06:00 18/05/2021

Luật riêng cho ngành công nghiệp: Tạo “cú huých” để ngành chế tạo tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Nguyễn Mạnh

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự án Luật Phát triển công nghiệp với mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong GDP lên 25% vào năm 2025...

Sản xuất công nghiệp là ngành mang lại giá trị gia tăng cao.
Sản xuất công nghiệp là ngành mang lại giá trị gia tăng cao.

Đây là một dự án luật khá đặc biệt, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã hội nhập kinh tế toàn diện với thế giới, nhiều loại thuế nhập khẩu về 0% nên việc nhập khẩu thành phẩm về tiêu dùng là nhanh và rẻ hơn sản xuất trong nước. Đó không chỉ là thách thức không chỉ đối với riêng ngành chế biến, chế tạo mà còn là thách thức của cả nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án luật này cũng mang đến hy vọng về một nền công nghiệp “tự chủ, tự cường” giúp hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước vào năm 2030 và 2045.

CÔNG NGHỆ LẠC HẬU, NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG THẤP

Sau khi mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước năm 2020 đã chính thức được thừa nhận “không đạt” tại các Đại hội 12 và 13, chúng ta cần thẳng thắn nhìn lại vị trí của đất nước ở đâu trong quá trình phát triển trong tương quan với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới.

Trong tờ trình đề nghị xây dựng Luật Phát triển công nghiệp gửi tới Chính phủ, Bộ Công Thương nêu rõ, thời gian vừa qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách phát triển công nghiệp. Tuy vậy, nhìn chung công nghiệp phát triển chưa đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa; nước ta đã không tận dụng tốt được lợi thế đang trong giai đoạn dân số vàng và lợi thế là nước đi sau trong công nghiệp hóa, hiện đang đối diện với nguy cơ giải quyết công nghiệp hóa quá sớm (thời đại hậu công nghiệp quá sớm) và ở vị trí bất lợi trước những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

 

Báo cáo về Mức độ sẵn sàng cho tương lai của ngành sản xuất do Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) công bố ngày 12/1/2018, cho thấy Việt Nam xếp thứ 48/100 về Cấu trúc sản xuất và thứ 53/100 về Yếu tố dẫn dắt sản xuất, thuộc nhóm Sơ khai được cho là bất lợi trước những thay đổi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam, Campuchia, Indonesia cũng được xếp vào nhóm Sơ khai.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Việt Nam hiện nay đang ở bước chuyển tiếp từ giai đoạn một sang giai đoạn hai trong quá trình phát triển công nghiệp, trong đó, năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất công nghiệp của Việt Nam còn rất thấp; mức độ hấp thụ công nghệ và trình độ quản lý sản xuất vẫn đang ở mức “rất hạn chế”.

Phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2-3 thế hệ. “Với thực trạng trình độ công nghệ và hoạt động đổi mới công nghệ hiện nay, các doanh nghiệp nước ta chưa đủ năng lực để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh cao”, Tờ trình của Bộ Công Thương nêu rõ.

Không chỉ lạc hậu về công nghệ mà chất lượng nguồn nhân lực công nghiệp Việt Nam cũng rất đáng lo ngại. Đến nay, năng suất lao động trong các ngành công nghiệp chưa được cải thiện, đặc biệt là trong nhóm ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Trong khi tốc độ tăng năng suất lao động trung bình của cả nước giai đoạn 2011-2020 tăng 5,1% (trong đó giai đoạn 2011-2015 tăng 4,35%; giai đoạn 2016-2020 tăng 5,85%), thì tốc độ tăng năng suất lao động trong công nghiệp giai đoạn này chỉ đạt 2,71%, trong đó, giai đoạn 2016-2020 chỉ tăng 1,5%, tăng thấp nhất so với các ngành kinh tế và so với cả giai đoạn 2011-2015 (tăng 3,92%). 

NẾU KHÔNG THAY ĐỔI SẼ LẠI “LỠ NHỊP”

Theo Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), một quốc gia được xếp hạng là “nền kinh tế công nghiệp mới nổi” khi quốc gia đó đã có những thành tựu đáng kể về công nghiệp hóa và GDP bình quân đầu người từ khoảng 10.000 USD đến 20.000 USD. UNIDO nhận định: “Với GDP bình quân đầu người khoảng 2.750 USD năm 2020 và tăng trưởng bình quân 5,9% trong giai đoạn 2010 – 2020 vừa qua, Việt Nam phải mất hàng chục năm nữa để vượt qua tình trạng “nền kinh tế đang phát triển” và trở thành “nền kinh tế công nghiệp mới nổi”. 

 

Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% mỗi năm để đến năm 2030, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 7.500 USD. Mức tăng trưởng này dù rất cao so với mức trung bình 5,9% của giai đoạn 2010-2020, nhưng chưa thể giúp Việt Nam đạt mục tiêu công nghiệp hóa trong thập kỷ tới.

Bộ Công Thương cũng thừa nhận, nước ta đang ở cuối giai đoạn đầu của công nghiệp hóa và bước đầu chuyển sang giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa. Trong giai đoạn hiện nay, nếu công nghiệp nước ta không có những đổi mới mạnh mẽ về cơ cấu nội bộ ngành theo hướng nâng cao năng suất, tăng tỷ trọng ngành công nghệ cao đi kèm với giá trị gia tăng cao, cùng với yêu cầu đẩy mạnh chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thì nước ta cần ít nhất 20 năm nữa mới có thể đạt mức bình quân đầu người về giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo theo ngưỡng của các nước công nghiệp hóa mới theo phân loại của UNIDO.

Chính vì vậy, để không ”lỡ nhịp” như những lần trước, cần phải xây dựng một hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ nâng cao năng lực cạnh tranh trong công nghiệp từ phía Nhà nước để khắc phục các điểm yếu trên. Trong đó, yêu cầu đổi mới chính sách phát triển công nghiệp quốc gia với trọng tâm là công nghiệp chế biến, chế tạo để làm sao cho khu vực này đủ trình độ tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, tạo tiền đề công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước là vấn đề rất cấp thiết hiện nay.

GIẢM THIỂU SỰ CAN THIỆP CỦA NHÀ NƯỚC

Theo Bộ Công Thương, cho đến nay, trong khi hầu hết các phân ngành công nghiệp đã có Luật riêng để điều chỉnh như Luật Điện lực, Luật Khoáng sản, Luật Dầu khí... thì các hoạt động trong ngành chế biến, chế tạo lại chưa có luật riêng. Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đang đóng vai trò chủ đạo, tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho khu vực công nghiệp, có tác động lan tỏa và quyết định đối với chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

Do vậy, Luật về việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo ra đời sẽ tạo hành lang pháp lý và chế tài đủ mạnh giúp cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo phát triển theo các chỉ tiêu đã xác định, tạo cơ sở để yêu cầu bắt buộc huy động các nguồn lực cần thiết từ Trung ương đến địa phương và các nguồn lực từ xã hội để triển khai các giải pháp, chính sách cụ thể nhằm đạt được các chỉ tiêu về công nghiệp hóa, và các chủ thể liên quan phải có trách nhiệm trong việc triển khai những nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Đảng và Chính phủ liên quan đến phát triển công nghiệp.

Biểu đồ tăng trưởng công nghiệp qua các năm
Biểu đồ tăng trưởng công nghiệp qua các năm

Việc xây dựng Luật cũng là để thể chế hóa định hướng lớn của Đảng tại Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 khi xác định “Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là trung tâm; phát triển công nghiệp chế tạo thông minh là bước đột phá” trong xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng năm 2021 đã nêu rõ về đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, trong đó xác định đến năm 2025 “tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%”.

Vì vậy, công việc cần thiết hiện nay không phải là xây dựng một đạo luật về việc quản lý và phát triển chung cho tất cả các ngành công nghiệp (đặc biệt là trong bối cảnh khi các phân ngành công nghiệp còn lại phần lớn đã có luật riêng điều chỉnh hoặc không cần thiết ban hành luật điều chỉnh), mà cần xây dựng một đạo luật riêng với các cơ chế đặc thù cho việc thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo.

Ngoài ra, việc quản lý phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo gián tiếp thông qua các pháp luật chuyên ngành khác (đặc biệt là hệ thống pháp luật về thuế, đầu tư, đất đai...) tạo ra sự không thống nhất, chồng chéo trong quá trình áp dụng, và đặc biệt là không có các cơ chế hỗ trợ đặc thù riêng cho các ngành công nghiệp để khuyến khích phát triển. Do đó, Luật Phát triển công nghiệp cần tạo ra hành lang pháp lý để Chính phủ có thể quy phạm hóa các chiến lược, chương trình phát triển công nghiệp quốc gia trong từng giai đoạn, qua đó bố trí nguồn lực phù hợp và ràng buộc các chủ thể quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương để thực thi đồng bộ các chính sách phát triển công nghiệp.