03:13 10/07/2008

Lợi nhuận ngân hàng bắt đầu hé mở

Minh Đức

Những con số chứng minh cho năng lực của các ngân hàng thương mại trong nửa năm đầy khó khăn bắt đầu được công bố

Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng vẫn đang hướng tới hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Trong bối cảnh khó khăn, nhiều ngân hàng vẫn đang hướng tới hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Những con số chứng minh cho năng lực của các ngân hàng thương mại trong nửa năm đầy khó khăn bắt đầu được công bố.

Cuộc khủng hoảng tín dụng từ Mỹ được xem là “cú hích” đầu tiên, dồn đẩy những khó khăn của các ngân hàng thương mại tập trung trong nửa đầu năm 2008. Sự suy giảm kéo dài của thị trường chứng khoán, bất động sản dẫn tới một nghiệp vụ chính bị ảnh hưởng. Hạn mức 30% tăng trưởng tín dụng siết lại nguồn thu truyền thống. Căng thẳng thanh khoản, biến động mạnh của tỷ giá… là những khó khăn kéo dài.

Thực tế trên đã buộc nhiều ngân hàng thương mại phải điều chỉnh lại mục tiêu lợi nhuận. Chiến lược tăng tốc từng tạo ấn tượng mạnh trong năm 2007 buộc phải chuyển sang những bước tiến thận trọng, bền vững.

Nhưng, những số liệu vừa được công bố cho thấy nhiều thành viên vẫn đang khẳng định hiệu quả trong hoạt động, đặc biệt ấn tượng trước những khó khăn nói trên.

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) được xem là một “hiện tượng” khi trở thành ngân hàng quốc doanh đầu tiên và cũng là thành viên sớm sủa nhất trong hệ thống công bố lợi nhuận 6 tháng đầu năm: Lợi nhuận trước thuế đạt 604 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước, đạt 19% kế hoạch năm.

Điểm đáng chú ý là lợi nhuận của BIDV - một trong những ngân hàng lớn nhất, thâm niên nhất hiện nay – chỉ đạt 19% kế hoạch năm, thấp hơn nhiều về giá trị tuyệt đối so với một số ngân hàng cổ phần hàng đầu.

Như với Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), con số lợi nhuận đạt được trong 6 tháng đầu năm 2008 là 754 tỷ đồng; với Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là 723 tỷ đồng; và dự tính sẽ là một khoảng cách đáng kể nếu so với kết quả của Ngân hàng Á châu (ACB), hiện chưa công bố.

Thông báo từ Ngân hàng Quân đội (MB) cũng cho thấy một con số khả quan. 6 tháng đầu năm, ngân hàng này dự tính đạt khoảng 450 tỷ đồng lợi nhuận (bằng 61% mục tiêu cả năm).

Một số ngân hàng khác như Ngân hàng Hàng Hải (Maritime Bank), tính đến hết ngày 19/6, cũng đã đạt lợi nhuận trước thuế gần 175 tỷ đồng; hay Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) có tín hiệu lạc quan khi thu về 71 tỷ đồng lợi nhuận riêng trong tháng 5/2008…

Hiện thị trường đang chờ đợi những dữ liệu tiếp tục được công bố từ các thành viên; trong đó sự chú ý của giới đầu tư tập trung ở ACB, ngân hàng thường tạo ấn tượng trong những năm gần đây.

Lần này, vị trí số 1 về lợi nhuận của ACB trong khối ngân hàng thương mại cổ phần dự báo sẽ có sự thay đổi. Đây là sự thay đổi về hình thức, có từ sự chuyển đổi mô hình hoạt động của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank).

Hướng đến mục tiêu cả năm

BIDV hiện mới chỉ đạt 19% kế hoạch năm, thời gian và việc hoàn thành mục tiêu còn lại sẽ nhiều khó khăn. Nhưng một số ngân hàng cổ phần vẫn cho thấy khả năng “trong tầm tay”, ngoại trừ những biến động xấu bất thường trên thị trường.

Tiêu biểu như MB, hiện đã nắm 61% kế hoạch cả năm. Hay Eximbank cũng đã có 50% với dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi năm 2007. Hai ngân hàng đã niêm yết là ACB và Sacombank dường như khó khăn hơn khi mục tiêu cả năm lần lượt là 2.500 tỷ đồng và 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, diễn biến những năm gần đây cho thấy lợi nhuận ngân hàng thường tăng tốc mạnh (cũng như nhiều ngành hàng khác) trong nửa cuối của năm.

Cở sở để các ngân hàng hướng đến mục tiêu lợi nhuận cả năm là môi trường kinh doanh đã dần có những tín hiệu tích cực.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, vốn khả dụng của hệ thống đã dư thừa, tính thanh khoản đã được cải thiện. Lạm phát trong 6 tháng còn lại dự báo sẽ có những chuyển biến thuận lợi để ổn định lãi suất trên thị trường (những ngày gần đây, lãi suất đã có tín hiệu dịu bớt sau căng thẳng kéo dài từ đầu năm). Tỷ giá và cung - cầu ngoại tệ đang dần được bình ổn. Thị trường chứng khoán và bất động sản đang có tín hiệu phục hồi…

Tuy nhiên, lợi nhuận không phải là mục tiêu hàng đầu của nhiều ngân hàng hiện nay. Trong một năm khó khăn, sự phát triển bền vững, an toàn được ưu tiên hàng đầu.

Theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Sacombank, trong bối cảnh khó khăn đó, thậm chí ngân hàng sẽ hy sinh một phần mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận để tập trung cao nhất cho mục tiêu an toàn trong các mặt hoạt động như thanh khoản, quản lý rủi ro, tăng trưởng tín dụng…, đảm bảo mục tiêu phát triển trong dài hạn.

Còn theo quan điểm của ông Lê Văn Bé, Tổng giám đốc MB, phía sau khó khăn của năm 2008 không chỉ là việc chứng minh năng lực tạo lợi nhuận, mà là sự khẳng định chiến lược hoạt động đúng đắn hay không của ngân hàng, cũng như giá trị các giải pháp ứng phó.