13:41 10/08/2023

Không phải mọi lao động đều hưởng lợi khi tăng lương tối thiểu vùng

Phúc Minh

Trong khi chờ đợi một phương án chính thức về mức tăng và thời điểm điều chỉnh lương tối thiểu vùng trong năm 2024 tại phiên họp dự kiến diễn ra vào quý cuối năm 2023, cũng có ý kiến cho rằng mặc dù việc tăng lương góp phần cải thiện đời sống người lao động, song không phải tất cả đều được hưởng lợi…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã khép lại, trong khi chưa chốt được phương án chính thức, các bên đã thống nhất sẽ lùi thời điểm phiên họp lần tới vào quý 4/2023 để xem xét thêm về tình hình kinh tế - xã hội trong nước trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

THỐNG NHẤT TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU NĂM 2024 NHƯNG CHƯA XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM

Chia sẻ về kết quả sau phiên họp, một thành viên Hội đồng Tiền lương Quốc gia cho biết ở phiên đầu tiên, các bên mới chỉ đưa ra các căn cứ, mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2024. Theo đó, cơ bản tất cả các thành viên Hội đồng đều chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp cũng như đời sống của công nhân lao động khi thu nhập chưa đảm bảo mức sống tối thiểu.

Bộ phận kĩ thuật của Hội đồng Tiền lương Quốc gia sẽ tính toán, đánh giá lại tình hình, để phiên họp vào cuối năm sẽ có đầy đủ các căn cứ cho việc tăng lương tối thiểu năm 2024. Thời điểm đề xuất tăng dự kiến từ ngày 1/1/2024 hoặc ngày 1/7/2024, mức đề xuất tăng lương tuân theo nguyên tắc làm sao để lương tối thiểu bằng hoặc cao hơn mức sống tối thiểu.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và là Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, cũng nói thêm rằng các ý kiến tại phiên họp đầu tiên đều thống nhất phải tăng lương, tuy nhiên thời điểm tăng cần tính toán lại.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày, Túi xách Việt Nam, cho rằng việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cần xem xét động thái kinh tế, đặc biệt là tình hình đơn hàng của năm 2024, thông thường tháng 10, 11 là thời gian tốt nhất theo dõi tình hình kinh tế, đơn hàng.

Theo ông Thuấn, riêng với ngành da giày, túi xách, chưa bao giờ phải chịu nhiều sức ép đa chiều về đơn hàng như hiện nay, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động chỉ mong được làm việc 4-5 ngày/tuần.

Đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng nhấn mạnh là năm 2024 chắc chắn phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng, song thời điểm và mức tăng chưa thống nhất. Do đó, Bộ đã đề xuất Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp vào cuối quý cuối năm 2023 để có thêm thời gian đánh giá về các yếu tố tăng lương.

Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường, nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội.

Người lao động mong tăng lương để cải thiện đời sống. Ảnh: Nhật Dương.
Người lao động mong tăng lương để cải thiện đời sống. Ảnh: Nhật Dương.

Lương tối thiểu vùng hầu như đều tăng dần qua các năm, riêng giai đoạn năm 2021 và sang đầu năm 2022, mức lương tối thiểu vùng không tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Chính phủ muốn tập trung nguồn lực tài chính cho công tác phòng, chống dịch.

TĂNG TIỀN LƯƠNG LÀ MỘT ĐỘNG LỰC  ĐỂ THÚC ĐẨY TĂNG NĂNG SUẤT LAO ĐỘNG 

Sang đến năm 2022, dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát, kinh tế đã có dấu hiệu phục hồi. Đồng thời lương tối thiểu vùng lúc đó cũng đang không đáp ứng được mức sống thấp nhất của lao động, vì vậy, thay vì tăng từ 1/1 như các năm trước, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 với mức tăng thêm 6%, áp dụng đến hết năm 2023.

Ở góc độ một đơn vị thường xuyên có những khảo sát nắm tình hình đời sống người lao động, TS. Phạm Thị Thu Lan, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nói rằng, dù lương tối thiểu tăng đều đặn nhưng chưa thể giải quyết căn cơ vấn đề thu nhập của người lao động.

Theo bà Lan, tăng lương tối thiểu chắc chắn cũng không đủ để giải quyết khó khăn trong cuộc sống của người lao động, nhất là với tình hình doanh nghiệp hiện nay thì mức tăng không thể cao, trong khi chi phí sinh hoạt tăng. Mỗi mùa tăng lương tối thiểu hằng năm, phía công đoàn đều cố gắng đề xuất mức tăng cao nhất, nhưng luôn không đạt được như kỳ vọng.

Trong thực tế, khi lương tối thiểu tăng sẽ có một bộ phận người lao động được tăng, nhưng cũng có số khác không tăng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp tăng nhưng lại tìm cách cắt giảm các chi phí khác.

Khảo sát của công đoàn về tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động năm 2023 cũng cho thấy, thực hiện Nghị định 38 của Chính phủ về điều chỉnh lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022, đã có hơn 95% doanh nghiệp đã xây dựng thang bảng lương, trong đó hơn 23% doanh nghiệp có mức lương thấp nhất trong bảng lương bằng mức lương tối thiểu vùng.

Tuy nhiên, cũng có hơn 23% doanh nghiệp khi xác định mức lương tối thiểu đã cắt bỏ 2 khoản phụ cấp nặng nhọc độc hại và phụ cấp đào tạo. Ngoài ra, có gần 40% người lao động trong các doanh nghiệp khảo sát thuộc bậc lương số 1 (tương ứng với tiền lương tối thiểu vùng nếu không có các khoản phụ cấp), trong đó cá biệt có doanh nghiệp có đến 81% người lao động nhận lương ở bậc 1.

“Thực tế, quy định của pháp luật về tăng lương và thực tiễn áp dụng vẫn còn khoảng cách, nên nói tăng lương có giúp cải thiện đời sống cho người lao động hay không tôi khẳng định là có với một bộ phận nhưng cũng là không với một bộ phận khác”, bà Thu Lan nhấn mạnh.

Theo Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, vấn đề tăng lương còn liên quan đến việc doanh nghiệp áp dụng nó như thế nào, thái độ ứng xử ra sao, sự quan tâm của doanh nghiệp đến người lao động, có thực sự coi họ là tài sản hay không.

“Doanh nghiệp có coi tiền lương là bài toán nhằm kích thích người lao động làm việc để cùng nhau vượt qua khó khăn, hay tiếp tục sử dụng sức lao động đó để duy trì mức độ lợi nhuận đang có, chứ không muốn hạ thấp biên độ lợi nhuận để chia sẻ với người lao động”, vị chuyên gia nói thêm.