08:05 21/12/2016

Lo “thảm hoạ” giao thông, Hà Nội cần cơ chế tài chính đặc thù

Nguyên Vũ

Bí thư Hoàng Trung Hải cho rằng phải có cơ chế đặc thù để Thủ đô vượt qua thách thức đã thấy rất rõ, đặc biệt là về giao thông

Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về cơ chế đặc thù cho Hà Nội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn về cơ chế đặc thù cho Hà Nội.
Hà Nội đang nhìn thấy thảm hoạ tiến đến mình mà không biết làm thế nào, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại phiên thảo luận của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Chiều 20/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về nghị định một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nêu rõ, dự thảo nghị định được kế thừa và bổ sung một số nội dung quan trọng nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách trung ương, đảm bảo cân đối tích cực trong phạm vi an toàn, an ninh tài chính quốc gia và từng bước phù hợp với khả năng ngân sách trung ương.

Thẩm tra việc ban hành nghị định, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020 thì cơ chế đặc thù về tài chính - ngân sách hiện hành tạo nguồn lực cho thành phố khá thấp vì bình quân thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho thành phố Hà Nội 5 năm qua còn thấp so với quy định, chỉ khoảng 30-35%.

Mặc dù thành phố đã được Trung ương bổ sung và hỗ trợ khác khá cao, như khoản vốn gần 2 tỷ USD ODA cấp phát, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thành phố.

Đa số ý kiến tại cơ quan thẩm tra cũng nhất trí với nội dung cụ thể Chính phủ trình.

Thực hiện nghị định này thì Hà Nội được lợi thêm gì về nguồn lực? Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi. Và câu trả lời từ Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Đinh Văn Nhã là không được lợi mà có thể còn "thiệt" hơn quy định hiện hành.

Nếu mở thêm để Thủ đô phát triển đúng tầm thì bàn, còn nếu mà bó hơn không tạo ra nguồn lực mới thì xin thôi cứ thực hiện cái cũ, Chủ tịch nêu quan điểm.

Trước khi Chủ tịch Quốc hội nêu câu hỏi, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng trình bày báo cáo đề nghị thêm một số nội dung tạo thuận lợi hơn về nguồn lực cho thành phố, trong đó có việc sử dụng nguồn thu cổ phần hoá để đầu tư một số công trình cụ thể, chủ yếu là trong lĩnh vực giao thông.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng được xin được phân cấp uỷ quyền đối với một số dự án nhóm A, cần phê duyệt chủ trương nhanh. Vì, nếu theo thủ tục thông thường thì mất đến trên 2 năm mới xong chủ trương đầu tư.

Nhóm A không được uỷ quyền, chi nhóm B, nhóm C mới được uỷ quyền, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Hơn một lần nhấn mạnh là "rất chia sẻ" với Hà Nội, song Bộ trưởng Dũng quả quyết trong bối cảnh ngân sách Trung ương khó khăn hiện nay thì thực hiện thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho Hà Nội cao hơn mức đã quyết định là không khả thi.

Ngân sách Trung ương mới đạt trên 83%, khả năng năm nay sẽ hụt từ 8 đến 12 ngàn tỷ, Bộ trưởng cho biết.

Năm nay ngân sách Trung ương vô cùng khó khăn, nếu thưởng vượt thu và đầu tư trở lại như Luật Thủ đô khi ngân sách Trung ương đang âm thì bội chi, nợ công sẽ tăng, thưởng bằng tiền đi vay thì khó, ông Dũng nói tiếp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nói thêm là pháp luật hiện hành quy định sử dụng tiền cổ phần hoá quy định rất chặt chẽ, tiền thu cổ phần hoá phải báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương, Quốc hội.

Khẳng định là rất chia sẻ với Trung ương và chấp hành nghiêm quyết định của Quốc hội, song Bí thư Hoàng Trung Hải cho rằng phải có cơ chế đặc thù để Thủ đô vượt qua thách thức đã thấy rất rõ, đặc biệt là về giao thông.

"Hà Nội 5 năm trước tăng trưởng kinh tế trên 9% bình quân nhưng đầu tư vào hạ tầng chỉ có 4%, tăng trưởng di dân tự do bình quân thì 1,4%, năm nay thì tăng 1,9%. Hôm trước tôi báo cáo Bộ Chính trị đang nhìn thấy thảm hoạ tiến dần đến mình mà không biết làm thế nào", ông Hải nói.

Bí thư Hà Nội phân trần, không bố trí nhà cao tầng thì không giải quyết được chỗ ở cho dân nhưng thách thức về giao thông là hết sức lớn. Đã quy hoạch 8 tuyến tàu điện ngầm với 300 km tàu điện ngầm chưa được cây số nào, xe bus thì hầu hết phải trợ giá vì dân không muốn đi, đã kêu gọi vốn tư nhân nhưng khó khăn vì cơ chế không hấp dẫn.

Hôm trước tôi đã báo cáo Bộ Chính trị là bức xúc về giao thông, về môi trường nếu không cấp bách giải quyết thì cũng dễ thành vấn đề chính trị, ông Hải nói thêm.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, cần ban hành cơ chế đặc thù cho Hà Nội với điều kiện đúng luật, đúng thẩm quyền và phải có sự đột phá, tạo ra đột phá mạnh mẽ cho thủ đô phát triển.

Theo Chủ tịch thì Chính phủ cũng nên nghiên cứu các đề xuất Hà Nội, trong đó có phân câp phân quyền trên nguyên tắc là không làm nguồn lực Hà Nội bị thu hẹp hơn hiện nay.