14:21 22/05/2009

Lùi thời hạn sửa Luật Ngân sách Nhà nước và Luật Đất đai đến năm 2010

Hải Hà

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 13 dự án luật.
Sáng 22/5, trình Quốc hội về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có sự điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009.

Theo đó, các dự án Luật Ngân sách Nhà nước (sửa đổi); Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm tiền gửi được chuyển sang chương trình chuẩn bị năm 2010. Bởi vì, tuy những dự án luật này đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009, nhưng trong quá trình chuẩn bị có nhiều nội dung sửa đổi không rõ ràng, thậm chí có dự án chưa định hình được nội dung cơ bản cần điều chỉnh (luật bảo hiểm tiền gửi).

 Trước đó, tại phiên họp thứ 19 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật đã đề nghị giữ đúng tiến độ với dự án luật sửa đổi bổ sung một số điều của luật đất đai, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (10/2009) theo đúng chương trình.Vì, đất đai là một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên những vướng mắc về đất đai cần được giải quyết kịp thời.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã giải trình lý do xin lùi sửa luật này là vì có tới 9 vấn đề bức xúc cần sửa đổi, sửa vội vàng sẽ không giải quyết hết.

Ngoài những điều chỉnh trên đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thống nhất bổ sung vào chương trình kỳ họp này dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật Quản lý thuế. Dự án luật này được xây dựng theo quy trình rút gọn và một luật sửa nhiều luật.

Định hướng lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 của Quốc hội sẽ chú trọng xây dựng và ban hành các đạo luật trực tiếp góp phần chống suy giảm kinh tế, chủ động phòng, chống lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, hoàn thiện tổ chức bộ máy nhà nước, bảo vệ các quyền tự do, dân chủ của công dân; 

Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2010 sẽ hạn chế tối đa việc bổ sung các dự án mới, chỉ ưu tiên bố trí các dự án có yêu cầu thực sự bức xúc và đã có thuyết minh rõ, bảo đảm tính khả thi

Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Quốc hội cho bổ sung dự án Luật Thủ đô và dự án Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi) vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khoá 12.

Cũng tại phiên họp sáng nay, đánh giá bước đầu về tình hình thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 khá nặng với 66 dự án luật, pháp lệnh, trong đó có 43 dự án thuộc chương trình chính thức và 22 dự án luật, 01 dự án pháp lệnh thuộc chương trình chuẩn bị.

Tuy nhiên, tiến độ trình dự án để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra còn rất chậm. Một số dự án được Chính phủ, Hội Luật gia Việt Nam đề nghị lùi thời gian trình Quốc hội cho ý kiến để có thêm thời gian chuẩn bị nhưng trình tự, thủ tục chưa thực hiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong số đó có Luật Báo chí (sửa đổi).

Nguyên nhân chính, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội là do việc soạn thảo chưa bảo đảm tiến độ và chất lượng. Một số dự án khi đưa vào chương trình chưa xem xét một cách toàn diện về nội dung, phạm vi điều chỉnh, chưa dự báo đầy đủ yêu cầu thực tiễn nên tính khả thi chưa cao, phải rút khỏi chương trình hoặc phải điều chỉnh thời gian trình. Sự phối hợp giữa cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan, tổ chức hữu quan chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ và còn hình thức.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần tập trung, dành thời gian thỏa đáng cho công tác xây dựng pháp luật và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động của mình.