Lúa lậu từ Campuchia vẫn được tuồn vào Việt Nam
Tổ Liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang vừa phối hợp cùng Công an xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn và Đồn biên phòng Lạc Quới bắt quả tang vụ vận chuyển trên 70 tấn lúa nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam...
Tổ Liên ngành chống buôn lậu tỉnh An Giang vừa phối hợp cùng Công an xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn và Đồn biên phòng Lạc Quới bắt quả tang vụ vận chuyển trên 70 tấn lúa nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam.
Theo đó, vào khoảng 12 giờ 30 phút, ngày 24/8/2022, Tổ công tác Liên ngành chống buôn lậu tỉnh chủ trì phối hợp với Công an xã Lạc Quới và Đồn biên phòng Lạc Quới, bắt quả tang Trần Minh Gian (sinh năm 1989, trú tại xã An Nông, huyện Tịnh Biên, An Giang) đang điều khiển xe cải tiến tự chế vận chuyển lúa từ hướng biên giới Campuchia về tập kết tại khu vực vành đai biên giới thuộc tổ 6, ấp Vĩnh Quới, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang.
Lực lượng chức năng đã phát hiện một nhóm công nhân đang vác các bao lúa xuống phương tiện thuỷ (ghe sắt) neo đậu trên kênh Vĩnh Tế. Qua kiểm tra, Tổ công tác phát hiện tại điểm tập kết và trên ghe sắt có 1.138 bao tải bên trong chứa trên 70.800 kg lúa, trị giá trên 383 triệu đồng.
Làm việc với Tổ công tác, Trần Minh Gian khai nhận số lúa trên của bà Lê Thị Hạnh (sinh năm 1967, trú tại ấp Vĩnh Hoà, xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, An Giang). Qua làm việc, bà Hạnh thừa nhận mua số lúa trên của một người Campuchia rồi thuê Gian vận chuyển về Việt Nam thì bị lực lượng chức năng kiểm tra bắt quả tang.
Tại thời điểm kiểm tra, bà Hạnh không xuất trình được hồ sơ nhập khẩu liên quan đến số lúa trên. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu tội phạm, Tổ công tác bàn giao vụ việc cho Công an huyện Tri Tôn lập biên bản tạm giữ phương tiện cùng tang vật để tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo thẩm quyền.
Theo cơ quan chức năng, việc nhập lậu lúa từ Campuchia vào Việt Nam rồi xay ra gạo vốn diễn ra khá phổ biến và đã kéo dài nhiều năm nay.
Gạo Campuchia hiện được bày bán khá công khai tại chợ thị xã biên giới Hà Tiên (được gọi là "gạo rẫy") với giá tương đối cao. Loại gạo này được nhiều người chọn mua ăn vì cho rằng đây là loại gạo "sạch", nấu ngon cơm.
Trước đây, một số đầu nậu người Việt đứng ra tổ chức thu gom gạo Campuchia rồi đưa đi tiêu thụ, nhưng hiện tại, việc này được bàn giao lại cho thương lái người Campuchia.
Một số chuyên gia kinh tế khuyến nghị, để tránh việc trộn lẫn các loại lúa gạo hoặc nhập khẩu tiểu ngạch lúa gạo hay nông sản từ Campuchia vào Việt Nam, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra mặt hàng này từ Campuchia cũng như từ các nước khác thông qua Campuchia nhập vào Việt Nam. Qua đó, bảo đảm nguyên tắc xuất xứ cũng như giữ vững thương hiệu nông sản Việt.