15:43 31/01/2008

Luật sư tư vấn “ăn nên, làm ra”

Thị trường tư vấn pháp lý Việt Nam có sự chuyển biến tích cực sau một năm gia nhập WTO

Với sự xuất hiện của nhiều công ty luật nước ngoài trong thời gian vừa qua, giới luật sư Việt Nam học tập được rất nhiều điều về tính chuyên nghiệp.
Với sự xuất hiện của nhiều công ty luật nước ngoài trong thời gian vừa qua, giới luật sư Việt Nam học tập được rất nhiều điều về tính chuyên nghiệp.
Thị trường tư vấn pháp lý Việt Nam có sự chuyển biến tích cực sau một năm gia nhập WTO.

Tết đến, luật sư Lê Thành Kính, Trưởng văn phòng Luật sư Lê Nguyễn, “tậu” chiếc Captiva bảy chỗ thay cho chiếc Toyota bốn chỗ đã bạc màu. Luật sư Lê Công Định “săn lùng” mặt bằng đắc địa ở quận 1 để mở rộng văn phòng Công ty Luật DC. Luật sư Bùi Quang Nghiêm hướng Văn phòng Luật sư Nghiêm & Chính sang lĩnh vực tư vấn...

Thời cơ

Theo luật sư Lê Công Định, từ khi vào WTO, thị trường tư vấn pháp lý của Việt Nam nhộn nhịp lên hẳn. Thật vậy, trong năm 2007, giới đầu tư nước ngoài đã đổ xô vào Việt Nam để tìm cơ hội làm ăn. Mà đã làm ăn ở Việt Nam thì nhà đầu tư không thể không biết luật pháp của Việt Nam. Cho nên, rất dễ hiểu khi thị trường tư vấn luật năm qua thật sự khởi sắc...

Luật sư Lê Thành Kính cho rằng, trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài chỉ thăm dò môi trường đầu tư, còn bây giờ họ đầu tư thật sự. “Hồi trước, 10 nhà đầu tư đến văn phòng chúng tôi thì chỉ có một, hai trường hợp nhờ tư vấn thủ tục đầu tư; còn bây giờ thì ngược lại, 10 nhà đầu tư đến thì chỉ có một, hai trường hợp là thăm dò”, ông Kính nói.

Hơn nữa, trước đây, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị hạn chế kinh doanh một số lĩnh vực như đại lý hàng hải, nhà hàng, nhập khẩu... nhưng khi vào WTO các lĩnh vực này đã được “mở cửa”, nên nhiều doanh nghiệp có nhu cầu hoàn tất các thủ tục pháp lý để mở rộng hoạt động kinh doanh...

Ở một góc nhìn khác, khi nền kinh tế Việt Nam hội nhập, nhiều vụ tranh chấp thương mại quốc tế đã xảy ra... chủ các doanh nghiệp trong nước đã có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò của luật sư tư vấn. “Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng và quen với khoản chi phí dịch vụ tư vấn pháp lý. Họ đã biết ‘phòng thủ từ xa’ chứ không phải để khi xảy ra sự việc mới ‘giải quyết hậu quả’”, luật sư Bùi Quang Nghiêm nói.

Luật sư Định nhận định: “Thị trường tư vấn luật hiện nay tốt hơn bất cứ lúc nào trong quá khứ”. Nhiều công ty luật nước ngoài đang tìm cách chen chân vào thị trường Việt Nam để tìm kiếm cơ hội. Theo luật sư Kính, năm rồi, văn phòng luật sư của ông nhận được đề nghị hợp tác của rất nhiều công ty luật đến từ Mỹ, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc, Singapore... Các đối tác tiềm năng này cho rằng, thị trường tư vấn luật nhiều nước trong khu vực đã bão hoà. Việt Nam là thị trường mới nổi nên họ muốn vào để chia sẻ thị trường trên cơ sở hỗ trợ lẫn nhau.

Luật sư Nghiêm cho rằng, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đều sử dụng công ty luật của họ; nhưng điều này không ảnh hưởng nhiều đến chuyện làm ăn của các công ty luật trong nước. “Đây là cơ hội để các công ty luật trong nước và nước ngoài hợp tác, phát huy thế mạnh mỗi bên”, ông Nghiêm nói.

Quả thực, với sự xuất hiện của nhiều công ty luật nước ngoài trong thời gian vừa qua, giới luật sư Việt Nam học tập được rất nhiều điều về tính chuyên nghiệp, theo luật sự Định.

Khấm khá

Người viết bài này thật sự bất ngờ khi chị bạn, chủ doanh nghiệp tư nhân ở một tỉnh miền Trung, nhờ tìm luật sư tư vấn trước khi chị ký hợp đồng làm ăn với đối tác nước ngoài. Chị nói qua điện thoại: “Giới thiệu giùm chị luật sư giỏi, chi phí không thành vấn đề, miễn là được việc”. Mới hay luật sư tư vấn “rất có giá”.

Luật sư Kính kể, có vị khách hàng đến văn phòng của ông nhờ tư vấn làm hợp đồng hợp tác kinh doanh trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Sau khi trình bày sự việc, vị khách hỏi “chi phí dịch vụ thực hiện hết bao nhiêu?”, ông Kính nói “4.000 đô” (đô la Mỹ).

Vị khách này nói “sẽ trả 10.000 đô” và ngay ngày hôm sau ông Kính nhận được tiền. Theo ông Kính, khách hàng nước ngoài rất ít khi trả giá dịch vụ. “Nhiều trường hợp tư vấn vấn đề không quá phức tạp, khách nói sao lấy phí rẻ thế, trong khi mình đã tính phí đến 50 triệu đồng rồi!”, ông Kính nói.

Điều mừng hơn là các văn phòng luật sư luôn đầy khách hàng. Luật sư Lê Công Định cho biết, nhiều lúc bị “bội thực” công việc nên phải từ chối yêu cầu của khách hàng. “Năm 2007, công việc ở Công ty DC tăng gấp hai lần so với năm 2006. Hầu như ngày nào tôi cũng làm việc đến 1 giờ sáng mà vẫn không hết việc”, luật sư Định nói.

Kế hoạch mà Công ty Luật DC đang triển khai là tuyển dụng và mở rộng quy mô hoạt động để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Luật sư Kính cũng cho biết năm rồi công việc của Văn phòng Luật sư Lê Nguyễn tăng 100% so với năm 2006. “Từ đầu tuần đến cuối tuần, lịch làm việc của tôi kín bít”, ông nói. Theo ông, thị trường tư vấn luật hiện nay “nặng” về tư vấn kinh doanh và “nhẹ” về tư vấn tranh chấp.

“Tư vấn về tranh chấp là khoảng trống của thị trường hiện nay, trong lĩnh vực này chỉ có luật sư Việt Nam mới có thế mạnh, nên chúng tôi sẽ tập trung vào lĩnh vực này trong thời gian tới”, ông Kính nói.

Vấn đề còn lại

Thị trường tư vấn luật phát triển nhảy vọt, tuy nhiên cũng còn rất nhiều khó khăn. Luật sư Định cho rằng, nhu cầu tư vấn luật ngày càng nhiều nhưng các công ty luật trong nước muốn mở rộng hoạt động không phải dễ - vì tìm không ra người.

Luật sư Kính cũng có cùng nhận định: “Đội ngũ luật sư tư vấn luật có thể đáp ứng được yêu cầu thị trường hiện nay không nhiều, vì quá trình đào tạo ở các trường luật hiện nay còn xa rời thực tế”.

Ngay môi trường pháp lý về đầu tư, kinh doanh của Việt Nam cũng là một lực cản. Còn quá nhiều tồn tại trong chuyện quản lý nhà nước, nhất là cách giải thích luật của các cơ quan chức năng chưa thống nhất.

Trước đây, Việt kiều được quyền chọn lựa hình thức đầu tư (đầu tư trong nước hoặc đầu tư nước ngoài); bây giờ, theo luật mới, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM chấp nhận Việt kiều là nhà đầu tư trong nước nhưng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì giải thích ngược lại...

Hay chuyện một số cam kết WTO chưa được thực thi trọn vẹn, như mở cửa thị trường bán lẻ, ngân hàng... nên các luật sư khó giải thích cho các khách hàng của mình khi họ hỏi “Luật cho phép sao không làm được?”.