12:59 05/05/2021

Loạt doanh nghiệp lợi nhuận phi thường, cổ phiếu "bất thường"

Kiều Trang

Bất chấp nhiều doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với kết quả tăng trưởng bứt phá và kế hoạch tăng trưởng đầy lạc quan trong năm 2021 nhưng giá cổ phiếu vẫn lao đầu sụt giảm...

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Diễn biến chỉ số VN-Index đã không trúng với kỳ vọng trước đó của giới chuyên gia và khối công ty chứng khoán cho rằng Vn-Index tháng 4 sẽ vững vàng trên nền giá mới ít nhất là 1.300 điểm hoặc 1.4000 điểm nhờ kết quả kinh doanh quý 1/2021 nhiều nhóm doanh nghiệp khởi sắc.

Trên thực tế, bất chấp nhiều doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với kết quả tăng trưởng bứt phá và kế hoạch tăng trưởng đầy lạc quan trong năm 2021 nhưng giá cổ phiếu vẫn lao đầu sụt giảm.

GIÁ CỔ PHIẾU NGƯỢC CHIỀU LỢI NHUẬN

Theo thống kê của VnEconomy, tính đến 3/5, đã có khoảng 532 doanh nghiệp trên hai sàn HNX, HSX công bố báo cáo tài chính quý 1/2021 với khoảng 330 doanh nghiệp báo lãi tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2020, trong đó có đến 172 doanh nghiệp có mức tăng trưởng từ 100% trở lên.

Đáng lưu ý xuất hiện hiện tượng ở nhiều doanh nghiệp, bất chấp thông tin kết quả kinh doanh tích cực nhưng cổ phiếu vẫn tuột dốc không phanh.

Chẳng hạn, ở khối ngân hàng, Ngân hàng TMCP Bắc Á, kết thúc quý 1/2021 ghi nhận lợi nhuận sau thuế 183,8 tỷ đồng, tăng 29% so với quý 1/2020. Năm 2021, Bắc Á Bank cũng trình cổ đông thông qua phương án tổng tài sản tăng 7% đạt 125.510 tỷ đồng. Huy động vốn thị trường 1 tăng 8% đạt 99.851 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 11% đạt 88.179 tỷ đồng. Mục tiêu lợi nhuận sau thuế năm 2021 đạt 700 tỷ, tăng 20% so với năm ngoái. Tuy nhiên, giá cổ phiếu BAB vẫn trong chuỗi giảm liên tiếp, giảm 26% kể từ khi đạt đỉnh vào giữa tháng 3 vừa qua.

Loạt doanh nghiệp lợi nhuận phi thường, cổ phiếu "bất thường" - Ảnh 1

Công ty Cổ phần Đầu tư Dịch vụ tài chính Hoàng Huy quý 4 năm tài chính 2020 (từ ngày 1/1/2021 - 31/3/2021) lợi nhuận đạt 206 tỷ đồng tăng 18% so với quý 4 của năm tài chính 20219. Luỹ kế cả năm tài chính 2020 Tài chính Hoàng Huy ghi nhận lợi nhuận sau thuế 1.035 tỷ đồng tăng 63% so với năm 2019. Trên thị trường, cổ phiếu TCH đang đi ngang tích luỹ sau khi giảm 19% trong vòng 2 tuần gần đây.

Tương tự, tại Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM), báo cáo tài chính hợp nhất quý 1 DCM ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 151,6 tỷ đồng, tăng 64% so với quý 1/2020 nhưng gía cổ phiếu đã giảm hơn 11% trong vòng 2 tuần trở lại đây.

Hay Công ty CP Sonadezi Châu Đức có doanh thu quý 1/2021 đạt 180 tỷ đồng, tăng 43%; lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp 79,6 tỷ đồng, tăng 48% so với quý 1/2020 song giá cổ phiếu SZC vẫn trong xu hướng giảm. Kết thúc phiên cuối cùng của tháng 4/2021, SZC được giao dịch mức giá 34.500 đồng/cổ phiếu, giảm gần 13% trong vòng một tuần và giảm 21% so với hồi tháng 3 vừa qua.

Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Bình Phước (ACC) cũng có lợi nhuận quý 1/2021 tăng gấp đôi so với quý 1/2020 nhưng trên sàn, giá cổ phiếu ACC đã giảm 21% suốt từ tháng 3 đến nay bất chấp có thông tin tích cực từ kết quả kinh doanh.

Loạt doanh nghiệp lợi nhuận phi thường, cổ phiếu "bất thường" - Ảnh 2

Lý giải diễn biến giá cổ phiếu ngược chiều lợi nhuận, giới chuyên môn cho rằng đó là điều hết sức bình thường bởi kết quả kinh doanh phản ánh vào giá cổ phiếu từ trước đó, tình trạng tin ra là bán đã chi phối toàn thị trường. Thị trường chịu cũng nhiều áp lực điều chỉnh do yếu tố bất lợi từ Covid 19, margin căng trong quý 1/2021...cũng khiến nhiều cổ phiếu chịu xu hướng sụt giảm. 

 

Thống kê với 261 cổ phiếu thuộc rổ VNAllshare trên sàn HSX, trong tháng 4 - tháng cao điểm báo cáo lợi nhuận quý 1/2021, có tới 186 cổ phiếu giảm giá, gây thua lỗ cho nhà đầu tư, tương đương chiếm 71,3%. Trong số này, 22 mã giảm trên 15%, 53 mã giảm trên 10%.

Trong khi đó, trong giai đoạn thị trường bứt phá chủ yếu nhờ hỗ trợ ở nhóm trụ, cổ phiếu vốn hoá lớn. Tuy nhiên, khi thị trường điều chỉnh, lại đẩy giá ở nhóm doanh nghiệp vốn hoá nhỏ và trung bình. Trong tháng 4, dòng tiền ở nhóm cổ phiếu vốn hoá nhỏ và vừa đã suy yếu hơn sau giai đoạn "bốc đầu" trước đó. 

Tuy nhiên, tác động của lợi nhuận quý 1 không bó hẹp ở thời điểm ngắn hạn mà có ảnh hưởng dài hạn hơn. Do đó, doanh nghiệp có lợi nhuận quý 1 tốt sẽ tiếp tục thu hút được dòng tiền.

CHỦ ĐỀ NÀO HẤP DẪN CHO THÁNG 5?

Bước sang tháng 5, nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng và Lương thực tiếp tục xu thế tăng trưởng tích cực trong giai đoạn tới.

Cụ thể, ở nhóm ngân hàng, theo KBSV, lãi suất cho vay ngân hàng neo ở mức thấp là cơ sở để kỳ vọng tăng trưởng tín dụng năm 2021 sẽ đạt mức 12-14%. Những ngân hàng có cơ bản tốt, đã trích lập dự phòng lớn và có nhiều điểm nhấn đầu tư như chuyển sàn, ghi nhập thu nhập bất thường… trong năm 2021 là các cơ hội đầu tư thích hợp tiêu biểu như VCB, TCB, CTG, VPB, ACB.

Chứng khoán VnDirect đánh giá, Thông tư 03/2021/TT-NHNN bổ sung các điều kiện để cơ cấu lại khoản nợ và kéo dài lộ trình trích lập dự phòng cho nợ tái cơ cấu đến năm 2023, điều này sẽ giảm bớt áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng thương mại trong giai đoạn 2021 – 2023. Từ đó giúp các ngân hàng thương mại có dư địa cho thu nhập giữ lại để hỗ trợ tăng cường an toàn vốn, và thúc đẩy cho vay phục vụ kinh doanh sản xuất. Trong đó, VPB, BID và HDB được đánh giá triển vọng tích cực đầu tư.

Chứng khoán SSI cũng cho rằng, nhóm ngân hàng gồm MBB và TCB tiếp tục khả quan nhờ tín dụng chuyển hướng sang các doanh nghiệp lớn, tăng trưởng khả quan ở tất cả cả nguồn thu.

Đồng quan điểm, ông Petri Deryng, Giám đốc đầu tư quỹ PYN Elite cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng sẽ sớm lấy lại đà tăng sau khi chịu các biện pháp  kiểm soát có thể có của Ngân hàng Trung ương Việt Nam liên quan đến giá bất động sản tăng nóng thời gian qua. Tốc độ thu nhập trong năm 2021 sẽ đẩy cổ phiếu của ngành ngân hàng lên một mức tăng mới.

Tăng trưởng tín dụng (nghìn tỷ).
Tăng trưởng tín dụng (nghìn tỷ).

Ở nhóm Lương thực, theo tổ chức Lương thực Quốc tế (FAO), chỉ số giá lương thực toàn cầu đã tăng 2,1% trong tháng 3/2021 và đang ở mức cao nhất kể từ tháng 6/2014 do các yếu tố nguồn cung bị gián đoạn, tỷ lệ dự trữ nông sản thấp và đồng Đô la Mỹ suy yếu tác động. Xu hướng giá này dự kiến sẽ tiếp tục tăng do triển vọng mùa vụ năm 2021 bị ảnh hưởng do thời tiết bất lợi và sự phục hồi nhanh hơn kỳ vọng tại Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu về lương thực tăng cao.

Những doanh nghiệp kinh doanh trong các nhóm như gạo, sản xuất đường, phân bón hưởng lợi trực tiếp từ đà tăng giá lương thực toàn cầu. “Chúng tôi ưa thích LTG và QNS do các công ty này tự chủ được nguồn nguyên liệu đầu vào và hưởng lợi từ mức giá bán cao hơn. Trong đó, QNS có thể được hưởng lợi kép từ quyết định mới về thuế chống bán phá giá lên đường nhập khẩu Thái Lan và giá đường tăng theo giá thế giới. Các công ty phân bón như DPM, DCM cũng được hưởng lợi gián tiếp từ nhu cầu về vật tư nông nghiệp tăng cao do nông dân tăng sản xuất để tận dụng xu hướng giá lương thực tăng”, VnDirect nhấn mạnh.

Chứng khoán KBSV cũng nhấn mạnh, nhóm ngành gạo, cao su, cà phê tiếp tục được hưởng lợi trong quý 2/2021 nhờ nhu cầu nông sản cao từ Trung Quốc hậu Covid 19. Nhóm ngành hàng hoá này cũng được xem là một loại tài sản bảo vệ nhà đầu tư trước rủi ro lạm phát...