Lo ngại chứng khoán Mỹ biến động mạnh năm 2025, gây tiêu cực chứng khoán toàn cầu
Sau hai năm 2023-2024 đều có mức tăng mạnh trên 25%, thị trường chứng khoán Mỹ 2025 hứa hẹn sẽ là năm rủi ro cao hơn với nhiều biến động mạnh có thể gây tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Quỹ đầu tư SGI Capital vừa có những nhận định về thị trường chứng khoán, vĩ mô toàn cầu và ảnh hưởng tới Việt Nam. Trước đó, thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 12/2024 ghi nhận S&P 500 giảm 2,5%, Stoxx 50 tăng 1,91%, Nikkei 225 tăng 4,41%, Kospi giảm 2,3%, Shanghai Composite tăng 0,76% còn VN-Index tăng 1,31%.
Kể từ 9/2024, FED đã hạ lãi suất 100 điểm cơ bản, nhưng điều bất ngờ là lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ 10 năm lại tăng ngược hơn 100bp, lên vùng cao nhất kể từ 2007. Lợi suất tài sản phi rủi ro quan trọng nhất toàn cầu tăng đã kéo theo chi phí huy động vốn không chỉ tại Mỹ mà còn trên phạm vi toàn cầu. Lợi tức trái phiếu chính phủ nhiều nước cũng đã tăng mạnh, ở Anh là cao nhất 25 năm, Nhật là 14 năm.
Việc FED giảm tốc độ cắt lãi suất và duy trì QT cũng đang tác động tới thanh khoản chung khi 2.500 tỷ số dư tiền dự trữ của các ngân hàng đặt tại FED đã cạn. Thâm hụt ngân sách lớn dưới thời Trump giúp kinh tế Mỹ duy trì mạnh nhưng cũng sẽ đẩy lạm phát tăng trở lại tạo áp lực tăng lãi suất và đồng USD trong những tháng đầu 2025.
Theo SGI Capital, xu hướng tăng bất ngờ này của USD và lãi suất nếu duy trì sẽ tạo áp lực tiêu cực lên đồng nội tệ, lãi suất và thanh khoản USD tại nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Thị trường tài chính Mỹ đang pricing lùi thời gian FED sẽ hạ lãi suất lần tiếp theo sang sau tháng 03/2025.
Một tâm điểm khác trong nửa đầu 2025 là khả năng tổng thống Trump nhậm chức sẽ áp thuế lên hàng hoá các nước trong đó đáng kể là thêm 10% cho mọi quốc gia như một phần quan trọng để thu hẹp thâm hụt ngân sách. Tại thời điểm Trump "tariff" năm 2018, khi thuế nhập khẩu từ Trung Quốc được đẩy từ 10% lên 25%, giá hàng hoá nhập khẩu không tăng nhiều. Đây là cơ sở cho nhiều nhà kinh tế học cho rằng việc áp thuế lần này không gây ra lạm phát nghiêm trọng hay sụt giảm tiêu dùng và GDP của Mỹ đủ nhiều trong dài hạn.
Tuy vậy, tác động này lên xuất khẩu, đồng tiền nội tệ và tăng trưởng kinh tế các quốc gia khác là đáng kể, đặc biệt là những nước có tỷ trọng xuất siêu vào Mỹ lớn như Việt Nam hay các nước chịu thuế cao như Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục neo ở vùng đỉnh với định giá cao dựa trên kỳ vọng tăng trưởng EPS trên 15% nhờ nhiều chính sách hỗ trợ từ chính phủ mới. Tuy vậy, những tín hiệu suy yếu báo hiệu cuối chu kỳ vẫn đang lần lượt xuất hiện như tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục tăng, 43% nhóm doanh nghiệp niêm yết quy mô nhỏ và vừa đang thua lỗ, các ngân hàng nhỏ có tới 70% tín dụng có liên quan tới bất động sản thương mại tiềm ẩn khả năng vỡ nợ, nền lãi suất neo cao dẫn tới tỷ lệ chậm trả nợ thẻ tín dụng và vay ô tô tăng lên mức cao.
Tuy vậy, tổng cầu tiêu dùng vẫn duy trì tốt nhờ hiệu ứng chi tiêu nhiều lên khi tỷ trọng đầu tư chứng khoán của hộ gia đình Mỹ đang cao kỷ lục và chứng khoán cũng đang ở vùng đỉnh. Tỷ lệ người dân Mỹ đang lạc quan về chứng khoán trong 12 tháng tới đang ở mức cao lịch sử cũng tiềm ẩn rủi ro khi kỳ vọng đã phản ánh nhiều vào thị trường.
"Sau hai năm 2023-2024 đều có mức tăng mạnh trên 25%, thị trường chứng khoán Mỹ 2025 hứa hẹn sẽ là năm rủi ro cao hơn với nhiều biến động mạnh có thể gây tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán toàn cầu", SGI Capital lo ngại.
Kinh tế Trung Quốc tiếp tục trì trệ khi giá trị thị trường bất động sản giảm 18 nghìn tỷ USD đã ảnh hưởng tiêu cực lên tài sản các hộ gia đình, làm giảm sức mua và tâm lý tiêu dùng. Chính sách thuế quan mới của Mỹ có khả năng cộng hưởng làm giảm 0.8%-2% tăng trưởng GDP. Trung Quốc nhiều khả năng sẽ dùng tỷ giá để hạn chế tác động tiêu cực từ thuế quan và vẫn còn dư địa chính sách giúp kinh tế hạ cánh mềm.
Tuy nhiên, phá giá đồng Yuan để hỗ trợ xuất khẩu sẽ tác động lớn tới các quốc gia khác khi hàng hóa dư thừa và rẻ từ Trung Quốc sẽ tìm tới các thị trường thay thế khiến áp lực cạnh tranh gia tăng.
Về phía quỹ đầu tư tăng trưởng Ballad của SGI Capital, quỹ đã luôn giữ tỷ trọng tiền mặt cao trong nửa năm trở lại đây với tiền mặt lên tới 71,2%, còn lại phân bổ vào các cổ phiếu bán lẻ, tiêu dùng như PNJ, FMC, TLG, VNM, DHG...