giảm gần một nửa chỉ đạt 1.147 tỷ, trong khi lợi nhuận là 66 tỷ đồng, giảm 78% so với năm trước đó.
Đến quý 1/2019, Tasco đạt doanh thu 319 tỷ đồng nhưng lỗ gần 14 tỷ đồng. Theo giải trình, nguyên nhân khiến doanh nghiệp chịu lỗ đến từ chi phí tài chính quý 1 tăng mạnh, lên đến xấp xỉ 62 tỷ đồng.
Tổng tài sản Tasco tại thời điểm 30/3/2019 đạt 10.801 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả vượt 7.600 tỷ, chiếm 70% cơ cấu tài sản toàn doanh nghiệp. Nợ ngắn hạn của Tasco hơn 1.600 tỷ đồng, nợ dài hạn hơn 6.000 tỷ đồng.
Ngoài việc kinh doanh lao dốc, Tasco đang vướng vào bê bối liên quan đến một số dự án BOT, BT. Mới đây Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra loạt vấn đề tại dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ đến khu đô thị mới Xuân Phương theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) do Tasco làm chủ đầu tư.
Cụ thể, Kiểm toán Nhà nước cho biết, Tasco thiếu năng lực tài chính; thiết kế dự toán không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt là nguyên nhân gây thất thoát ngân sách lớn; thương thảo, kí hợp đồng chưa đảm bảo quy định.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, việc giao đất chỉ định cho nhà đầu tư là trái với qui định của Luật Đất đai; việc không qui định cụ thể thời điểm giao đất dẫn đến có dự án được giao đất trước khi thực hiện dự án BT và dự án này cũng được giao đất đối ứng khi dự án BT chưa hoàn thiện.
Việc tạm tính tiền sử dụng đất để xác định giá trị đối ứng khi giao đất cho dự án BT tại thời điểm thực hiện dự án BT dễ dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.
Dự án được Tasco khởi công ngày 15/2/2009, tuy nhiên dự án bị giãn tiến độ nhiều năm đến tháng 4/2017 mới hoàn thành. Tổng chiều dài tuyến đường là 3,51km, mặt cắt ngang 50m gồm 8 làn xe. Mức đầu tư của dự án là 1.543 tỷ đồng.
Đồng thời, tại báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán trên, cơ quan này khiến nghị xử lý tài chính với dự án này lên tới 391,6 tỷ đồng.
Tasco là doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, khai thác hạ tầng giao thông, đầu tư bất động sản…Hiện Tasco đang quản lý và thu phí các trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định), BOT Tân Đệ (Thái Bình), BOT Quốc lộ 10 (Hải Phòng), BOT Quốc lộ 1. Ngoài ra, VETC – công ty con của Tasco cũng là đơn vị vận hành hệ thống thu phí không dừng (ETC).
Bên cạnh làm các dự án BOT, Tasco cũng tham gia vào nhiều dự án BT để gia tăng quỹ đất, từ đó tham gia vào lĩnh vực bất động sản. Chẳng hạn, xây dựng tuyến đường 3,5km Lê Đức Thọ, Tasco được UBND thành phố Hà Nội đối ứng cho 70ha đất gồm: 30 ha đất tại dự án Đơn vị số 1 phường Xuân Phương, 3.000m2 đất tại 48 Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) và 38ha đất tại phường Xuân Phương (nay là dự án Xuân Phương Foresa Villa).