09:25 20/11/2009

Loay hoay chọn cổ đông chiến lược

Tuấn Linh

Dù khẳng định quyết tâm nhưng không ít doanh nghiệp đã hơn một lần "lỗi hẹn" cổ phần hoá

Vietinbank tuy đã cổ phần hóa nhưng hiện vẫn chưa chọn được cổ đông chiến lược.
Vietinbank tuy đã cổ phần hóa nhưng hiện vẫn chưa chọn được cổ đông chiến lược.
Dù khẳng định quyết tâm nhưng không ít doanh nghiệp đã hơn một lần "lỗi hẹn" cổ phần hoá. Thậm  chí, cả các doanh nghiệp đã cổ phần hoá vẫn còn loay hoay lựa chọn cổ đông chiến lược...

Theo Quyết  định 1729/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ, có 71 tổng công ty và Tập đoàn Dệt may tiến hành cổ phần hoá trong giai đoạn từ  2007 đến 2010. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 10/2009, mới chỉ có 11 tổng công ty đã hoàn thành cổ phần hóa bao gồm 9 tổng công ty Nhà nước và 2 ngân hàng thương mại; 4 trong số đó đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Cổ đông chiến lược gặp khó

Theo ông Phạm Viết Muôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, sau một thời gian thí điểm, quá trình cổ phần hóa đang được mở rộng sang các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực then chốt, quy mô lớn, có khả năng sinh lời cao như ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không, hàng hải, dầu khí...

Tuy nhiên, các doanh nghiệp quy mô lớn này lại có cơ cấu tài chính phức tạp, nhiều doanh nghiệp trong số này là công ty mẹ trong mô hình công ty mẹ - công ty con và công ty mẹ của tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước.

Đánh giá về thực trạng cổ phần hóa, Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cho rằng, bên cạnh những tồn tại, vướng mắc lớn như tiến độ cổ phần hóa diễn ra còn chậm, không đạt kế hoạch đặt ra; thời gian hoàn thành cổ phần hóa một tổng công ty quá dài, bình quân 2 năm; kết quả IPO thấp, không đạt kế hoạch bán ra ngoài theo phương án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trong tổng số 11 tổng công ty Nhà nước đã cổ phần hóa, có 7 tổng công ty có cổ đông chiến lược: Habeco và Sowatco lựa chọn được cổ đông chiến lược nước ngoài theo yêu cầu. Còn lại hầu hết các tổng công ty Nhà nước khi cổ phần hóa chưa chọn được cổ đông chiến lược phù hợp, thậm chí có tổng công ty đến nay vẫn không chọn được cổ đông chiến lược như Vietcombank, Sabeco...

Do vậy, mục tiêu huy động vốn và mục tiêu thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp ở các tổng công ty Nhà nước chưa thể thực hiện được.

TS. Phạm Huy Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietinbank, một trong những đơn vị đã cổ phần hóa nhưng chưa chọn được cổ đông chiến lược cho rằng, trong thực tế triển khai, quy định hiện hành về giá bán cổ phần cho cổ đông chiến lược không được thấp hơn giá đấu thành công bình quân còn "gò bó", có thể gây khó khăn cho doanh nghiệp khi lựa chọn cổ đông chiến lược, đặc biệt là cổ đông chiến lược nước ngoài.

Bởi cổ đông chiến lược, trong đó có cổ đông chiến lược nước ngoài là những nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm về quản lý và có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều mặt hoạt động, phải cam kết giữ cổ phần tối thiểu từ 3-5 năm, gắn bó lâu dài với lợi ích của doanh nghiệp lại phải mua cổ phần theo giá phục thuộc vào giá mua của cổ đông nhỏ lẻ, yếu kém hơn cả về năng lực và kinh nghiệm.

Đó là chưa kể đến hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ, suy thoái kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tới nguồn lực và chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Khẳng định vai trò "chiến lược"

Vụ Đổi mới doanh nghiệp, Văn phòng Chính phủ cho rằng, để đẩy nhanh tốc độ cổ phần hóa, đảm bảo quá trình cổ phần hóa minh bạch, theo nguyên tắc thị trường, chất lượng và hiệu quả hơn cần có sự bổ sung về phương thức cổ phần hóa. Đặc biệt, doanh nghiệp Nhà nước có thể thực hiện bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược và người lao động, tổ chức công đoàn trước để chuyển sang công ty cổ phần. Các nhà đầu tư chiến lược sẽ cùng cổ đông Nhà nước tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp, thay đổi phương thức quản trị để doanh nghiệp hoạt động thực sự có hiệu quả.

Sau một thời gian hoạt động mới thực hiện đấu giá bán tiếp cổ phần Nhà nước hoặc phát hành cổ  phiếu công khai ra công chúng. Cách làm này sẽ phát huy vai trò của cổ đông chiến lược cũng như  tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao giá trị  của doanh nghiệp trước khi thực hiện IPO.

Bên cạnh đó, cùng với việc quy định cụ thể tiêu chí  lựa chọn cổ đông chiến lược phù hợp với từng ngành nghề, số lượng cổ đông chiến lược tối đa, tỷ lệ cổ phần tối đa bán cho cổ đông chiến lược, việc bán cổ phần cho đối tượng này có thể thực hiện theo phương thức thoả thuận trực tiếp.

Giá bán sẽ căn cứ trên phương thức xác định vốn  điều lệ, giá khởi điểm, tỷ lệ cổ  phần nhà đầu tư chiến lược được phép mua, những cam kết về thời gian nắm giữ cổ phần, hỗ trợ về thị trường, công nghệ, quản lý, điều hành doanh nghiệp... Giá bán cho cổ đông chiến lược sẽ là cơ sở xác định giá bán cổ phần cho người lao động và tổ chức công đoàn trước khi IPO.

Mặt khác, Vụ Đổi mới doanh nghiệp cũng đề xuất hai phương án xác  định vốn điều lệ, vốn khởi điểm để bán đấu giá và thương thảo giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Phương án thứ nhất đã được thực hiện thí điểm khi cổ phần hóa Vietcombank và Vietinbank: giá trị doanh nghiệp sau khi kiểm toán và xử lý các tồn tại về tài chính là căn cứ xây dựng vốn điều lệ của công ty cổ phần; giá trị doanh nghiệp sau khi xác định lại được sử dụng làm căn cứ xác định giá khởi điểm IPO hoặc thương thảo giá bán cổ phần cho các cổ đông chiến lược.

Phương án thứ hai: giá trị doanh nghiệp sau khi xác định lại là căn cứ xây dựng vốn điều lệ. Khi đó, giá khởi điểm đấu giá hoặc thương thảo giá bán cho cổ đông chiến lược được xác định bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.