17:12 04/04/2013

Loại 9 dự án xi măng ra khỏi quy hoạch

Trang Anh

Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh tiến độ một số dự án xi măng

Nhà máy xi măng Hà Tiên - một trong 9 dự án xi măng bị loại khỏi quy hoạch.<br>
Nhà máy xi măng Hà Tiên - một trong 9 dự án xi măng bị loại khỏi quy hoạch.<br>
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến về việc rà soát, điều chỉnh tiến độ các dự án xi măng theo quy hoạch.

Trong công văn gửi các Bộ Xây dựng, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư cùng Ngân hàng Nhà nước ngày 3/4, Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc điều chỉnh tiến độ một số dự án xi măng.

Theo đó, sẽ đưa 9 dự án xi măng công suất dưới 2.500 tấn clinker/ngày ra khỏi quy hoạch. Đó là các dự án: xi măng Hà Tiên (Kiên Giang), Trường Sơn – Rô Li, Hợp Sơn, Ngọc Hà, Vinafuji (Lào Cai), Thanh Trường, Sơn Dương, Quang Minh (Cao Bằng).

Ngoài ra, Thủ tướng cũng đồng ý giãn tiến độ đầu tư 7 dự án, gồm: Hệ dưỡng 2, Mỹ Đức, Thanh Sơn, Tân Thắng, Đô Lương, Tân Phú Xuân, Nam Đông sang giai đoạn sau năm 2015.

Riêng dự án Xuân Thành 2 (Hà Nam) được đưa vào danh mục các dự án xi măng dự kiến vận hành trước năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan có biện pháp giám sát việc thực hiện các dự án theo đúng tiến độ điều chỉnh; chủ động xây dựng các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu xi măng đáp ứng yêu cầu sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý, hiệu quả.

Đồng thời, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Hiệp hội Xi măng Việt Nam, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) thống nhất giải pháp nâng cao hiệu quả trong xuất khẩu xi măng, hạn chế gây thiệt hại cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng trong nước.

Được biết, năm 2012 toàn ngành xi măng có công suất thiết kế khoảng 70 triệu tấn, sản lượng dự kiến đạt từ 60 - 62 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ nội địa dự kiến khoảng 47- 48 triệu tấn, xuất khẩu 7 - 8 triệu tấn.

Mới đây, Hiệp hội Vật liệu Việt Nam cũng đã kiến nghị Thủ tướng rút giấy phép các dự án chủ đầu tư không đủ năng lực, đã cấp phép nhiều năm chưa xây dựng như xi măng An Phú - Bình Phước, Minh Tâm - Bình Phước, Đô Lương - Nghệ An, Long Thọ 2 - Thừa Thiên - Huế...

Cùng với đó là không nên đầu tư những dự án không có đủ nguồn nguyên liệu đá vôi nằm trên những địa điểm cần bảo vệ cảnh quan, di tích như xi măng Hệ Dưỡng dây chuyền 2 - Ninh Bình, xi măng Mỹ Đức - Hà Nội, xi măng Xuân Thành 2 - Hà Nam…