Lực tăng đang mạnh, giá dầu lập đỉnh mới
Hiện tại, giá dầu Brent đã tăng hơn 20% kể từ mức đáy của năm 2018 thiết lập hồi tháng 2
Giá dầu Brent bước sang ngày sang thứ 6 liên tiếp và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11/2014, dựa trên những kỳ vọng về việc nguồn cung dầu sẽ thắt chặt vào đúng lúc nhu cầu tiêu thụ đạt mức cao chưa từng thấy.
Hãng tin Reuters cho biết, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London có lúc đạt 75,27 USD/thùng vào ngày thứ Ba, mức cao nhất kể từ ngày 27/11/2014. Vào lúc hơn 15h chiều ngày thứ Ba theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent đứng ở 75,07 USD/thùng, tăng 0,36 USD/thùng, tương đương tăng 0,5% so với đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Hai.
Chuỗi 6 ngày tăng này là chuỗi phiên tăng dài nhất của giá dầu Brent kể từ tháng 12 năm ngoái. Hiện tại, giá dầu Brent đã tăng hơn 20% kể từ mức đáy của năm 2018 thiết lập hồi tháng 2.
Tại thị trường New York, giá dầu WTI giao sau lúc hơn 15h đứng ở 69,17 USD/thùng, tăng 0,53 USD/thùng, tương đương tăng 0,8%, so với đóng cửa ngày thứ Hai. Hôm thứ Năm tuần trước, giá dầu WTI có lúc đạt 69,56 USD/thùng, cao nhất kể từ ngày 28/11/2014.
Giá dầu đang được hỗ trợ bởi việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga hợp tác hạn chế sản lượng từ năm 2017. Khả năng Mỹ áp lệnh trừng phạt trở lại đối với Iran cũng đẩy giá dầu lên cao hơn.
Ông Stephen Innes, trưởng bộ phận giao dịch khu vực châu Á-Thái Bình Dương của OANDA, nói rằng Mỹ tái áp trừng phạt Tehran, thì giá dầu có thể tăng thêm tới 5 USD/thùng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đặt thời hạn 12/5 để quyết định có rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay không. Nếu Mỹ phá bỏ thỏa thuận này, thì Iran - nước sản xuất dầu lớn thứ ba trong OPEC - sẽ chịu lệnh trừng phạt kinh tế trở lại của Washington, đồng nghĩa với sản lượng dầu toàn cầu bị siết chặt hơn.
"Giá dầu thô đang ở mức cao nhất trong 3 năm, phản ánh mối lo về căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông, nơi cung cấp gần một nửa nguồn dầu của thế giới", ngân hàng ANZ nói trong một báo cáo.
Những nỗ lực hạn chế sản lượng dầu tại OPEC đang được dẫn đầu bởi Saudi Arabia. Nước này đang muốn giá dầu tăng cao hơn để chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của tập đoàn dầu lửa quốc doanh Saudi Aramco vào cuối năm nay hoặc năm 2019.
"Giá dầu mạnh lên nhờ cam kết gần đây của Saudi Arabia về đưa giá dầu lên ngưỡng 70-80 USD/thùng, cũng như nhờ lượng dầu tồn kho đã giảm về ngưỡng bình thường", ông William O’Loughlin, nhà phân tích đầu tư thuộc Rivkin Securities, phát biểu.
Một trong số ít những nhân tố hạn chế đà tăng của giá dầu hiện nay là sản lượng dầu đá phiến của Mỹ tăng mạnh. Từ giữa năm 2016 đến nay, sản lượng dầu đá phiến của Mỹ đã tăng hơn 1/4, đạt 10,54 triệu thùng/ngày, vượt ngưỡng sản lượng 10 triệu thùng/ngày của Saudi Arabia.
Do sản lượng tăng, Mỹ xuất khẩu dầu thô ra thị trường toàn cầu ngày càng nhiều, đến các thị trường từ Âu sang Á, làm suy yếu những nỗ lực thắt chặt nguồn cung dầu của OPEC.