Luật đa mục tiêu và tâm tư Bộ trưởng
Bộ trưởng tâm tư về sự phối hợp trong xây dựng luật, lãnh đạo Quốc hội nói Quốc hội và Chính phủ luôn phối hợp rất chặt chẽ, chung lưng đấu cật xử lý những vấn đề phát sinh của cuộc sống
"Chính phủ luôn coi xây dựng thể chế là nhiệm vụ hàng đầu, xuyên suốt, nhưng sự phối hợp giữa Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ thế nào phải thống nhất", Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nói trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Chiều 17/4, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà thừa uỷ quyền Thủ tướng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị.
Theo tờ trình, luật này sửa đổi, bổ sung một số điều có liên quan trực tiếp đến đầu tư, kinh doanh và quy hoạch được quy định tại 4 luật nói trên.
Chính phủ khẳng định rằng việc sửa đổi, bổ sung 4 luật là hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay, để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Mục tiêu được đặt lên hàng đầu là củng cố, hoàn thiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng, phát triển nhà ở, kinh doanh bất động sản nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra dự án luật) Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với mục tiêu cần sửa đổi, bổ sung các luật nhằm bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất, hiệu lực của Luật Quy hoạch.
Tuy nhiên, việc dùng một luật sửa nhiều luật, nhiều nội dung sửa đổi khác nhau và đa mục tiêu khó có thể bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và chất lượng các quy định trong quá trình sửa đổi, bổ sung. Vì vậy, trước mắt tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch (19/77 điều liên quan đến Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đô thị), đối với các nội dung khác cần phải rà soát, tổng kết, đánh giá tác động kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Về các vấn đề cụ thể, Uỷ ban Kinh tế cũng đề nghị cơ quan soạn thảo giải trình, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến sửa đổi, bổ sung các nội dung về quy hoạch, về điều kiện kinh doanh tại 4 luật.
Tại phiên họp, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng trình bày báo cáo riêng của uỷ ban này nêu hàng loạt những bất cập của dự thảo luật, chỉ ra không ít nội dung mâu thuẫn với nhiều quy định của pháp luật hiện hành và mâu thuẫn cả với chính quy định tại cùng luật được đề nghị sửa đổi.
Uỷ ban này nhận xét, có những vấn đề được đề xuất sửa đổi, bổ sung dẫn đến sự thay đổi chính sách rất lớn, nhưng chưa được đánh giá tác động một cách đầy đủ.
Một số ý kiến thảo luận cũng lo ngại nếu sửa quá nhiều như đề xuất của Chính phủ sẽ dẫn đến sự xung đột chính sách, vì thế những nội dung không liên quan đến việc thực hiện Luật Quy hoạch có thể được sửa nhưng phải thực hiện theo đúng quy trình và không gộp vào luật này.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh rằng việc báo cáo tổng kết thi hành luật là cơ sở quan trọng để đề xuất sửa luật, và báo cáo này phải là của Chính phủ chứ không phải của một bộ.
Nhưng báo cáo này và cả báo cáo đánh giá tác động trong hồ sơ dự án luật đều không có ai ký mà chỉ có dấu treo, vậy đã là báo cáo chính thức chưa?
Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhận định thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề cho thấy sự cần thiết phải sửa Luật Nhà ở, Luật Xây dựng, nhưng đánh giá tác động thì chưa rõ, cần được chuẩn bị kỹ hơn. Vì thế trước mắt tách các nội dung có liên quan đến Luật Quy hoạch đưa vào nội dung một luật sửa 13 luật, để thông qua vào kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Các vấn đề còn lại phải sửa nhưng phải làm theo quy trình hai kỳ họp, nếu chuẩn bị tốt thì thông qua ngay kỳ họp thứ sáu của Quốc hội vào cuối năm nay.
Khẳng định báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành luật và báo cáo đánh giá tác động đều là của Chính phủ và đã lấy ý kiến của các bên liên quan, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói việc chưa ký thừa uỷ quyền là sai sót của cá nhân ông. Đây là báo cáo chính thức, ông Hà hồi âm ý kiến của Chủ nhiệm Nga.
Bộ trưởng Hà cũng nói rằng ông rất ngạc nhiên khi mà dự án luật trình sang lúc thì một uỷ ban thẩm tra, lúc thì có đến hai, ba uỷ ban cùng có ý kiến.
"Có những ý kiến của các uỷ ban nói không có cơ sở thì chúng tôi sẵn sàng giải thích, nhưng uỷ ban chưa trao đổi với cơ quan soạn thảo", ông Hà trình bày.
Nhấn mạnh Thủ tướng và Chính phủ rất coi trọng việc xây dựng thể chế, và kết quả cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh không chỉ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng mà còn là niềm tin của xã hội, Bộ trưởng cho biết, những nội dung đề nghị sửa đổi 4 luật này đã tổng kết từ hơn 2.000 ý kiến từ đại biểu Quốc hội, thông qua mặt trận, giới chuyên gia... cách đây 4-5 năm rồi và đó là những nội dung được cả xã hội mong đợi.
Đồng ý tách riêng nội dung về quy hoạch như các ý kiến nói trên, song ông Hà cho rằng dù thế thì vẫn nên có một luật sửa các nội dung liên quan đến đầu tư kinh doanh.
Bộ trưởng cũng "nói thật" rằng, các thành viên Chính phủ làm quản lý điều hành hơn ai hết hiểu đó còn là cuộc đấu tranh trong nội bộ của các bộ, bởi sửa đổi luật, cắt giảm điều kiện kinh doanh là cắt giảm quyền của một số bộ.
Thêm một lần bày tỏ mong muốn được sửa đổi ngay những nội dung liên quan đến đầu tư kinh doanh tại kỳ họp này, ông Hà tái khẳng định là đã đánh giá kỹ tác động, hồ sơ còn thiếu sót gì thì xin hoàn chỉnh lại, bởi đó là những vấn đề hết sức cấp bách.
Sau phát biểu của ông Hà, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định Quốc hội và Chính phủ luôn phối hợp rất chặt chẽ, chung lưng đấu cật xử lý những vấn đề phát sinh của cuộc sống, chưa có điểm nào mắc mớ cả. Nhưng sửa nhiều luật thì phải đúng quy trình, thận trọng nhưng không né tránh để làm chậm quá trình đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Bộ Xây dựng trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật, và không phải không ủng hộ ưu tiên sửa luật tháo gỡ vướng mắc khó khăn tạo môi trường thông thoáng cho sản xuất kinh doanh và làm ăn. Nhưng còn băn khoăn vì những nội dung Chính phủ đề xuất sửa có nội dung trùng, có nội dung thì chưa đạt sự thống nhất, chưa đánh giá tác động đầy đủ nên cần phải nghiên cứu để sửa toàn diện.