14:49 11/05/2011

Lo nhập siêu từ... Hàn Quốc

Anh Quân

Lâu nay, Hàn Quốc ít khi được nhắc đến với tư cách đối tác thương mại lớn của Việt Nam

Trong gần 54 nghìn ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam năm 2010, lượng xe từ Hàn Quốc vượt 28 nghìn chiếc.
Trong gần 54 nghìn ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam năm 2010, lượng xe từ Hàn Quốc vượt 28 nghìn chiếc.
Theo số liệu do Tổng cục Hải quan, trong gần 54 nghìn ôtô nhập khẩu nguyên chiếc vào Việt Nam năm 2010, lượng xe từ Hàn Quốc vượt 28 nghìn chiếc.

Lâu nay, Hàn Quốc ít khi được nhắc đến với tư cách đối tác thương mại lớn của Việt Nam. 2007, năm đầu tiên Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tổng giao dịch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc mới đạt gần 6,6 tỷ USD, chỉ bằng khoảng 1/2 của Nhật Bản và tương đương khoảng 1/3 khối ASEAN, các đối tác đứng cuối và dẫn đầu trong nhóm 5 quốc gia, khu vực có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Trong năm 2009, khi mà giao thương với đa số các đối tác thương mại lớn của Việt Nam (trừ Trung Quốc) sụt giảm, Hàn Quốc vẫn duy trì được mức tăng nhẹ nhờ mở rộng nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam. Bình quân giai đoạn 2008-2010, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc tăng xấp xỉ 36%/năm, trong khi nhập khẩu tăng gần 24%/năm.

Duy trì tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu khá cao, bình quân khoảng 22,3%/năm, đến cuối 2010, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã bằng khoảng 2/3 Nhật Bản và gần một nửa của khu vực ASEAN.

Với gần 13 tỷ USD tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong năm 2010, Hàn Quốc đang nổi lên là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam, sau một giai đoạn “âm thầm” bứt phá.

Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã đạt hơn 4 tỷ USD, tiến rất gần so với con số tương ứng của Nhật Bản, đồng thời cũng rút ngắn đáng kể khoảng cách với các đối tác chính khác của Việt Nam.

Tuy nhiên, điểm cần đặc biệt lưu ý là cùng với giá trị kim ngạch xuất, nhập khẩu liên tục được mở rộng, Việt Nam đang nhập siêu khá lớn từ Hàn Quốc.

Giai đoạn từ năm 2008 đến nay, tốc độ tăng nhập siêu từ Hàn Quốc của Việt Nam bình quân khoảng 19,4%. Vào năm 2010, nhập siêu với Hàn Quốc đã đạt gần 6,7 tỷ USD, vượt qua con số tương ứng của khu vực ASEAN, và chỉ còn xếp dưới Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tính đến thời điểm này, cả trên phương diện nhập siêu.

Riêng quý 1 năm nay, nhập siêu từ Hàn Quốc đã là hơn 1,6 tỷ USD, vượt trội so với ASEAN (chưa đến 500 triệu USD), Nhật Bản (dưới 300 triệu USD), và tiếp tục “thách thức” mức nhập siêu hơn 2,8 tỷ USD từ Trung Quốc.

Trong giao thương với Hàn Quốc, kim ngạch hai chiều thể hiện đa dạng với nhiều loại hàng hóa được trao qua, đổi lại. Rất nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam tìm được chỗ đứng tại thị trường quốc gia này, nổi lên là các mặt hàng nông sản trong đó đáng kể có thủy sản và cao su.

Dầu thô và than đá cũng là những mặt hàng được người Hàn Quốc nhập khẩu với kim ngạch lớn trong cơ cấu hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Các sản phẩm dệt may, đồ gỗ và giày dép cũng đều chiếm kim ngạch khá cao.

Đa số các mặt hàng nhập khẩu từ Hàn Quốc của Việt Nam thuộc nguyên, nhiên liệu đầu vào quan trọng của sản xuất trong nước. Nhưng đáng tiếc là trong khi số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt, hoặc xấp xỉ 100 triệu USD/năm còn khá khiêm tốn như kể trên, phía nhập khẩu cho thấy chênh lệch rất rõ ràng.

Có tới 18 nhóm hàng, loại hàng có kim ngạch nhập khẩu vượt 100 triệu USD từ Hàn Quốc trong năm 2010, trong đó vượt 1 tỷ USD có tới  ba nhóm, bao gồm: sắt thép; máy móc, thiết bị, phụ tùng; và vải các loại; trên dưới nửa tỷ USD thì có xăng dầu, chất dẻo nguyên liệu và nguyên, phụ liệu dệt may, da giày.

Điều này cũng cho thấy phần nào bức tranh đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam, tỷ trọng các doanh nghiệp ngành dệt may và da giày khá lớn. Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cuối năm 2010, Hàn Quốc đã vượt từ vị trí thứ 4 lên thứ nhì trong danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Điều này cũng hàm ý, Hàn Quốc có thể sẽ sớm vượt qua Nhật Bản, để trở thành đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam.