15:51 05/08/2016

Lợi nhuận nhiều ngân hàng giảm, phải tăng trích lập dự phòng

Nguyễn Hoài

Ngân hàng phân loại nợ theo yêu cầu xếp hạng tín nhiệm của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tổng tài sản ngân hàng đạt 930 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm.
Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tổng tài sản ngân hàng đạt 930 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm.
Kết thúc nửa đầu năm 2016, bức tranh lợi nhuận ngân hàng có phần thiếu lạc quan.

Theo giới kinh doanh và phân tích, ngoài yếu tố bất lợi của thị trường, đó còn là kết quả tất yếu của việc tăng trích lập dự phòng rủi ro theo tiêu chuẩn định tính và yêu cầu mới về xếp hạng tín nhiệm khách hàng của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC).

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016 của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tổng tài sản ngân hàng đạt 930 nghìn tỷ đồng, tăng 9,2% so với đầu năm và giữ vững vị trí đứng đầu hệ thống.

Trích lập theo định tính

Trong đó, quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 876 nghìn tỷ đồng, riêng dư nợ tín dụng trên 680 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 8,3% so với đầu năm, phù hợp với nhịp độ tăng trưởng chung của toàn ngành ngân hàng.

Các lĩnh vực đầu tư cho “tam nông”, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay tàu cá, hỗ trợ khách hàng cá nhân khai thác, nuôi trồng, chế biến thủy hải sản chiếm tỷ trọng lớn; chất lượng tín dụng được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu 2%.

Cùng đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 6 tháng đạt 3.311 tỷ, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm trước; chi phí/hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng 4.526,391 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ.

Tại Sacombank, báo cáo tài chính cho thấy, lũy kế 6 tháng đầu năm, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 731,093 tỷ đồng, trong khi, con số này của năm trước là 697,777 tỷ đồng, lãi trước thuế đạt 363 tỷ đồng, giảm mạnh 76% so với cùng kỳ.

Sở dĩ như vậy là vì Sacombank phải trích lập nhiều để xử lý các khoản nợ của mình và của Ngân hàng Phương Nam chuyển sang.

Một đơn vị khác là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 6 tháng qua trên 1.000 tỷ đồng, dẫn đến lãi ròng hợp nhất chỉ còn 67 tỷ đồng.

Những con số trên chỉ có ở những đơn vị thực hiện minh bạch báo cáo tài chính trên cổng thông tin của mình; trong khi nhiều ngân hàng khác hiện vẫn chưa công bố.

Giải thích diễn biến có phần ngược chiều giữa hai dãy số liệu lợi nhuận và trích lập dự phòng rủi ro, đại diện một ngân hàng lớn cho hay, lợi nhuận ngân hàng giảm là do trích lập dự phòng rủi ro tăng khi được phản ánh đúng, đủ theo quy định hiện hành (Thông tư số 02/2013/TT-NHNN và Thông tư 09/2014/TT-NHNN sửa đổi một số điều Thông tư 02/2013/TT-NHNN về phân loại tài sản Có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro) trong vài năm gần đây.

Theo đó, 6 danh mục tài sản “Có”, bao gồm: cho vay; cho thuê tài chính; chiết khấu, tái chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác; bao thanh toán; các khoản cấp tín dụng dưới hình thức phát hành thẻ tín dụng; các khoản phải trả theo cam kết ngoại bảng đều phải được phân loại theo định tính và trích lập dự phòng đúng, đủ.

Trong khi trước đây, khá nhiều trong số 6 danh mục trên bị cố tình lẩn khuất nên nợ xấu phản ánh thấp hơn, trích lập ít hơn và vì vậy, “ngân hàng lãi khủng” là cụm từ khá quen tai trong một thời gian dài.

Tăng trích lập để dày đệm an toàn

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank cho biết, 6 tháng đầu năm 2016, VietinBank là “ngân hàng hiếm hoi cân bằng được giữa lợi nhuận và trích lập dự phòng rủi ro”.

Báo cáo tài chính ngân hàng này ghi nhận: tổng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp trên 4.272 tỷ đồng, cùng kỳ trên 3.878 tỷ đồng, tăng 394 tỷ đồng; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trên 3.000 tỷ đồng, cùng kỳ 2.536 tỷ đồng, tăng 464 tỷ đồng.

“Chi phí dự phòng tăng nhưng lợi nhuận vẫn tăng, đó mới là yếu tố quan trọng khẳng định kinh doanh hiệu quả gắn với an toàn hoạt động”, ông Thọ nói.

Theo ông, vài năm gần đây, khi thực hiện Thông tư 02 và 09, tất cả tổ chức tín dụng đều phải phân loại tài sản “Có” và trích lập dự phòng theo phương pháp định tính thay vì định lượng như trước. Sự khác nhau của hai phương pháp này ở chỗ: thay vì căn cứ vào đến hạn trả nợ của khách hàng có trả được hay không để phân loại nợ và trích lập thì nay, ngân hàng căn cứ vào xếp hạng tín nhiệm của khách hàng để phân loại nợ.

Nói khác đi, ngân hàng phải căn cứ vào tình hình kinh doanh, tài chính hiện tại cũng như xu hướng tốt hay xấu của khách hàng, để quyết định phân loại nợ, từ đó làm cơ sở cho trích lập dự phòng rủi ro. Điều này giúp ngân hàng xác định được năng lực thực sự trong ngắn hạn, trung dài hạn của khách hàng.

Kể cả khi, khách hàng vẫn thanh toán được nợ đến hạn nhưng không có nghĩa, tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của doanh nghiệp đó là tốt.

Ngoài ra, từ tháng 4/2015, các ngân hàng còn phải phân loại nợ theo yêu cầu xếp hạng tín nhiệm của Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam để làm cơ sở trích lập dự phòng. Cụ thể, nếu một doanh nghiệp X quan hệ tín dụng đồng thời với hai ngân hàng A và B; nếu X được A xếp tín nhiệm cao nhưng B xếp tín nhiệm thấp thì tín nhiệm của doanh nghiệp đó lập tức phải theo B, tức là thấp.

Một cán bộ của cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, việc phân loại và trích lập như vậy sẽ buộc các tổ chức tín dụng kiểm soát tốt rủi ro và lựa chọn khách hàng, tránh cho vay ẩu, tạo lập được nền tảng an toàn tài chính bền vững, mặc dù có thể ảnh hưởng tới lợi nhuận trong ngắn hạn. Trong trường hợp phân loại nợ và trích lập dự phòng không đúng và đủ theo quy định, lập tức sẽ bị cơ quan này soát xét.